TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA NIỀM VUI TÌNH YÊU (P.15)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 728 | Cật nhập lần cuối: 3/28/2017 12:49:03 PM | RSS

ĐỒNG HÀNH TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI HÔN NHÂN

217. Chúng ta phải nhìn nhận có một giá trị lớn lao mà người ta vẫn hiểu hôn nhân vốn là một vấn đề của tình yêu, và người ta chỉ có thể kết hôn với người mình tự do lựa chọn và yêu thương. Thế nhưng, khi tình yêu chỉ hệ tại ở nét hấp dẫn thể lí hay một tình cảm mơ hồ, thì cũng có nghĩa là vợ chồng sẽ phải chịu một cảnh ngộ hết sức mong manh khi tình cảm ấy rơi vào khủng hoảng hoặc khi nét hấp dẫn thể lí tàn tạ đi. Vì những nhầm lẫn này thường xảy ra, nên việc đồng hành với các đôi vợ chồng trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân lại càng cần thiết, để làm cho quyết định có ý thức và tự do thuộc về nhau và yêu nhau cho đến cùng được phong phú và sâu sắc hơn. Nhiều khi thời gian đính hôn không đủ dài, quyết định cưới nhau vội vàng vì nhiều lí do, trong khi có điều đáng ngại hơn nữa, là tình trạng những người trẻ chậm trưởng thành. Vì thế, các đôi bạn mới cưới có bổn phận phải bổ túc tiến trình đáng lẽ đã phải thực hiện trong thời kì đính hôn.

218. Đàng khác, tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong những thách đố của mục vụ gia đình là giúp các đôi bạn khám phá ra rằng hôn nhân không thể được hiểu như là một điều gì đó đã xong rồi. Sự kết hợp đã là hiện thực và không thể rút lại, được Bí tích Hôn nhân xác nhận và thánh hiến. Nhưng trong khi sống kết hợp với nhau, đôi bạn trở thành những chủ thể, những chủ nhân của chính lịch sử đời mình và là người sáng tạo một dự án đòi hỏi phải cùng nhau tiến hành. Cùng nhìn về tương lai, một tương lai mà đôi bạn cần phải xây dựng từng ngày nhờ ân sủng của Thiên Chúa, và chính vì thế đừng ai có tham vọng người phối ngẫu phải hoàn hảo. Cần gạt sang một bên những ảo tưởng và chấp nhận người kia như con người thực của người ấy: còn chưa kiện toàn, đang trong hành trình được mời gọi để lớn lên. Khi nhìn về người bạn đời với ánh mắt thường xuyên chỉ trích, điều đó có nghĩa là bạn còn chưa đảm nhận cuộc hôn nhân của mình như một dự án phải cùng nhau xây dựng, với lòng kiên nhẫn, cảm thông, khoan dung và quảng đại. Điều này có nghĩa là tình yêu đang dần bị thay thế bởi một cái nhìn tra vấn và gay gắt, bởi sự kiểm soát công lao và quyền hạn của mỗi người, bởi những phản kháng, những tranh chấp và tự vệ. Như thế, họ không còn khả năng nâng đỡ nhau để cả hai cùng trưởng thành và lớn lên trong sự hiệp nhất. Cần phải trình bày điều này cho các đôi vợ chồng mới cưới cách rõ ràng thực tế ngay từ đầu, để họ có thể ý thức được thực tại mà họ đang khởi đầu. Lời ưng thuận mà họ trao cho nhau là khởi đầu một cuộc hành trình, với mục đích là để họ có thể vượt qua được những rủi ro có thể có do hoàn cảnh hoặc những trở ngại mà họ gặp phải. Lời chúc lành họ lãnh nhận là một ân sủng và một lực đẩy cho hành trình này luôn được mở ra. Thường thì hành trình này giúp họ ngồi lại thảo luận với nhau để phác họa kế hoạch cụ thể về các mục tiêu, các phương tiện của mình trong cả các chi tiết.

219. Tôi nhớ một điệp khúc nói rằng nước ao tù thì hư thối. Đó là những gì xảy ra khi cuộc sống tình yêu trong những năm đầu hôn nhân bị trì trệ, không còn phấn khích, không còn những ưu tư lành mạnh thúc đẩy tiến về phía trước. Các đôi bạn không được dừng lại vũ điệu mình đang bước hướng về phía trước bằng tình yêu trẻ trung ấy, vũ điệu với đôi mắt bỡ ngỡ ngập tràn hi vọng. Trong thời kì đính hôn và trong những năm đầu của hôn nhân, niềm hi vọng vốn là chất men xúc tác giúp cho đôi bạn nhìn xa hơn những mâu thuẫn, những xung đột, những bất tất, niềm hi vọng luôn làm cho người ta thấy xa hơn. Và đây là điều làm chuyển động mọi kì vọng của đôi bạn để duy trì trong cuộc hành trình tăng trưởng. Chính niềm hi vọng mời gọi chúng ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại, đặt trái tim mình vào cuộc sống gia đình, bởi vì cách tốt nhất để chuẩn bị và củng cố tương lai là sống tốt giây phút hiện tại.

