HẠNH CÁC THÁNH THÁNG 5

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Xem: 1893 | Cật nhập: 7/23/2020 8:56:50 PM | RSS

HẠNH CÁC THÁNH THÁNG 5

1/5 – Đức Thánh Giuse Lao động

Rõ ràng là ngày 1/5 là ngày Quốc tế Lao động dành cho giới công nhân được cộng sản ủng hộ, ĐGH Piô XII thành lập lễ Đức Thánh Giuse Lao động năm 1955. Nhưng mối quan hệ giữa Đức Thánh Giuse và giới công nhân có một lịch sử dài.

Với nỗ lực cố gắng giữ Chúa Giêsu không bị tách khỏi đời sống con người bình thường, tứ đầu giáo hội đã nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là thợ mộc (carpenter), được Đức Thánh Giuse đào tạo cả về nhiệm vụ lẫn sự vất vả của nghề nghiệp. Con người giống Thiên Chúa không chỉ về suy nghĩ và yêu thương mà còn về cách sáng tạo. Dù chúng ta đóng một cái bàn hay làm một thánh đường, chúng ta vẫn được mời gọi sinh lợi từ đôi tay và khối óc của mình, đặc biệt là xây dựng Nhiệm thể Đức Kitô.

2/5 – Thánh Athanasiô, Giám mục Tiến sĩ (295?-373)

Athanasiô sống cuộc đời huyên náo nhưng tận hiến phục vụ Giáo hội. Ngài là nhà vô địch về đức tin chống lại tà thuyết Arian. Sức mạnh của các bài viết của ngài khiến ngài được giáo hội tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội.

Ngài sinh trong một gia đình Kitô giáo ở Alexandria, Ai Cập, được giáo dục theo lối cổ điển, đi tu làm linh mục, rồi làm thư ký cho ĐGM Alexander, giáo phận Alexandria. Rồi chính ngài cũng được bổ nhiệm giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài là ĐGM Alexander đã phê bình thẳng thắn phong trào phát triển ở Đông phương – tức là tà thuyết Arian.

Khi ĐGM Athanasiô quản nhiệm giáo phận Alexandria, ngài tiếp tục chống tà thuyết này. Mới đầu có vẻ không khó lắm khi kết án tà thuyết Arian. Tuy nhiên, chuyện không đơn giản. Công đồng Tyre được triệu tập với vài lý do vẫn chưa rõ, hoàng đế Constantine bắt ĐGM Athanasiô đi đày ở Bắc Gaul. Đây là lần đầu tiên trong các cuộc đi đày gợi nhớ đến cuộc đời thánh Phaolô.

Sau khi Constantine băng hà, con trai ông phục hồi cương vị giám mục cho Athanasiô. Tuy nhiên, cương vị giám mục chỉ kéo dài 1 năm, rồi ngài lại bị truất phế vì sự cấu kết của các giám mục theo tà thuyết Arian. Ngài đi Rôma, và ĐGH Juliô I triệu tập hội đồng giám mục để xem xét trường hợp của ngài và các vấn đề liên quan.

Ngài bị đi đày 5 lần vì bảo vệ tín lý về thiên tính của Chúa Kitô. Thời gian đầu, ngài sống tương đối an bình trong 10 năm – đọc sách, viết lách và thúc đẩy đời sống Kitô giáo cùng với lý tưởng tu trì mà ngài rất tận tụy. Những bài viết về giáo lý và lịch sử của ngài hầu như là bút chiến (polemic), trực tiếp chống lại mọi phương diện của tà thuyết Arian.

Trong số những bài viết về đời tu khổ hạnh của ngài, cuốn Life of St. Anthony (Cuộc đời Thánh Antôn) được chú ý nhiều và góp công vào việc thành lập đời sống dòng tu ở khắp Tây phương.

3/5 – Thánh Philipphê và Giacôbê, Tông đồ

+ Giacôbê là con của Alphaeus: Chúng ta không biết gì về ngài ngoài tên gọi, và sự thật là Chúa Giêsu đã chọn ông làm 12 cột trụ của Israel mới, tức là Giáo hội. Ngài không là Giacôbê trong sách Công vụ, con của Clopas, “anh em” của Chúa Giêsu, sau đó là giám mục Giêrusalem và là tác giả của Thư Thánh Giacôbê. Giacôbê là con của Alphaeus được gọi là Giacôbê Nhỏ để tránh lầm lẫn với Giacôbê là con của Dêbêđê, cũng là tông đồ và là Giacôbê Cả.

+ Philipphê ở cùng thành phố của thánh Phêrô Anrê, là Bethsaiđa ở Galilê. Chúa Giêsu trức tiếp gọi ngài, lúc đó Chúa thấy Nathanael và gọi ông là “người mà Môsê đã nhắc tới” (Ga 1:45).

Cũng như các tông đồ khác, Philipphê phải mất một thời gian dài mới nhận biết Chúa Giêsu là ai. Một lần nọ, Chúa Giêsu thấy nhiều người đi theo Ngài và muốn cho họ ăn, Ngài hỏi Philipphê có thể mua bánh cho họ ăn không. Thánh Gioan viết: “Chúa Giêsu nói thế để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:6-7).

Chuyện kể của thánh Gioan không có ý “nói xấu” Philipphê. Đơn giản là cần thiết để những người này là “nền móng” của giáo hội có thể phân biệt rõ sự bơ vơ của con người khác với Thiên Chúa, khả năng của con người có thể chịu được thần lực nhờ tặng phẩm của Thiên Chúa.

Một dịp khác, sau khi thánh Tôma giải thích rằng họ không biết Chúa Giêsu sắp đi đâu, Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người. Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:6-9).

Có thể vì thánh Philipphê là người có tên Hy Lạp hoặc vì được coi là thân cận với Chúa Giêsu, một số người mới nhập đạo đến gặp ông và nhờ ông giới thiệu với Chúa Giêsu. Philipphê đi gặp Anrê, và Anrê đi gặp Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ nói gián tiếp. Ngài nói rằng “giờ” của Ngài đã đến, Ngài sẽ trao ban sự sống của Ngài cho cả người Do Thái và dân ngoại.

4/5 – Chân phước Michael Giedroyc (khoảng năm 1485)

Cuộc sống đau khổ cả thể lý lẫn tinh thần vẫn không thể ngăn cản Michael Giedroyc sống thánh thiện.

