TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA NIỀM VUI TÌNH YÊU (P.12)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 805 | Cật nhập lần cuối: 2/18/2017 3:13:04 PM | RSS

CHƯƠNG V

TÌNH YÊU TRỞ NÊN PHONG NHIÊU

165. Tình yêu luôn mang đến sự sống. Bởi vậy, tình yêu vợ chồng “không hoàn tất chỉ nơi hai người [...]. Khi hai vợ chồng trao hiến cho nhau thì cũng trao ban một thực hữu vượt khỏi chính họ, tức là đứa con, phản ánh sống động tình yêu của họ, dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động không thể phân chia của tư cách làm cha làm mẹ của họ”[1].

Tiếp đón một sự sống mới

166. Gia đình không chỉ là nơi sinh ra, nhưng còn là nơi tiếp đón sự sống mới đến như một quà tặng của Thiên Chúa gửi đến. Mỗi sự sống mới “cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục. Trước hết, đó chính là vẻ đẹp được yêu mến: con cái được yêu thương trước khi được sinh ra”[2]. Điều này phản ánh tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa là Đấng luôn có sáng kiến, bởi vì con cái “được yêu thương trước khi chúng làm gì để đáng được yêu”[3]. Tuy nhiên, “ngay từ lúc đầu nhiều trẻ em đã bị từ chối, bị bỏ rơi, bị cướp mất tuổi thơ và tương lai của chúng. Có người dám nói, như thể tự biện minh cho mình, rằng cho chúng chào đời là một sai lầm. Thật đáng xấu hổ! [...] Làm sao chúng ta lại có thể long trọng đưa ra những tuyên ngôn về nhân quyền và các quyền của trẻ em, để rồi chúng ta lại trừng phạt trẻ em vì những sai lầm của người lớn?”[4]. Nếu một đứa trẻ chào đời trong những hoàn cảnh ngoài ý muốn, thì cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình phải làm tất cả những gì có thể để đón nhận em như một quà tặng của Thiên Chúa và tiếp nhận em với hết trách nhiệm của mình trong sự cởi mở và niềm mến thương. Bởi vì “khi nói đến trẻ em chào đời, thì không một hi sinh nào của người lớn lại có thể được coi là quá đắt hoặc quá to tát, làm sao để tránh việc trẻ có cảm nghĩ bản thân nó là một sai lầm, không có giá trị gì hoặc bị bỏ mặc cho sự hoành hành của giông tố cuộc đời và sự bạo ngược của con người”[5]. Đứa con mới sinh, tặng phẩm Chúa trao phó cho người cha và người mẹ, được đón tiếp ngay từ lúc khởi đầu, được tiếp tục bảo vệ trong suốt hành trình cuộc sống trần thế và hướng tới định mệnh cuối cùng là niềm vui sự sống đời đời. Bằng cái nhìn thanh thản hướng đến sự hoàn tất chung cuộc của một nhân vị, cha mẹ sẽ ý thức hơn về tặng phẩm sự sống quí giá được giao phó cho họ: quả thật, Thiên Chúa nhượng ban cho họ việc đặt tên con, tên mà Ngài sẽ gọi từng đứa con của Ngài mãi mãi[6].

167. Gia đình đông con là một niềm vui cho Hội Thánh. Trong đó tình yêu thể hiện sự quảng đại phong nhiêu của mình. Nói thế không có nghĩa là ta quên đi cảnh báo tốt lành của Thánh Gioan Phaolô II, khi Ngài giải thích việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm không phải là “sinh sản không giới hạn hay thiếu ý thức về ý nghĩa của việc nuôi dạy con cái, mà là khả năng được trao cho các cặp vợ chồng sử dụng quyền tự do bất khả xâm phạm của họ một cách khôn ngoan và có trách nhiệm, có cân nhắc thực tế xã hội và nhân khẩu, cũng như tùy theo hoàn cảnh riêng và ước muốn chính đáng của mình”[7].

Yêu thương chờ đợi trong lúc mang thai

168. Mang thai là một thời kì khó khăn, nhưng cũng là một thời gian tuyệt vời. Người mẹ hợp tác với Thiên Chúa để sinh ra một phép mầu của sự sống mới. Khả năng làm mẹ là một “tiềm năng đặc biệt của cơ thể người phụ nữ, phục vụ cho việc thụ thai và sinh con nhờ đặc thù tạo dựng của nó”[8]. Mỗi người nữ đều tham dự vào “mầu nhiệm tạo dựng, một mầu nhiệm trở nên hiện thực qua mỗi lần hạ sinh một con người”[9]. Như Thánh Vịnh nói: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con” (139,13). Mỗi đứa trẻ tượng hình trong dạ mẹ là thuộc kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa Cha và tình yêu vĩnh cửu của Ngài: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1,5). Mỗi đứa trẻ tự muôn đời đã có một chỗ ở trong trái tim Thiên Chúa, và vào chính lúc nó được thụ thai là lúc giấc mơ vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa trở thành hiện thực. Chúng ta hãy nghĩ đến mỗi sinh linh phôi thai đáng giá biết bao từ giây phút bắt đầu được cưu mang! Cần phải nhìn nó bằng chính ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha, vượt trên mọi dáng vẻ bên ngoài.