220. Hành trình này đi qua nhiều giai đoạn mời gọi đôi bạn quảng đại hiến thân: từ cuộc gặp gỡ ban đầu đầy cảm xúc với những nét hấp dẫn, đến nhu cầu cảm thấy người kia như một phần của đời mình. Từ đó, đôi bạn đi đến cảm nghiệm hoan hỉ mình thuộc về nhau, để rồi nhận ra toàn thể cuộc sống là một dự phóng chung của cả hai người, đạt đến khả năng đặt hạnh phúc của người kia lên trên nhu cầu của mình, và vui mừng nhận thấy cuộc hôn nhân của mình là một thiện ích đối với xã hội. Tình yêu trưởng thành cũng bao hàm cả việc học biết “thương lượng”. Đây không phải là một thái độ tìm tư lợi hay trò chơi có tính thương mại, nhưng xét cho cùng đó là một thực hành tình yêu thương dành cho nhau, bởi lẽ việc thương lượng này là một sự đan kết giữa cống hiến và từ bỏ vì ích lợi của gia đình. Trong mỗi giai đoạn mới của cuộc sống hôn nhân, đôi bạn cần phải ngồi xuống và thương thảo lại các điều đã thỏa thuận, làm sao để đừng có người thắng kẻ thua, nhưng là cả hai cùng thắng. Trong gia đình các quyết định không được thực hiện cách đơn phương, vì cả hai cùng chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình, tuy nhiên mỗi nhà là một nét độc đáo riêng và mỗi cuộc hôn nhân đều có cách sắp xếp tốt nhất khác nhau.

221. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hôn nhân là vì có những kì vọng quá cao về đời sống vợ chồng. Khi khám phá ra thì thấy thực tế quả là giới hạn và rắc rối hơn những gì mình mơ ước, vậy thì giải pháp là đừng nghĩ cách vội vàng và vô trách nhiệm về sự chia tay, nhưng hãy đảm nhận hôn nhân như một tiến trình trưởng thành dần, trong đó mỗi người phối ngẫu là phương tiện Thiên Chúa dùng để giúp người kia lớn lên. Mỗi người có thể thay đổi, lớn lên, phát triển các tố chất tiềm tàng mà mỗi người mang trong mình. Mỗi cuộc hôn nhân là một “lịch sử cứu độ”, và điều đó giả thiết rằng chúng ta khởi đầu từ một tình trạng mong manh, nhờ ơn Chúa và nhờ sự đáp trả sáng tạo và quảng đại từ phía chúng ta, hôn nhân sẽ dần dần trở nên một thực tại ngày càng bền vững và quí giá hơn. Phải chăng sứ mạng lớn nhất của hai người, một nam một nữ, trong tình yêu là: giúp nhau trở thành người đàn ông hay người phụ nữ đích thực hơn. Làm cho lớn lên là giúp người kia định hình trong bản sắc riêng của họ. Bởi thế, tình yêu là sản phẩm của một tay nghề tinh xảo. Khi đọc đoạn Thánh Kinh nói về việc tạo dựng người nam và người nữ, người ta nhận thấy trước hết Thiên Chúa dựng nên người đàn ông (cf. St 2,7), rồi thấy thiếu một cái gì đó rất thiết yếu và Ngài đã tạo nên người đàn bà, bấy giờ Ngài thấy người đàn ông thảng thốt: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”. Và sau đó dường như người ta nghe thấy cuộc đối thoại kì diệu giữa hai người trong đó người đàn ông và người phụ nữ bắt đầu khám phá lẫn nhau. Thực ra, ngay cả trong những thời điểm khó khăn người kia có thể lại làm ta ngạc nhiên và các cánh cửa mới được mở ra để họ lại tìm thấy nhau, như lần đầu tiên gặp gỡ; và trong mỗi giai đoạn mới họ quay về để “định hình” lại cho nhau. Tình yêu có nghĩa gì khác đâu nếu không phải là người này chờ đợi người kia với chính sự nhẫn nại của người thợ thủ công thừa hưởng từ Thiên Chúa.