Ngài sinh gần Vilnius, Lithuania, và bị khuyết tật bẩm sinh. Ngài thấp bé và chỉ có một chân. Vì khuyết tật, việc học tập của ngài cũng thường bị gián đoạn, nhưng ngài chứng tỏ khả năng đặc biệt về làm đồ kim loại. Ngài khéo léo làm những chén thánh bằng đồng và bạc.

Ngài tới Cracow, Ba Lan, và nhập dòng thánh Augustinô. Ngài được phép sống ẩn tu trong phòng. Ngài chuyên cần cầu nguyện, ăn chay và hãm mình, nhưng sống thọ. Ngài hiểu ý nghĩa sự đau khổ qua cuộc đời ngài, nhưng ngài giàu về tâm linh và điều đó đã an ủi ngài. Ngài qua đời khoảng năm 1485 ở Cracow.

500 năm sau, chân phước Gioan-Phaolô II đã đến thăm thành phố này và nói với bạn giảng huấn của Học viện Giáo hoàng Thần học (Pontifical Academy of Theology) rằng thế kỷ 15 ở Cracow là “thế kỷ của các thánh”, trong đó có chân phước Michael Giedroyc.

5/5 – Thánh Hilary Arles, Giám mục (400-449)

Người ta thường nói tuổi trẻ hay lãng phí. Theo cách nào đó, cuộc đời thánh Hilary Arles cũng vậy.

Ngài sinh tại Pháp, trong một gia đình quý tộc. Khi đi học, ngài gặp một người thân là ĐGM Hônôratô, và người này đã giúp ngài đi tu. Ngài tiếp tục theo bước của ĐGM Hônôratô. Ngài làm linh mục, rồi ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Arles khi mới 29 tuổi.

Giám mục trẻ lãnh sứ vụ với lòng tự tin. Ngài lao động chân tay để kiếm tiền cho người nghèo. Ngài bán chén lễ để chuộc các tù nhân. Ngài giảng thuyết rất hùng hồn. Ngài đi bộ khắp nơi và luôn mặc quần áo giản dị.

Nhưng ngài cũng gặp khó khăn trong các mối quan hệ với các giám mục khác mà ngài đã phê phán. Ngài đơn phương một phe. Ngài chọn một giám mục khác để thay thế giám mục bị bệnh, phức tạp hóa các vấn đề, nhưng không đến nỗi! Thánh Giáo hoàng Lêô Cả giữ ngài làm giám mục nhưng tước một số quyền của ngài. Thánh Hilary là người có tài nhưng có lòng thương người.

6/5 – Thánh Marian và James, Tử đạo (khoảng năm 259)

Thường thì khó tìm được nhiều chi tiết về đời sống của các thánh thời giáo hội sơ khai. Những gì chúng ta biết về các thánh tử đạo hồi thế kỷ III mà chúng ta kính nhớ hôm nay cũng rất ít. Nhưng chúng ta biết rằng các ngài đã sống và đã chết vì đức tin. Gần 2.000 năm sau, chúng ta có đủ lý do để tôn kính các ngài.

Sinh tại Bắc Phi, Marian là thầy giảng; James là phó tế. Vì đức tin mà các ngài bị hành xử. Không lâu trước khi bị hành xử, Marian và James được 2 giám mục đến thăm và khuyến khích vì đức tin. Một thời gian sau, Marian và James bị bắt và thẩm vấn. Các ngài mạnh dạn tuyên xưng đức tin, rồi bị hành hạ. Ở trong tù, các ngài thấy thị kiến, một trong hai vị giám mục kia cũng có thị kiến. Các ngài bị bịt mắt và bị giết chết, rồi họ ném thi hài các ngài xuống sông.

7/5 – Chân phước Rose Venerini (1656-1728)

Rose sinh tại Viterbo, Ý, là ái nữ của một vị bác sĩ. Sau khi vị hôn phu của bà qua đời, bà vào dòng, nhưng không lâu sau bà về nhà để chăm sóc mẹ già. Khi đó, bà quy tụ các phụ nữ đến nhà mình cùng lần chuỗi Mân côi, tạo sự đoàn kết với nhau.

Được một linh mục Dòng Tên hướng dẫn, chân phước Rose tin rằng mình được gọi làm giáo viên hơn là một nữ tu chiêm niệm trong nhà dòng. Rõ ràng bà đã chọn đúng: Năm 1685, bà mở trường cho các em gái và được mọi người đón nhận.

Đức hồng y mời bà đảm trách việc đào tạo các giáo viên và quản lý các trường học trong giáo phận Montefiascone. Danh tiếng của bà lan truyền, người ta yêu cầu bà mở các trường học ở nhiều nơi trong nước Ý, kể cả Rôma. Cách bố trí của bà đúng với từng người, tuy bà thường xuyên gặp đối lập nhưng không bao giờ bị bác bỏ. Nhóm phụ nữ thường được quy tụ để cầu nguyện cuối cùng trở thành Dòng nữ Venerini (Venerini Sisters). Ngày nay, dòng có ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác, hoạt động giữa cộng đồng người Ý nhập cư.

Bà qua đời tại Rôma năm 1728. Có nhiều phép lạ người ta nói là do bà làm. Bà được phong chân phước năm 1952.

8/5 – Thánh Phêrô Tarentaise, Giám mục (khoảng năm 1102-1175)

Có hai thánh Phêrô Tarentaise sống cách nhau một thế kỷ. Vị thánh được kính nhớ hôm nay là thánh Phêrô Tarentaise trẻ, sinh ở Pháp hồi đầu thế kỷ 12. (Thánh Phêrô Tarentaise khác là Giáo hoàng Innocent V).

Thánh Phêrô Tarentaise là tu sĩ dòng Xitô (Cistercian monk), rồi làm tu viện trưởng. Năm 1142, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Tarentaise, thay thế giám mục bị cách chức (deposed) vì thoái hóa. Thánh Phêrô Tarentaise nhiệt tâm làm nhiệm vụ. Ngài cải cách giáo phận, thay thế các giáo sĩ buông thả (lax clergy) và đến với dân nghèo. Ngài thường xuyên đến các vùng sơn cước trong giáo phận.

Sau khoảng 10 năm làm giám mục, ngài “biến mất” một năm và sống ẩn dật tại một tu viện ở Thụy Sĩ. Ngài bị phát hiện và lại đành trở về cương vị giám mục. Ngài rất chú trọng tới người nghèo. Đức giáo hoàng phái ngài đi giải hòa với vua nước Pháp và nước Anh nhưng bất thành công. Trên đường về tòa giám mục thì ngài qua đời.