222. Việc đồng hành với các đôi vợ chồng phải khuyến khích họ quảng đại thông truyền sự sống. «Phù hợp với tính cách cá vị và hoàn toàn nhân bản của tình yêu vợ chồng, con đường đúng đắn của việc kế hoạch hóa gia đình là đối thoại thuận tình giữa vợ chồng, tôn trọng các nhịp thời gian và coi trọng nhân phẩm của người bạn đời. Theo nghĩa đó, Thông điệp Humanae Vitae (cf. 10-14) và Tông huấn Familiaris Consortio (cf. 14; 28-35) cần phải được khám phá lại để đánh thức người ta sẵn sàng sinh sản chống lại não trạng ngày nay vốn thường thù địch với sự sống [...]. Sự chọn lựa làm cha làm mẹ có trách nhiệm giả thiết người ta phải được huấn luyện lương tâm, vốn là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ” (GS, 16). Vợ chồng càng cố gắng lắng nghe Thiên Chúa và các lệnh truyền của Ngài trong lương tâm (cf. Rm 2,15), và để mình được hướng dẫn thiêng liêng, thì quyết định của họ càng tự do thâm sâu hơn, không bị chi phối bởi tính tùy tiện chủ quan và không bị lôi kéo bởi lối sống của môi trường xung quanh”[1]. Những gì Công Đồng Vatican II xác định vẫn còn giá trị: «vợ chồng [...], đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống, sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo Hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa»[2]. Đàng khác, «việc sử dụng các phương pháp dựa trên “chu kì tự nhiên của sự thụ thai” (HV 11) cần phải được khuyến khích. Người ta nhấn mạnh rằng “những phương pháp này tôn trọng thân xác của người phối ngẫu, khích lệ sự dịu dàng âu yếm giữa họ, và cổ võ việc giáo dục sự tự do đích thực” (Sách Giáo Lí của Hội thánh Công Giáo, 2370). Cần phải luôn nhấn mạnh rằng con cái là một quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa, một niềm vui cho cha mẹ và cho Hội thánh. Qua chúng Chúa đổi mới thế giới này»[3].

Một số nguồn lực

223. Các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã cho thấy “những năm đầu tiên của hôn nhân là một thời kì rất quan trọng và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng ngày càng ý thức hơn về những thách đố và ý nghĩa của hôn nhân. Bởi thế cần phải có một sự đồng hành mục vụ tiếp theo sau khi cử hành bí tích (x. Familiaris Consortio, Phần III). Trong việc mục vụ này sự có mặt của các đôi vợ chồng có kinh nghiệm rất quan trọng. Giáo xứ được xem là nơi mà các cặp vợ chồng có kinh nghiệm như thế sẵn sàng phục vụ để có thể giúp cho những đôi vợ chồng trẻ, có thể cùng với sự hợp tác của các hiệp hội, các phong trào thuộc Hội thánh và các cộng đoàn mới. Cần khích lệ các đôi vợ chồng trẻ có một thái độ cơ bản sẵn sàng tiếp nhận quà tặng tuyệt vời là con cái. Cần lưu ý đến tầm quan trọng của linh đạo gia đình, việc cầu nguyện và tham dự Thánh lễ Chúa nhật, khuyến khích các đôi vợ chồng nên gặp gỡ đều đặn để thúc đẩy phát triển đời sống thiêng liêng và liên đới với nhau trong những đòi hỏi cụ thể của đời sống. Phụng vụ, thực hành việc đạo đức và thánh lễ được cử hành cho các gia đình, đặc biệt là vào dịp kỉ niệm hôn nhân, đã được đề cập như là những điều rất quan trọng để thúc đẩy việc loan báo Tin mừng qua gia đình”[4].

224. Hành trình này là vấn đề của thời gian. Tình yêu cần thời gian sẵn sàng dành cho nhau cách vô cầu, mọi cái khác chỉ là phụ thuộc. Cần thời gian để trò chuyện, để ôm hôn nhau không vội vã, để chia sẻ các kế hoạch, để lắng nghe nhau, để nhìn vào mắt nhau, để trân trọng nhau, để thắt chặt hơn nữa mối tương quan. Đôi khi nhịp sống cuồng nhiệt của xã hội, hoặc những lúc bận rộn gây áp lực sẽ tạo ra các vấn đề. Đôi khi, thời gian đôi bạn sống bên nhau không có chất lượng cũng là vấn đề. Đôi bạn chỉ chia sẻ một không gian vật lí, mà chẳng chú ý gì đến nhau. Các tác viên mục vụ và các nhóm gia đình cần giúp các đôi vợ chồng trẻ hoặc non yếu học biết tận dụng những giây phút ấy để gặp gỡ nhau, để dừng lại đối diện với nhau, và chia sẻ cả những khoảnh khắc thinh lặng buộc họ trải nghiệm sự hiện diện của người phối ngẫu.