9/5 – Thánh Catarina Bôlônha (1413-1463)

Thánh Catarina sống phụng sự Chúa trong sự ẩn dật. Bà sinh tại Bologna, thuộc dòng dõi quý tộc ở Ferrara và được học về ngành tòa án ở đó. Bà thích và có năng khiếu hội họa. Bà là nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo (Poor Clare). Những năm cuối đời, đôi khi bà vẽ những bức tiểu họa (miniatures).

Lúc 17 tuổi, bà vào dòng nữ ở Ferrara. Bốn năm sau, nhóm của bà sáp nhập Dòng Thánh Clara cũng trong thành phố đó. Bà làm những việc như làm bánh và gác cổng, rồi bà được chọn làm giáo tập (novice mistress).

Năm 1456, bà và 15 chị em khác được sai đi lập Dòng Thánh Clara khó nghèo ở Florence. Là tu viện trưởng, thánh Catarina nỗ lực duy trì cộng đoàn mới. Sự thánh thiện của bà thu hút nhiều phụ nữ trẻ đi tu. Bà được phong thánh năm 1712.

10/5 – Chân phước Damien Molokai (1840-1889)

Khi Joseph de Veuster sinh tại Tremelo, Bỉ, năm 1840, một số người ở Âu châu chưa biết về bệnh phong cùi. Lúc ngài qua đời ở tuổi 49, nhờ ngài mà khắp thế giới đều biết về bệnh này.

Phải nghỉ học từ lúc 13 tuổi để làm việc ở trang trại của gia đình. Sáu năm sau, ngài vào Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ (Congregation of the Sacred Hearts of Jesus and Mary), và lấy tên của vị y sĩ tử đạo hồi thế kỷ IV. Khi anh ngài là Pamphile, một linh mục cùng dòng với ngài, bị bệnh và không thể đến đảo Hawaii như được sai đi, Damien tự nguyện thay thế. Tháng 5/1864, 2 tháng sau khi đến vùng đất mới, ngài được thụ phong linh mục tại Honolulu và được sai tới đảo Hawaii.

Năm 1873, ngài đến đảo Molokai (thuộc địa của Hawaii), thành lập 7 năm trước. Mỗi nhóm truyền giáo đảm trách mỗi năm 3 tháng ở đó, nhưng Damien tình nguyện ở lại luôn, ngài chăm sóc bệnh nhân cả về thể lý lẫn tinh thần, và được chính phủ hỗ trợ.

Ngài cho xây dựng nhiều căn nhà, giáo đường, trường học và trại mồ côi. Vài năm sau, ngài được sự hỗ trợ của Dòng nữ Phanxicô Syracuse (Franciscan Sisters of Syracuse), bề trên là mẹ Marianne Kope.

Ngài bị bệnh phong và qua đời vì bị biến chứng. Theo yêu cầu, ngài được an táng tại Kalaupapa, nhưng năm 1936, chính phủ Bỉ đưa thi hài ngài về Bỉ. Một phần thi hài của ngài được giao lại cho người Hawaii sau khi ngài được phong chân phước năm 1995.

Khi Hawaii trở thành đảo quốc năm 1959, người ta chọn chân phước Damien là một trong hai tượng tiêu biểu tại Phòng điêu khắc (Statuary Hall) ở Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ (U.S. Capitol).

11/5 – Thánh Inhaxiô Lacôni (1701-1781)

Inhaxiô là một tu sĩ khất thực. Ngài là con thứ hai trong 7 người con của một gia đình nông dân ở Sardinia. Con đường vào Dòng Phanxicô của ngài rất khác thường. Khi bị bệnh nặng, ngài hứa sẽ đi tu Dòng Phanxicô nếu khỏi bệnh. Ngài khỏi bệnh nhưng không giữ lời hứa. Rồi ngài bị tai nạn khiến ngài nhớ lại lời hứa, khi đó ngài mới 20 tuổi. Ngài có tiếng về hy sinh và bác ái nên ngài được cắt cử đi khất thực chính cho các tu sĩ ở Cagliari. Ngài đi khất thực 40 năm. Hai năm cuối đời ngài bị mù.

Khi đi khất thực, ngài thường dạy dỗ trẻ em, thăm viếng bệnh nhân và thúc giục các tội nhân ăn năn trở lại. Người dân Cagliari được cảm hứng nhờ lòng tử tế và lòng trung thành của ngài đối với công việc. Ngài được phong thánh năm 1951.

12/5 – Thánh Nêrêô và Akilêô, Tử đạo (Thế kỷ I)

Chúng ta không biết nhiều về các vị thánh này. Họ là những binh sĩ của hoàng đế Rôma, trở lại Công giáo, bị đi đày và tử đạo ở đảo Terracina.

Thi hài của họ được an táng ở một hầm mộ gia đình, sau đó là nghĩa trang Domitilla. Năm 1896, De Rossi khai quật và phát hiện ngôi mộ trống ở hầm nhà thờ do ĐGH Sirixiô xây dựng năm 390.

200 năm sau khi họ tử đạo, ĐGH Grêgôriô Cả có bài giảng thứ 28 vào ngày lễ kính nhớ các ngài: “Các vị thánh này, trước khi được tập hợp, đã khinh chê thế gian và không thèm giàu sang phú quý của thế gian”.

13/5 – Đức Mẹ Fatima

Giữa những ngày 13/5 và 13/10/1917, ba trẻ người Bồ Đào Nha được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách Lisbon về hướng Bắc 110 dặm (1 dặm là 1.609,31 m). (Xem ngày 20/2, lễ các Chân phước Giaxinta và Phanxicô Martô). Đức Mẹ yêu cầu các em này cầu nguyện cho hòa bình thế giới, xin cho chấm dứt thế chiến I, cầu nguyện cho người tội lỗi và xin cho nước Nga trở lại.

Đức Mẹ trao cho các em 3 bí mật. Từ khi Phanxicô qua đời năm 1919 và Giaxinta qua đời năm 1920. Còn Lucia, sau đó là nữ tu Dòng kín Cát Minh, tiết lộ bí mật thứ nhất năm 1927, liên quan sự tận hiến cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Bí mật thứ hai là cảnh tượng hỏa ngục.

Chân phước Gioan Phaolô II đã truyền cho Quốc vụ khanh Tòa thánh tiết lộ bí mật thứ ba năm 2000: Một “giám mục áo trắng” bị một nhóm binh sĩ bắn. Nhiều người cho đó là vụ ám sát ĐGH Gioan-Phaolô II tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981.

Năm 1930, lễ Đức Mẹ Fatima được giám mục sở tại phê chuẩn, và năm 2001 lễ này được thêm vào lịch phụng vụ hoàn vũ. Nữ tu Lucia qua đời năm 2005, thọ 97 tuổi.

14/5 – Thánh Matthia, Tông đồ

Theo Cv 1:15-26: Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt - Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Giuđa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Khakenđơma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu”. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ. Và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó. Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh. Họ đề cử hai người: ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y”. Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.

Matthia được thêm vào Nhóm Mười Một. Matthia không được nhắc đến tên trong Tân ước.

15/5 – Thánh Isiđôrê, Nông dân (1070-1130)

Isiđôrê là bổn mạng của các nông dân và thôn quê. Ngài cũng là bổn mạng của Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, và là bổn mạng của Hội Nông thôn Hoa Kỳ (United States National Rural Life Conference).

Ngài làm cho điền chủ John de Vergas giàu có ở Madrid. Ngài kết hôn với một phụ nữ trẻ là Maria de la Cabeza (phụ nữ này cũng đã được giáo hội phong thánh). Họ có một con trai, nhưng chết khi còn nhỏ.

Isiđôrê có lòng đạo đức sâu sắc. Ngài dậy từ sáng sớm để đến nhà thờ và dành những ngày nghỉ để đến các nhà thờ ở Madrid và các vùng lân cận. Suốt ngày ngài đi cày bừa nhưng vẫn luôn kết hiệp với Chúa. Ngài có tiếng về lòng yêu thương người nghèo, đồng thời cũng yêu quý súc vật.

Ngài qua đời ngày 15/5/1130, và được phong thánh năm 1622 cùng với thánh Inhaxiô Loyola, Phanxicô Xavier, Teresa Avila và Philip Neri. Đó là 5 vị thánh “nổi tiếng” của Tây Ban Nha.

16/5 – Thánh Margaret Cortona (1247-1297)

Margaret sinh trong một gia đình nông dân ở Laviano, Tuscany. Mẹ mất khi Margaret mới 7 tuổi. Bà sống với mẹ kế, khổ quá nên nên bà không thể sống chung. Bà sống không hôn thú với Arsenio 9 năm và có một con trai. Thời gian đó, bà nghi ngờ tình trạng của mình. Giống thánh Augustinô chút gì đó, bà cầu nguyện cho sự khiết tịnh, nhưng bà không khiết tịnh.

Một hôm, bà đang chờ Arsenio thì có con chó đi qua. Nó dẫn bà vào một khu rừng và bà thấy Arsenio bị giết chết ở đó. Điều này khiến bà sống cuộc đời ăn năn đền tội. Bà đưa con trai về Laviano, nhưng không được mẹ kế chấp nhận. Hai mẹ con lại tới Cortona, rồi con trai bà đi tu dòng.

Năm 1277, sau khi trở lại được 3 năm, Margaret vào Dòng Ba Phanxicô. Theo hướng dẫn của linh mục giải tội, bà sống hy sinh, cầu nguyện và đền tội tại Cortona. Tại đây, bà mở một bệnh viện và lập một nhóm Dòng Ba nữ. Noi gương thánh Phanxicô, bà sống khó nghèo và khiêm nhường, tận hiến cho Thánh Thể và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Bà rất bác ái và làm cho nhiều tội nhân trở lại nhờ lời khuyên và sự gợi hứng của bà. Bà được phong thánh năm 1728.

17/5 – Thánh Paschal Baylon, Tu sĩ (1540-1592)

Ngài sinh tại Baylon, Tây Ban Nha. Thời thánh Paschal, hoàng đế Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới có quyền lực cao nhất, sau đó Pháp và Anh giảm sức ảnh hưởng này. Thế kỷ 16 được gọi là Thời Hoáng Kim (Golden Age) của Giáo hội ở Tây Ban Nha, vì đất nước này sinh ra thánh Inhaxiô Loyola, Phanxicô Xaviê, Têrêsa Avila, Gioan Thánh giá, Phêrô Alcantara, Phanxicô Sôlanô và Salvator Horta.

Cha mẹ của Paschal nghèo khó nhưng sùng đạo. Từ 7 tới 24 tuổi, ngài chăn chiên và sống khổ hạnh. Ngài cầu nguyện ngay khi đang làm việc và luôn để ý tiếng chuông nhà thờ khi dâng Mình Máu Thánh trong Thánh lễ. Ngài rất chân thật. Có lần ngài đền trả cho chủ những gì chiên ngài chăn làm hư hại.

Năm 1564, ngài vào Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phanxicô) và chuyên cần sống đền tội. Ngài được chọn đi học làm linh mục nhưng ngài xin được làm tu sĩ bình thường. Nhiều lần ngài làm người gác cổng, nấu ăn, làm vườn và hành khất chính cho nhà dòng.

Ngài cẩn trọng giữ lời khấn khó nghèo. Ngài không bao giờ lãng phí thức ăn hoặc bất kỳ thứ gì dành cho các thầy dùng. Khi ngài giữ cổng, ngài chăm sóc những người nghèo đến xin nhà dòng, ngài có tiếng là đại lượng. Đôi khi các tu sĩ khác phải hạn chế tính hào phóng của ngài!

Ngài dành thời gian để cầu nguyện trước Thánh Thể. Lúc đó nhiều người nhận thấy ngài là người khôn ngoan. Sau khi ngài qua đời và an táng, người ta đến mộ ngài để cầu nguyện rất đông, nhiều phép lạ được coi là của ngài ngay sau đó. Năm 1690, ngài được phong thánh. Năm 1897, ngài được tôn phong làm bổn mạng các Đại hội Thánh Thể.

18/5 – Thánh Gioan I, Giáo hoàng Tử đạo (qua đời năm 526)

Hoàng đế ủng hộ tà thuyết Arian (không tin thiên tính của Chúa Giêsu) đã cai trị Ý 30 năm, dù hoàng đế này vẫn đối xử với người Công giáo bằng sự khoan hồng. Chính sách của hoàng đế đã thay đổi vào khoảng thời gian Hồng y trẻ được chọn làm giáo hoàng với danh hiệu Gioan I.

Khi hoàng đế Đông phương bắt đầu dùng các biện pháp mạnh đối với những người theo tà thuyết Arian, ông buộc Gioan dẫn đầu phái đoàn tới Đông phương để làm giảm nhẹ các biện pháp chống lại những người theo dị giáo.

Khi ĐGH Gioan I trở lại Rôma, ngài thấy hoàng đế bắt đầu nghi ngờ tình bạn của ngài với đối thủ Đông phương.