225. Các cặp vợ chồng đã có một kinh nghiệm “học nghề” tốt theo nghĩa này có thể chia sẻ các phương thế thiết thực mà họ thấy là hữu ích đối với họ như: lên kế hoạch về thời gian dành để ở bên nhau cách vô cầu, thời gian giải trí với con cái, những cách thức khác nhau để mừng các sự kiện quan trọng, những không gian tâm linh chung. Nhưng họ cũng có thể dạy những nghệ thuật giúp đưa vào các khoảnh khắc ấy nội dung và ý nghĩa, để học cách thông giao tốt hơn. Việc làm này hết sức quan trọng khi những gì mới lạ của thời đính hôn đã lịm tắt. Bởi vì khi người ta không biết làm gì với thời gian dành cho nhau đó, thì rốt cuộc người này hoặc người kia sẽ tự lánh mình vào trong các thứ thiết bị kĩ thuật, hoặc sẽ bày ra những công việc khác để làm, sẽ tìm kiếm những vòng tay khác hoặc trốn tránh một sự thân mật không còn mấy thoải mái.

226. Các đôi vợ chồng trẻ cũng được khích lệ tạo ra những tập quán riêng, để có được một cảm giác ổn định và an toàn, được xây dựng qua một loạt các nghi tiết chung hằng ngày. Điều tốt đẹp ấy có thể luôn là một nụ hôn trao cho nhau mỗi buổi sáng, chúc lành cho nhau mỗi buổi tối, trông chờ và đón đợi khi người kia đi về, thỉnh thoảng cùng nhau đi ra ngoài, chia sẻ với nhau những công việc gia đình. Nhưng đồng thời, cũng hữu ích khi phá đi sự đơn điệu của thói quen bằng tổ chức một cuộc lễ, cũng đừng làm mất đi khả năng tổ chức những dịp đặc biệt của gia đình, để vui vẻ và ăn mừng những kinh nghiệm tuyệt vời. Họ cần những khoảnh khắc ấy để cùng biết ngỡ ngàng trước những ơn huệ kì diệu của Thiên Chúa và cùng nhau nuôi dưỡng lòng nhiệt thành vì sự sống. Khi người ta biết ăn mừng, là người ta có khả năng này làm mới lại năng lượng của tình yêu, giải phóng người ta khỏi sự đơn điệu nhàm chán và làm cho những những thói quen thường nhật đượm đầy màu sắc và hi vọng.

227. Chúng ta, những mục tử phải khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin. Vì thế, tốt nhất là khuyên họ thường xuyên xưng tội, thực hành linh hướng, thỉnh thoảng tham dự các kì tĩnh tâm. Nhưng đừng quên mời gọi gia đình dành thời gian hàng tuần cùng cầu nguyện, bởi vì “gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau”. Cũng vậy, khi ta đi thăm các gia đình, nên mời mọi thành viên trong gia đình qui tụ lại và cầu nguyện cho nhau trong chốc lát và phó dâng gia đình trong tay Chúa. Đồng thời, cũng nên khích lệ người chồng người vợ tìm thời giờ cầu nguyện một mình với Thiên Chúa, vì mỗi người có những thập giá riêng phải vác. Tại sao ta không nói với Chúa về những lo lắng của mình, hoặc kêu xin Ngài ban sức mạnh để chữa lành các vết thương và xin Ngài soi sáng đỡ nâng cho công việc làm của mình? Các Nghị phụ Thượng Hội đồng cũng nhấn mạnh rằng “Lời Chúa là nguồn mạch sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi mục vụ gia đình phải được định hình từ bên trong và huấn luyện các thành viên của Hội thánh tại gia bằng việc đọc Thánh Kinh và cầu nguyện theo hướng dẫn của Hội thánh. Lời Chúa không chỉ là Tin mừng cho đời sống riêng tư của một cá nhân, mà còn là tiêu chuẩn đánh giá và là ánh sáng giúp phân định những thách đố khác nhau mà các đôi vợ chồng và gia đình gặp phải”[5].

228. Có thể là một trong hai người phối ngẫu chưa rửa tội, hoặc không muốn sống những cam kết của đức tin. Trong trường hợp đó, ước nguyện của người kia muốn sống và triển nở trong đời sống Kitô hữu gặp phải sự thờ ơ của vợ hoặc chồng, có khi cũng đau đớn. Tuy nhiên, có thể tìm ra một vài giá trị chung để chia sẻ và nhiệt thành vun đắp. Dù sao, yêu người phối ngẫu không phải là tín hữu, làm cho người ấy được hạnh phúc, xoa dịu những nỗi đau và chia sẻ cuộc sống với người ấy, đó quả thực là một con đường nên thánh. Đàng khác, tình yêu là một quà tặng của Thiên Chúa, và ở đâu tình yêu lan tỏa ở đó người ta sẽ cảm thấy có sức mạnh biến đổi, bằng những cách đôi khi hết sức nhiệm mầu, thậm chí đến mức “một người chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và một người vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ chồng” (1Cr 7,14).