Trên đường về, ĐGH Gioan I bị bỏ tù khi đến Ravenna vì hoàng đế nghi ngờ ngài thông đồng lật đổ ngai vàng của ông. Sau khi bị tù, ĐGH Gioan I qua đời vì bị hành hạ dã man.

19/5 – Thánh Theophilus Corte, Linh mục (1676-1740)

Nếu chúng ta trông mong các thánh làm những điều lạ và để lại cho chúng ta nhiều câu nói đáng giá, chúng ta sẽ thất vọng về thánh Theophilus. Mầu nhiệm của hồng ân Chúa trong mỗi cuộc đời lại có một vẻ đẹp riêng biệt.

Theophilus sinh tại Corsica, trong một gia đình giàu có và quý tộc. Khi còn trẻ, ngài vào Dòng Phanxicô và yêu thích sống cô tịch để cầu nguyện. Sau khi hoàn tất việc học, ngài thụ phong linh mục và được bổ nhiệm đến một nhà tĩnh tâm (retreat house) gần Subiaco. Được cảm hóa nhờ đời sống nghiêm khắc của Dòng Phanxicô ở đó, ngài thành lập nhiều nhà tĩnh tâm khác ở Corsica và Tuscany. Qua nhiều năm, ngài nổi tiếng về tài giảng thuyết và nỗ lực truyền giáo.

Dù hay ốm đau, ngài vẫn phục vụ Chúa trong việc giải tội, giúp bệnh nhân. Ngài qua đời ngày 17/6/1740, và được phong thánh năm 1930.

20/5 – Thánh Bernarđinô Siêna, Linh mục (1380-1444)

Đa số các thánh chịu nhiều chống đối, thậm chí còn bị hành hạ. Ngược lại, thánh Bernarđinô có vẻ giống một “máy phát điện người” (human dynamo) đảm nhận các nhu cầu của thế giới.

Ngài là nhà giảng thuyết đặc biệt nhất thời đó, ngài đi khắp nước Ý, trấn an các thành phố bị tan tành vì xung đột, thu hút tà giáo, thu hút đám đông 30.000 người, ngài theo lời khuyên của thánh Phanxicô đi rao giảng về “nhân đức và thói xấu, hình phạt và vinh quang”.

So sánh với thánh Phaolô, thánh Bernarđinô có trực giác nhạy bén về các nhu cầu của thời đại, cùng với sự thánh thiện và năng lực. Ngài hoàn thành tất cả dù giọng nói ngài khàn và yếu, và ngài rất sùng kính Đức Mẹ.

Lúc ngài 20 tuổi, bệnh dịch hoành hành Siêna. Có ngày có 20 người chết trong bệnh viện. Thánh Bernarđinô tình nguyện điều hành bệnh viện, với sự hỗ trợ của các thanh niên khác chăm sóc các bệnh nhân trong 4 tháng. Ngài không bị nhiễm bệnh dịch nhưng quá kiệt sức nên bị sốt trong vài tháng. Ngài dành cả năm chăm sóc người dì (coi như mẹ, vì cha mẹ ngài mất khi ngài còn nhỏ). Khi người dì mất, ngài cầu xin được biết Ý Chúa muốn đối với ngài.

Lúc 22 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô và thụ phong linh mục 2 năm sau. Gần 12 năm sống trong cô tịch và cầu nguyện, nhưng ngài cảm thấy có ơn gọi đi rao giảng. Ngài luôn đi bộ, đôi khi giảng hằng giờ ở một nơi, rồi lại tiếp tục đến nơi khác.

Ngài nổi tiếng về lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu, di sản của ngài là biểu tượng IHS, viết tắt 3 từ theo tên Chúa Giêsu bằng tiếng Hy Lạp, bằng chữ Gothic trên một mặt nhật sáng chói (a blazing sun). Từ này thay thế các biểu tượng dị đoan (superstitious symbols) của thời đó, kể cả huy hiệu (insignia) của các bè phái (chẳng hạn Guelphs và Ghibellines). Lòng sùng kính này lan truyền, và biểu tượng này bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, các gia đình và các tòa nhà chung. Sự chống đối nổi lên từ những người cho đó là sự đổi mới nguy hiểm (dangerous innovation). Người ta kiện cáo ngài 3 lần, nhưng ngài đã chứng minh bằng sự thánh thiện, sự chính thống và sự thông minh.

Ngài nhấn mạnh sự học sâu hiểu rộng và học hỏi thêm về thần học và giáo luật. Khi ngài khởi xướng, lúc đó có 300 tu sĩ trong cộng đoàn. Ngài vẫn đi rao giảng trong 2 năm cuối đời, và ngài qua đời trên đường đi rao giảng.

21/5 – Thánh Cristobal Magallanes Linh mục và các bạn tử đạo (qua đời 1915-1928)

Cũng như chân phước Miguel Agustín Pro, Dòng Tên, thánh Cristóbal và 24 anh em tử đạo sống trong chế độ chống Công giáo tại Mexico, họ muốn làm suy yếu niềm tin Công giáo của dân chúng. Các nhà thờ, các chủng viện và các trường học đều bị đóng cửa; các giáo sĩ ngoại quốc đều bị trục xuất. Thánh Cristóbal mở một chủng viện bí mật (clandestine seminary) tại Totatiche, Jalisco. Ngài và các linh mục khác phải hoạt động Công giáo bí mật trong thời nhà cầm quyền Plutarco Calles (1924-28).

Tất cả các vị tử đạo này có 3 vị là linh mục triều. David, Manuel và Salvador là giáo dân chết cùng linh mục xứ là Luis Batis. Các vị tử đạo này thuộc phong trào Cristero, cam kết trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội để rao truyền Tin Mừng – dù các nhà lãnh đạo Mexico coi là trọng tội đối với người lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy hoặc cử hành thánh lễ.

Các vị tử đạo này không chết chung một nhóm mà ở 8 nơi khác nhau tại Mexico, ở Jalisco và Zacatecas là nhiều nhất. Các vị tử đạo này được phong chân phước năm 1992 và được phong thánh năm 2000.

22/5 – Thánh Rita Cascia (1381-1457)

Cũng như Elizabeth Ann Seton, Rita Cascia là người vợ, người mẹ, góa phụ và là thành viên của một cộng đoàn tu. Sự thánh thiện của bà phản ánh trong cách sống.