229. Các giáo xứ, các phong trào, trường học và các tổ chức khác của Hội thánh có thể có nhiều cách trợ giúp khác nhau để chăm sóc và phục hồi các gia đình. Chẳng hạn như: các cuộc họp mặt của các đôi vợ chồng sống gần nhau hay là bạn bè chung với nhau, những cuộc tĩnh tâm ngắn cho các vợ chồng, thuyết trình chuyên đề về những vấn đề rất cụ thể của đời sống gia đình, trung tâm tham vấn hôn nhân, các tác viên truyền giáo được chuẩn bị để nói chuyện với các đôi bạn về những khó khăn và nguyện vọng của họ, tham vấn cho những hoàn cảnh gia đình khác nhau (như nghiện ngập, ngoại tình, bạo hành trong gia đình), các chương trình phát triển đời sống thiêng liêng, lớp tập huấn cho cha mẹ có con cái có vấn đề, các cuộc hội ngộ gia đình. Các văn phòng giáo xứ là nơi cần có khả năng đón tiếp trong thân tình và quan tâm đến những trường hợp cứu giúp gia đình khẩn cấp, hoặc chỉ dẫn cách dễ dàng đến những địa chỉ có thể trợ giúp chuyên môn. Cũng có một sự hỗ trợ mục vụ trong các nhóm các đôi vợ chồng, xét như họ dấn thân phục vụ cho sứ vụ, cầu nguyện, đào tạo hoặc nâng đỡ lẫn nhau. Các nhóm này là cơ hội để trao ban, để sống sự cởi mở hướng đến các gia đình khác, để chia sẻ đức tin, nhưng đồng thời những nhóm này cũng là một phương tiện để củng cố các đôi các vợ chồng và giúp họ tăng trưởng.

230. Thực tế có nhiều đôi vợ chồng biến mất khỏi cộng đoàn Kitô hữu sau khi cưới, nhưng thường chúng ta lại không tận dụng những dịp họ quay trở lại để giới thiệu cho họ cách hấp dẫn về lí tưởng cao đẹp của hôn nhân Kitô giáo và đồng hành gần gũi với họ hơn: tôi muốn nói, chẳng hạn vào dịp lễ Rửa tội của một đứa con của họ, dịp Rước Lễ lần đầu, hoặc khi họ tham dự một lễ an táng hay lễ cưới của một người bà con hoặc bạn hữu. Hầu như tất cả các đôi vợ chồng đều xuất hiện lại vào những dịp này, đây có thể là những dịp thuận lợi nhất. Một phương cách khác để tiếp cận họ là dịp làm phép nhà, hay viếng thăm nhà trong một cuộc rước ảnh tượng Đức Mẹ, đó là những dịp để có được một cuộc đối thoại mục vụ về hoàn cảnh của các gia đình. Cũng có thể hữu ích là giao phó cho những đôi vợ chồng lớn tuổi nhiệm vụ theo dõi giúp đỡ các đôi bạn mới cưới sống gần họ, để gặp gỡ, đồng hành với họ trong giai đoạn khởi đầu và đề nghị cho họ một lộ trình tăng trưởng. Với nhịp sống như hiện nay, hầu hết các cặp vợ chồng không thể tham dự những cuộc gặp gỡ thường xuyên, và chúng ta không thể thu hẹp việc mục vụ của mình chỉ vào một số ít đôi đặc tuyển (élites). Ngày nay mục vụ gia đình cốt yếu phải là truyền giáo, đi ra, tiếp cận với người ngoài, chứ không thu mình trong một nhà máy sản xuất các khóa học mà có ít người tham gia.

Soi sáng những khủng hoảng, những âu lo và khó khăn

231. Cũng cần nói một chút với những người họ đã làm cho thứ rượu mới của thời đính hôn hóa thành cũ kĩ đi trong tình yêu. Khi rượu đã cũ dần theo giòng thời gian cùng với kinh nghiệm của hành trình này, thì ở đó cũng xuất hiện, triển nở tròn đầy sự trung tín đi qua những khoảnh khắc nho nhỏ của cuộc sống. Đó là sự trung tín của mong đợi và kiên nhẫn. Sự trung tín đong đầy những hi sinh và niềm vui này sinh hoa kết trái theo tuổi tác khi mọi thứ đã trở nên “dày dạn” và lúc này đôi mắt của họ trở nên rạng ngời khi ngắm nhìn lũ cháu đàn con. Tình yêu thuở ban đầu đã như thế đó, nhưng bây giờ người ta ý thức, lắng đọng, trưởng thành hơn cùng với những tái khám phá hằng ngày làm ngỡ ngàng, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia. Như Thánh Gioan Thánh Giá đã dạy, “những người yêu nhau lâu năm là những người đã qua thử luyện và kiểm nghiệm”. Họ không còn “nhiều cảm xúc bừng cháy, sôi bỏng và lửa nhiệt tình bên ngoài. Bây giờ họ hưởng nếm hương vị ngọt ngào của rượu tình yêu đậm chất, đã dậy men và nằm sâu trong tâm hồn”[6]. Điều này giả định là họ đã cùng nhau vượt qua được các cuộc khủng hoảng và những thời kì lo âu, không tránh né các thử thách hay che đậy những khó khăn.

Thách đố của những cuộc khủng hoảng

232. Lịch sử của một gia đình được đánh dấu bởi mọi loại khủng hoảng, nhưng đó cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp kịch tính của nó. Cần giúp các đôi vợ chồng hiểu ra rằng việc thắng vượt một khủng hoảng không làm cho mối tương quan của họ kém mãnh liệt hơn, nhưng cải thiện, làm ổn định và làm cho rượu hiệp nhất được chín muồi hơn. Sống với nhau không để hạnh phúc suy yếu dần đi, nhưng để học sống hạnh phúc theo cách thức mới, khởi đi từ các khả năng mở ra từ một giai đoạn mới. Mỗi khủng hoảng là một thực tập giúp cho cuộc sống chung thêm mạnh mẽ, hay ít nhất tìm thấy được một ý nghĩa mới của kinh nghiệm hôn nhân. Dù sao chăng nữa đôi bạn cũng không được nản lòng trước một khúc quanh dốc xuống, một sự suy thoái không tránh được, hay một tình trạng tầm thường phải chịu đựng. Ngược lại, khi hôn nhân được coi là một nhiệm vụ gồm cả việc phải vượt qua các trở ngại, thì mỗi cuộc khủng hoảng được xem như một cơ hội để có thể uống với nhau thứ rượu ngon hơn. Thật là tốt việc đồng hành với các đôi vợ chồng để họ có thể chấp nhận các cuộc khủng hoảng có thể xảy đến, đối diện với chúng và dành cho chúng một chỗ trong đời sống gia đình. Các cặp vợ chồng từng trải và được huấn luyện phải sẵn sàng đồng hành với các cặp khác trong việc khám phá này, làm sao để các cuộc khủng hoảng không làm họ kinh hãi cũng không đẩy họ đến chỗ có quyết định nông nổi. Mỗi khủng hoảng đều ẩn chứa một tin vui mà ta cần biết lắng nghe bằng lỗ tai của tâm hồn.

233. Trước những thách đố của một cuộc khủng hoảng, phản ứng tức thời của ta thường là chống lại, phòng thủ, cảm thấy mình đang mất kiểm soát bản thân, bởi vì nó cho thấy sự bất cập của chính cách sống của mình, và điều đó làm ta khó chịu. Bấy giờ ta sử dụng phương cách chối bỏ, che đậy, tương đối hóa tầm quan trọng của các vấn đề, chỉ mong đợi nó sẽ qua đi theo thời gian. Nhưng làm như thế việc giải quyết sẽ bị trì hoãn và khiến ta mất rất nhiều sức lực trong việc che giấu vô ích không những thế còn làm tình hình phức tạp hơn. Mối liên kết vợ chồng bị suy yếu dần và sự cách li gây tổn hại tình vợ chồng thân mật ngày càng gia tăng. Trong một cuộc khủng hoảng không được giải quyết, điều chịu tổn hại nhất là sự thông giao giữa hai người. Như thế, người mà trước đây là “người tôi yêu” sẽ trở thành “người bạn đời của tôi”, rồi chỉ còn là “người bố hoặc người mẹ của các con tôi”, và cuối cùng trở thành là một người xa lạ.

234. Để đối phó với một khủng hoảng ta cần phải hiện diện với nó. Điều đó thật khó, vì đôi khi người ta tự cô lập để tránh nói ra điều mình cảm nhận, họ thu mình vào trong một sự im lặng đớn hèn và lừa dối. Trong những lúc như vậy cần tạo ra những cơ hội để trải lòng với nhau. Vấn đề là đối thoại trong lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu đôi bạn chưa bao giờ học cách để làm điều đó. Đối thoại là một nghệ thuật đích thực mà đôi bạn cần học biết trong lúc êm ấm thuận hòa, để đem ra thực hành trong những thời kì khó khăn. Cần giúp họ khám phá những nguyên nhân ẩn kín nhất trong tâm hồn của hai vợ chồng, và đối diện với chúng, giống như một việc sinh nở, đây là một tiến trình đau đớn nhưng sẽ vượt qua và để lại một kho tàng mới. Nhưng những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế, cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằng một cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu.