Rita Cascia sinh tại Roccaporena, thuộc Trung Ý. Rita muốn đi tu nhưng bị ép gả cho một người đàn ông cộc cằn và thô lỗ. Suốt 18 năm sống trong hôn nhân, bà sinh hạ và nuôi dạy 2 con trai. Sau khi chồng bị giết trong một cuộc ẩu đả, cả 2 con trai của bà cũng chết, bà xin vào dòng thánh Augustinô ở Cascia. Mới đầu không được chấp nhận vì bà là góa phụ, nhưng rồi bà cũng được nhận.

Sau nhiều năm, sự khổ hạnh, cách sống cầu nguyện và đức bác ái của bà trở thành huyền thoại. Khi bà có các vết thương trên trán, người ta liên kết các vết thương đó với những gai nhọn trên đầu Đức Kitô. Bà thường xuyên suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bà chăm sóc các nữ tu bệnh hoạn bằng tấm lòng yêu thương. Bà cũng khuyên các giáo dân đến với tu viện của bà.

Bà được phong chân phước năm 1626, và mãi đến năm 1900 bà mới được phong thánh. Bà được biết đến nhiều, cùng với thánh Jude, như một vị thánh của các trường hợp bất khả dĩ (impossible cases). Hằng năm có nhiều người đến kính viếng mộ bà.

23/5 – Thánh Felix Cantalice (1515-1587)

Felix là tu sĩ đầu tiên của Dòng Phanxicô được phong thánh. Thật vậy, khi ngài sinh ra, các tu sĩ Dòng Phanxicô chưa quy tụ thành nhóm.

Ngài sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, có lòng tôn kính Thiên Chúa, ở Rieti Valley. Ngài làm nông nghiệp và chăn chiên đến lúc 28 tuổi. Ngài có thói quen cầu nguyện khi lao động.

Năm 1543, ngài vào Dòng Phanxicô. Được giải thích về cuộc sống khổ hạnh của dòng, Felix trả lời: “Thưa cha, cách sống khổ hạnh của dòng không làm con sợ. Nhờ ơn Chúa giúp, con có thể vượt qua mọi khó khăn và giúp con đứng dậy từ sự yếu đuối của con”.

Ba năm sau, Felix được sai tới một tu viện tại Rôma để hành khất chính thức. Vì ngài sống đơn giản và bác ái, ngài khai sáng cho nhiều người trong 42 năm ngài phục vụ anh em.

Ngài hoán cải nhiều tội nhân và đối xử với người nghèo như huynh đệ. Khi Felix không nói về việc hành khất của mình, thì ngài lần Chuỗi Mân Côi. Người ta gọi ngài bằng biệt danh “Tu sĩ Tạ Ơn Chúa” (Brother Deo Gratias) vì ngài luôn miệng nói “Tạ Ơn Chúa”.

Khi ngài lớn tuổi, bề trên buộc ngài phải đi dép để bảo vệ sức khỏe. Ngài được phong thánh năm 1712.

24/5 – Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566-1607)

Xuất thần (mystical ecstasy) là nâng tâm hồn lên với Chúa. Đó là lúc con người nhận biết mình kết hợp với Thiên Chúa, tách mình ra khỏi thế giới. Maria Mađalêna Pazzi được Thiên Chúa ban cho ơn lạ này, bà gọi đó là “thánh xuất thần” (ecstatic saint).

Bà sinh trong một gia đình quý tộc ở Florence, năm 1566. Bình thường thì bà sẽ kết hôn với người giàu có và sống thoải mái, nhưng bà chọn đi đường riêng mình. Lúc 9 tuổi, Maria Mađalêna Pazzi học suy niệm với cha giải tội. Bà rước lễ lần đầu lúc 10 tuổi (thời đó là sớm), và 1 tháng sau, bà khấn giữ mình đồng trinh. Lúc 16 tuổi, bà vào Dòng Kín ở Florence vì bà muốn rước lễ hằng ngày ở đó.

Bà có tên là Catarina, khi vào dòng bà lấy tên là Maria Mađalêna. Bà vào nhà tập 1 năm thì bị bệnh nặng. Cái chết hầu như gần kề nên bề trên cho bà khấn với một nghi lễ riêng. Ngay sau đó, bà xuất thần kéo dài khoảng 2 giờ. Bà cũng xuất thần sau khi rước lễ suốt 40 ngày sau. Các lần xuất thần này là kinh nghiệm phong phú về việc kết hợp với Chúa và thấu hiểu kỳ lạ về các chân lý về Thiên Chúa.

Linh mục giải tội yêu cầu bà đọc cho thư ký viết lại các kinh nghiệm xuất thần. 6 năm sau, 5 cuốn sách lớn được viết đầy. Ba cuốn đầu tiên ghi lại các lần xuất thần từ tháng 5-1584 tới lễ Hiện Xuống năm sau. Cuốn thứ tư ghi lại những thử thách kéo dài 5 năm, và cuốn thứ năm là bộ sưu tập các lá thư liên quan việc cải cách và canh tân. Một cuốn khác là Admonitions (Các lời khuyên) là bộ sưu tập những câu nói từ kinh nghiệm đào tạo các nữ tu.

Sự khác thường là bình thường đối với thánh nữ này. Bà đọc được tư tưởng của người khác và tiên báo các sự kiện tương lai. Lúc sinh thời, bà hiện ra với vài người ở những nơi xa nhau và chữa lành các bệnh nhân. Thiên Chúa cho phép bà kết hiệp mật thiết đặc biệt để chuẩn bị cho bà 5 năm hiu quạnh và cảm thấy khô khan về tâm linh. Bà đắm chìm trong bóng tối mà bà không thấy gì ngoài sự sợ hãi bao trùm bà. Bà bị cám dỗ dữ dội và đau đớn về thể lý. Bà qua đời năm 1607 lúc 41 tuổi, và được phong thánh năm 1669.

25/5 – Bậc đáng kính Bêđa, Linh mục (672?-735)

Bêđa là một trong số ít người được kính trọng ngay lúc sinh thời. Các bài viết của ngài đầy đức tin, và một Công đồng đã cho đọc tại các nhà thờ.

Hồi trẻ, Bêđa được bầu làm bề trên Tu viện Thánh Phaolô ở Jarrow. Có tài và giáo huấn giỏi, ngài làm thơ về mọi khoa học: triết học tự nhiên, quy tắc triết học của Aristotle, thiên văn học, số học, văn phạm, lịch sử giáo hội, cuộc đời các thánh, và đặc biệt là Kinh thánh. Ngài được phong chức phó tế lúc 19 tuổi và thụ phong linh mục lúc 30 tuổi. Ngài luôn bận học hỏi, viết lách và dạy dỗ. Ngài biên soạn 45 cuốn sách, kể cả 30 bài bình luận về Kinh thánh.