235. Có những cuộc khủng hoảng phổ biến thường xảy ra trong các cuộc hôn nhân, như khủng hoảng của buổi ban đầu, khi các vợ chồng trẻ cần tập thích nghi với những khác biệt của nhau và khi họ mới tách ra khỏi cha mẹ; hoặc khủng hoảng khi họ mới có con kéo theo những thách đố mới về mặt cảm xúc; khủng hoảng khi nuôi dạy con còn nhỏ đòi hỏi phải thay đổi tập quán sống của cha mẹ; khủng hoảng khi con bước vào tuổi dậy thì, đòi hỏi mất rất nhiều sức lực, mất sự ổn định của các bậc cha mẹ và đôi khi căng thẳng nhau; khủng hoảng của “tổ trống trơn” buộc các đôi vợ chồng phải nhìn lại chính mình; khủng hoảng gây ra bởi hoàn cảnh khi phải chăm sóc cha mẹ già của các đôi vợ chồng đòi hỏi họ phải hiện diện, quan tâm nhiều hơn và đòi phải có những quyết định khó khăn. Đó là những hoàn cảnh gay go có thể gây ra lo sợ, cảm giác tội lỗi, bị trầm cảm hay mệt mỏi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự kết hiệp vợ chồng.

236. Ngoài ra còn có những khủng hoảng cá nhân ảnh hưởng đến đời sống các cặp vợ chồng, thường liên quan đến những khó khăn về kinh tế, việc làm, tình cảm, xã hội, tinh thần. Và còn thêm những tình huống bất ngờ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình đòi hỏi một hành trình của tha thứ và hòa giải. Chính trong lúc tìm cách tha thứ, mỗi người phải tự hỏi trong khiêm tốn và yên lặng xem liệu mình có tạo cớ cho người kia phạm lỗi không. Một số gia đình tan vỡ khi vợ chồng kết án lẫn nhau, nhưng “kinh nghiệm cho thấy rằng, với một sự trợ giúp thích đáng và với những hành động hòa giải nhờ ơn sủng, một tỉ lệ lớn các khủng hoảng hôn nhân được khắc phục cách thỏa đáng. Biết tha thứ và cảm nhận mình được thứ tha là một kinh nghiệm cơ bản trong cuộc sống gia đình”[7]. “Nghệ thuật vất vả của việc hòa giải, đòi hỏi sự hỗ trợ của ân sủng, cần sự hợp tác quảng đại của bà con và bạn hữu, và đôi khi cũng cần một sự giúp đỡ bên ngoài và chuyên nghiệp”. “Nghệ thuật kiên trì của hòa giải, vốn cần sự nâng đỡ của ân sủng, sự cộng tác quảng đại của bà con và bạn bè, và đôi khi cũng cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài và những hỗ trợ chuyên môn”[8].

237. Một sự kiện đã trở thành phổ biến là khi một người cảm thấy mình không nhận được những gì mình mong muốn, hoặc không thực hiện được những gì mình mơ ước, như thế có vẻ là đủ lí do để kết thúc một cuộc hôn nhân. Như vậy sẽ không có cuộc hôn nhân nào bền vững cả. Đôi khi, để quyết định tất cả đã chấm dứt thì chỉ cần có một sự bất mãn nào đó, hoặc vì người kia vắng mặt trong lúc người này cần đến họ, hoặc lòng kiêu hãnh bị tổn thương, hay một nỗi sợ mơ hồ nào đó. Có những hoàn cảnh yếu đuối của con người vốn không thể tránh khỏi, mà người ta gán cho nó một sức nặng tình cảm quá lớn. Chẳng hạn, họ cảm thấy mình không được trân trọng đầy đủ, những ghen tương, những khác biệt có thể lộ hiện ra giữa hai người, sự lôi cuốn bởi những người nào đó khác, những quan tâm mới có xu hướng chiếm trọn tâm hồn, những thay đổi về thể lí của người phối ngẫu, và nhiều sự việc khác, là những cơ hội để mời gọi bạn tái tạo lại tình yêu một lần nữa hơn là tấn công chống lại tình yêu.

238. Trong những hoàn cảnh như thế, một số người có sự trưởng thành cần thiết để xác nhận lại sự chọn lựa của mình, chọn người kia như là người bạn đường của mình, vượt trên những giới hạn của tương quan, và chấp nhận cách thực tế rằng người kia không thể đáp ứng mọi ước mơ mình ấp ủ. Họ tránh coi mình như là những người tử đạo duy nhất, quí trọng những khả năng nhỏ bé và hạn chế mà cuộc sống gia đình cống hiến cho họ và nhằm củng cố mối liên kết hôn phối mà việc xây dựng sẽ đòi hỏi thời gian và công sức. Bởi vì, xét cho cùng, họ nhận ra rằng mọi khủng hoảng đều có thể như là một lời “ưng thuận” mới, có thể làm cho tình yêu tái sinh nên mạnh mẽ hơn, được biến đổi, trưởng thành và được khai sáng. Khởi đi từ một cuộc khủng hoảng, người ta có can đảm truy tìm những gốc rễ sâu xa của những gì đang xảy ra, để đàm phán lại với nhau những thỏa ước căn bản, để đạt được một sự cân bằng mới và cùng nhau đi tiếp một giai đoạn mới. Với thái độ cởi mở thường xuyên này, họ có thể đối diện với nhiều hoàn cảnh khó khăn! Dù bất kì trường hợp nào, trong khi nhìn nhận hòa giải là việc có thể được, ngày nay chúng ta khám phá ra rằng “một sứ vụ dành riêng cho những người có quan hệ hôn nhân bị đổ vỡ, là đặc biệt khẩn cấp”[9].

Những vết thương cũ

239. Thật dễ hiểu gia đình thường gặp nhiều khó khăn khi có một thành viên nào đó không trưởng thành trong cách sống tương quan, bởi vì người ấy chưa được chữa lành những vết thương thuộc một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Trải qua thời thơ ấu hoặc thời niên thiếu trong bất hạnh rất có thể là nguyên nhân cho các cuộc khủng hoảng cá nhân, và cuối cùng làm tổn thương đến hôn nhân của đương sự. Nếu tất cả mọi người trưởng thành một cách bình thường, thì khủng hoảng có lẽ sẽ ít xảy ra hơn và ít gây đau đớn hơn. Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi, một số người phải cần tới tuổi ngoài bốn mươi mới có được mức trưởng thành mà lẽ ra họ đã phải đạt được ở cuối giai đoạn vị thành niên. Đôi khi người ta yêu bằng một thứ tình yêu ích kỉ đúng của trẻ con, vốn gắn với một giai đoạn mà thực tại bị nhìn méo mó, và cư xử thất thường cho rằng tất cả mọi thứ phải xoay quanh bản thân mình. Đó là một tình yêu vô độ, rên la và khóc lóc khi không đạt được điều mình muốn. Có khi người ta yêu bằng một tình yêu của giai đoạn vị thành niên, đặc biệt biểu lộ qua sự đối đầu, những phê phán gay gắt, những thói quen kết tội người khác, lí luận theo cảm tính và trí tưởng tượng, những người như thế chờ đợi người khác phải lấp vào chỗ trống rỗng của mình hoặc phải chịu đựng tính hay thay đổi bất chợt của mình.

240. Nhiều người bước qua thời thơ ấu mà không bao giờ cảm nhận mình được yêu thương vô điều kiện, và điều này làm tổn thương tới khả năng tin tưởng và tự hiến của họ. Một tương quan thảm hại với cha mẹ và anh chị em, nếu như không bao giờ được chữa trị, sẽ lại xuất hiện và gây tổn hại cho đời sống lứa đôi. Bởi thế, cần tiến hành một cuộc giải phóng mà ta chưa bao giờ đối mặt. Khi quan hệ giữa vợ chồng không được êm đẹp, trước khi đưa ra quyết định quan trọng, phải đảm bảo rằng mỗi người đã thực hiện tiến trình chữa trị vấn đề của đời mình. Điều đó đòi hỏi phải nhìn nhận sự cần thiết của việc chữa trị, ta thiết nài xin ơn tha thứ và được thứ tha, chấp nhận sự giúp đỡ, tìm kiếm những động lực tích cực và luôn bắt đầu thử nghiệm lại. Mỗi người phải rất chân thành với chính mình để thừa nhận rằng cách sống tình yêu của mình như thế là còn chưa trưởng thành. Dẫu có vẻ rõ ràng tất cả là lỗi của người kia, nhưng khủng hoảng không bao giờ có thể vượt qua nếu chỉ trông chờ người kia thay đổi. Cũng phải tự hỏi xem những gì trong cuộc sống cá nhân cần được phát triển cho chín chắn hay được chữa trị để tiến tới việc giải quyết sự xung đột.


[1] RF 2015, 63.

[2] GS, 50.

[3] RF 2015, 63.

[4] RS 2014, 40.

[5] RS 2014, 34.

[6] Gioan Thánh Giá, Cantico Spirituale (Khúc Linh Ca) B, XXV, 11.

[7] RS 2014, 44.

[8] RF 2015, 81.

[9] RF 2015, 78.