Dù được vua chúa và các nhà quý tộc tìm kiếm, cả ĐGH Sergiô, Bêđa vẫn sống trong tu viện cho đến chết. Ngài chỉ đi xa vài tháng để dạy ở trường của tổng giám mục giáo phận York. Ngài qua đời khi đang đọc Kinh Sáng Danh.

Cuốn Ecclesiastical History of the English People (Lịch sử Giáo hội của Người Anh) của ngài được coi là tác phẩm rất quan trọng về nghệ thuật viết. Thời hoàng kim chấm dứt khi Bêđa qua đời: Hoàn tất mục đích chuẩn bị cho Kitô giáo Tây phương đồng hóa người Bắc phương man rợ không là người La Mã. Ngài nhận thấy lối mở cho cuộc sống mới của Giáo hội ngay cả khi điều đó xảy ra.

26/5 – Thánh Philip Nêri, Linh mục (1515-1595)

Philip Nêri là dấu hiệu của sự mâu thuẫn, kết hợp sự nổi tiếng với lòng sùng đạo chống lại tình trạng thối nát của Rôma và các giáo sĩ vô tâm, đó là tình trạng tệ hại của thời kỳ hậu phục hưng (post-Renaissance).

Thời trẻ, ngài bỏ cơ hội trở thành thương gia, chuyển từ Florence tới Rôma và dâng mình cho Chúa. Sau 3 năm học thần học và triết học, Ngài từ chối thụ phong linh mục. 13 năm tiếp theo ngài theo một ơn gọi “khác thường” là chuyên chăm cầu nguyện và làm việc tông đồ.

Khi Công đồng Trentô cải cách Giáo hội về giáo lý, tính cách của ngài đã khiến mọi người chú ý, từ người hành khất tới các hồng y. Một nhóm người đến theo ngài vì sự can đảm của ngài. Họ gặp ngài để cùng cầu nguyện và thảo luận, đồng thời cùng phục vụ người nghèo ở Rôma.

Theo sự khuyến khích của linh mục giải tội, ngài bằng lòng thụ phong linh mục và trở thành linh mục giải tội xuất chúng, có biệt tài nhận biết người ta giả vờ và ảo tưởng, nhưng ngài luôn tỏ thái độ bác ái và hay nói đùa. Ngài sắp xếp những buổi nói chuyện, thảo luận và cầu nguyện cho các hối nhân tại căn phòng phía trên nhà thờ. Đôi khi ngài lôi kéo người ta đến nhà thờ bằng âm nhạc và dã ngoại.

Một số người theo ngài cũng trở thành linh mục và sống chung. Đó là khởi đầu cho Dòng Oratory (Hùng biện) mà ngài sáng lập. Các buổi chiều hằng ngày, cộng đoàn này có 4 buổi nói chuyện thân mật, có hát những thánh ca bằng tiếng bản xứ và cầu nguyện. Giovanni Palestrina, một trong số người theo thánh Philip, chuyên soạn nhạc cho các buổi gặp gỡ này.

Dòng Oratory được phê chuẩn sau một thời gian bị kết án là tà giáo, vì những người này giảng đạo và hát thánh ca! ĐHY Newman đã mở cơ sở của Dòng Oratory đầu tiên sử dụng tiếng Anh.

Lời khuyên của thánh Philip được nhiều người tài ba lỗi lạc thời đó nhận biết. Ngài là một trong số các nhân vật uy tín của phong trào Chống Cải Cách (Counter-Reformation), chủ yếu là thay đổi sự thánh thiện cá nhân của nhiều người có uy tín trong Giáo hội. Nhân đức của ngài là khiêm nhường và vui vẻ.

27/5 – Thánh Augustinô Canterbury, Giám mục (qua đời năm 605?)

Năm 596, khoảng 40 tu sĩ đến Rôma để giảng đạo cho người Anglo-Saxon. Trưởng đoàn là Augustinô, Bề trên tu viện tại Rôma. Nghe nói người ta bách hại nên nhóm của ngài không tới Gaul (Pháp). Ngài trở lại Rôma và gặp ĐGH Grêgôriô Cả, vị giáo hoàng đã phái ngài đi, và được biết chuyện bách hại là vô căn cứ.

Thế là ngài lên đường. Lần này, ngài tới lãnh thổ Kent do vua Ethelbert cai trị. Nhà vua là người ngoại giáo kết hôn với một phụ nữ Kitô giáo. Nhóm ngài được tiếp đón đàng hoàng, cho cư trú tại Canterbury. Khoảng 1 năm sau, vào Chúa nhật lễ Hiện xuống năm 597, nhà vua nhập đạo. Sau khi được tấn phong giám mục tại Pháp, ngài trở lại Canterbury và lập tòa giám mục. Năm 1070, ngài cho xây một nhà thờ và một tu viện gần nhà thờ chính tòa ngày nay – và hiện nay vẫn còn. Đạo Chúa lan rộng, các tòa giám mục được thành lập tại London và Rochester.

Đôi khi tiến độ công việc chậm, Augustinô không thường xuyên thành công. Các nỗ lực giải hòa các Kitô hữu người Anglo-Saxon Christians với các Kitô hữu gốc Anh (những người bị quân xâm lăng Anglo-Saxon đẩy tới miền Tây Anh quốc) đều không thành công. Ngài còn thất bại trong việc thuyết phục dân Anh bỏ tục lệ Celtic nào đó at, kể cả việc giúp họ truyền bá púc âm cho người Anglo-Saxon.

Cần mẫn làm việc, ngài khôn ngoan chú ý các quy luật truyền giáo do ĐGH Grêgôriô Cả đề xuất: Thanh lọc hơn là hủy diệt các đền thờ và tục lệ của dân ngoại; hãy thay thế các lễ hội của dân ngoại bằng các lễ của Kitô giáo; giữ lại các lễ hội địa phương nếu có thể. Ngài qua đời tại Anh năm 605, sau 8 năm ngài giảng đạo tại đây và thu được nhiều kết quả. Ngài được mệnh danh là “Tông đồ của Anh quốc” (Apostle of England).

28/5 – Thánh Maria Anna Chúa Giêsu (1614-1645)

Maria Anna sống kết hợp mật thiết với Chúa và gần gũi với mọi người, dù cuộc đời của bà ngắn ngủi.

Maria Anna sinh tại Quito, New Granada (nay là Ecuador), trong một gia đình quý tộc, là con út trong 8 người con. Cha là Don Girolamo Flores Zenel de Paredes, mẹ là Doña Mariana Cranobles de Xaramilo. Hai ông bà là người Tây Ban Nha, nhưng đều mất khi Maria Anna còn nhỏ và được vợ chồng người chị cả nuôi. Lúc 10 tuổi, bà khấn giữ 3 nhân đức Thanh tuân, Thanh bần và Thanh khiết.

Bà muốn đi tu Dòng Đa Minh, nhưng rồi bà vào Dòng Ba Phanxicô, sống đời cầu nguyện và đền tội tại gia, chỉ ra khỏi nhà khi đi nhà thờ và đi làm việc bác ái. Bà có những lúc xuất thần khi cầu nguyện. Tại Quito, bà mở một điều dưỡng viện và một trường học cho người Phi châu và người Mỹ bản xứ. Khi bùng phát bệnh dịch, bà chăm sóc các bệnh nhân và mai táng người chết.

Năm 1645, động đất và bệnh dịch xảy ra tại Quito, bà cũng nhiễm bệnh và mất sau đó. Sau khi bà qua đời, một cây huệ tây mọc lên từ vũng máu của bà và nở hoa, điều kỳ lạ này khiến bà có biệt danh là Huệ tây Quito (The Lily of Quito). Cộng hòa Ecuador tôn vinh bà là Liệt nữ Quốc gia.

ĐGH Bênêđictô XIV mở án phong thánh cho bà ngày 17-12-1757. ĐGH Piô VI tôn phong bà là Bậc đáng kính. ĐGH Piô IX tôn phong chân phước cho bà ngày 11-1-1817. ĐGH Piô XII phong thánh cho bà năm 1950. Nhiều phép lạ được coi là có sự can thiệp của bà, nhất là ở Mỹ.

29/5 – Thánh Madeleine Sophie Barat, Trinh nữ (1779-1865)

Di sản của thánh Madeleine Sophie Barat có thể tìm thấy ở hơn 100 trường học được thành lập bởi Dòng Thánh Tâm (Society of the Sacred Heart) của bà.

Bà được anh của bà là Louis, hơn bà 11 tuổi, giáo dục nhiều, có cả sự giáo dục của người cha đỡ đầu. Người anh là linh mục, nên anh cũng muốn em gái học tiếng Latin, Hy Lạp, lịch sử, vật lý và toán học. Lúc 15 tuổi, bà được tiếp xúc với Kinh thánh, các giáo huấn của các giáo phụ và thần học. Bà rất thích học hỏi.

Đó là thời Cách mạng Pháp và các trường học Kitô giáo bị cấm cản. Việc giáo dục, nhất là các em gái, gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, bà quyết định đi tu. Rồi bà lập Dòng Thánh Tâm, chuyên giáo dục trẻ em nghèo và phụ nữ nghèo. Ngày nay, các trường của Dòng Thánh Tâm dạy cả học sinh nam và nữ, cũng có những trường dành cho nam sinh.

Năm 1826, Dòng Thánh Tâm của bà được Tòa thánh phê chuẩn. Lúc này bà trở thành Bề trên tổng quyền. Năm 1865, bà bị tê liệt và qua đời vào lễ Thăng Thiên. Bà được phong thánh năm 1925.

30/5 – Thánh Grêgôriô VII, Giáo hoàng (1020-1085)

Thế kỷ X và nửa đầu thế kỷ XI là những tháng năm tăm tối đối với giáo hội, một phần vì chức vụ giáo hoàng là thứ cầm cố của nhiều gia đình Rôma. Năm 1049, mọi sự bắt đầu thay đổi khi ĐGH Leo IX, được bầu chọn. Ngài là một nhà cải cách. Ngài đưa tu sĩ trẻ Hildebrand tới Rôma làm cố vấn và đại diện trong các sứ vụ quan trọng. Sau đó tu sĩ này là ĐGH Grêgôriô VII.

Lúc đó có 3 “đại dịch” trong giáo hoàng: Buôn thần bán thánh (simony), hôn nhân phi pháp của các giáo sĩ và truyền chức cho giáo dân (vua chúa và các nhà quý tộc kiểm soát việc bổ nhiệm các viên chức trong giáo hội). Đối với các việc này, tu sĩ Hildebrand hướng dẫn sự chú ý của nhà cải cách, đầu tiên là cố vấn cho các giáo hoàng và sau đó (1073-1085) chính tu sĩ Hildebrand là giáo hoàng.

Các tông thư của ĐGH Grêgôriô nhấn mạnh vai trò của giám mục Rôma là linh mục của Chúa Kitô và trung tâm hữu hình của sự đoàn kết trong giáo hội. Ngài đấu tranh nhiều với hoàng đế Rôma Henry IV về việc ai kiểm soát việc bầu chọn các giám mục và các tu viện trưởng.

ĐGH Grêgôriô chống lại mọi sự tấn công vào tự do của giáo hội. Về điều này, ngài chịu đau khổ và chết khi bị đi đày. Ngài nói: “Tôi yêu công lý và ghét bất công; do đó tôi chết vì bị đày”. 30 năm sau, giáo hội chiến thắng trong việc chống lại việc phong chức cho giáo dân.

31/5 – Đức Mẹ thăm viếng

Trở lại thế kỷ XIII và XIV. Lễ này được mừng kính rộng rãi trong giáo hội để cầu nguyện cho hiệp nhất. Lễ này được ấn định từ năm 1969 sau lễ Truyền Tin (ngày 25/3) và trước lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả (ngày 24/6).

Chũng như đa số lễ về Đức Mẹ, lễ này liên quan gần với Chúa Giêsu và công cuộc cứu độ của Ngài. Các “diễn viên” trong “vở kịch” thăm viếng (x. Lc 1:39-45) là Đức Maria và thánh Êlizabet. Tuy nhiên, Chúa Giêsu và thánh Gioan Tẩy giả lấy kịch bản này theo cách bí ẩn. Chúa Giêsu làm cho thánh Gioan nhảy lên vì vui mừng – niềm vui của Ơn Cứu Độ. Êlizabet, đầy tràn niềm vui của Chúa Thánh Thần và nói những lời ngợi khen Đức Maria – những lời còn vang vọng qua mọi thời đại.

Thánh Êlizabet khen Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa” có thể được coi là lòng sùng kính đầu tiên của giáo hội đối với Đức Mẹ. Bài ca ngợi khen (Magnificat – Lc 1:46-55) là lời Đức Mẹ tán tụng Thiên Chúa.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)