169. Người phụ nữ mang thai có thể tham gia vào kế hoạch này của Thiên Chúa qua ước mơ về con cái mình: “Tất cả các bà mẹ và ông bố đều mơ ước về đứa con của mình suốt chín tháng. [...] Một gia đình không thể không có ước mơ. Khi trong một gia đình mà mất khả năng ước mơ thì những đứa trẻ sẽ không phát triển và tình yêu không tăng trưởng, sự sống sẽ tàn héo dần và lịm tắt”[10]. Trong giấc mơ này, đôi vợ chồng Kitô hữu nhất thiết sẽ nghĩ đến Bí tích Rửa tội. Cha mẹ chuẩn bị cho biến cố này bằng việc cầu nguyện, phó dâng con mình cho Chúa Giêsu ngay cả trước khi bé được sinh ra.

170. Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay người ta có thể biết trước màu tóc của em bé và những bệnh tật có thể có của nó trong tương lai, bởi vì tất cả các đặc tính thể lí của con người đã được ghi trong mã di truyền của họ trong giai đoạn phôi thai. Nhưng chỉ Chúa Cha, Đấng tạo thành con người ấy mới biết họ một cách đầy đủ. Chỉ một mình Ngài mới biết điều gì là quí giá nhất, điều gì là quan trọng nhất, bởi vì Ngài biết đứa trẻ đó là ai, đâu là căn tính sâu xa nhất của nó. Người mẹ đang cưu mang em bé cần cầu xin Chúa ban cho ánh sáng để có thể nhận biết tự thâm sâu chính người con của mình và chờ đợi nó như con người đích thực của nó. Một số cha mẹ cảm thấy đứa con của mình đã không chào đời đúng thời thuận lợi nhất. Họ cần cầu xin Chúa chữa lành và ban thêm sức mạnh để họ chấp nhận người con đó cách trọn vẹn, để có thể mong đợi đứa con ấy với cả tấm lòng. Điều quan trọng là đứa con ấy cảm thấy mình đang được mong đợi. Nó không phải là một phụ tùng bổ sung hoặc giải đáp cho khát vọng cá nhân ai đó. Nó là một con người, với một giá trị vô song và không thể bị đem sử dụng vì một lợi ích riêng tư. Bởi thế, điều quan trọng không phải là sinh linh mới đó sẽ giúp ích gì cho bạn, liệu trẻ đó có những đặc điểm mà bạn thích hay không, liệu nó có đáp ứng những dự phóng của bạn và những giấc mơ của bạn hay không. Bởi vì “con cái là hồng ân. Mỗi người là duy nhất và độc đáo [...]. Một đứa con được bạn yêu thương chỉ vì nó là con, không bởi vì nó đẹp, hay nó như thế này thế kia; không, đơn giản chỉ vì nó là con mình! Không phải vì nó có suy nghĩ giống như tôi, hoặc nó là hiện thân của những khát vọng của tôi. Một đứa con luôn là một đứa con”[11]. Tình yêu của cha mẹ là phương thế Thiên Chúa Cha dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài, Đấng dịu dàng chờ đợi mỗi đứa trẻ chào đời, đón nhận nó vô điều kiện và tiếp nhận nó cách vô cầu.

171. Với mỗi chị em phụ nữ đang mang thai, bằng tất cả tình thương cha, muốn kêu mời: Hãy giữ gìn niềm vui của con, đừng để bất cứ thứ gì tước mất niềm vui nội tâm của thiên chức làm mẹ. Đứa con ấy xứng đáng là niềm hoan lạc cho con. Con đừng để những sợ hãi, âu lo, những đàm tiếu hay rắc rối của người khác dập tắt niềm phúc lạc được làm khí cụ của Chúa để một sự sống mới được chào đời. Con hãy chú tâm đến những gì cần làm hoặc chuẩn bị sinh nở, nhưng đừng để bị ám ảnh, và cùng Mẹ Maria con hãy cất lời ca ngợi: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,46-48). Hãy gắng sống nhiệt thành trong thanh bình giữa không ít những khó khăn còn đó của con, và xin Chúa gìn giữ niềm vui của con, để con có thể thông truyền niềm vui ấy cho con của con.

Tình yêu của người mẹ và của người cha

172. “Trẻ em vừa mới chào đời, cùng với việc được nuôi dưỡng và chăm sóc, bắt đầu nhận được một ơn huệ là biết chắc chắn chúng được yêu thương bằng một tình yêu thiêng liêng. Những hành động yêu thương tỏ lộ qua việc đặt tên riêng cho em, tập cho em nói bằng một ngôn ngữ chung, những ánh nhìn đầy trìu mến, những nụ cười rạng rỡ. Như thế, bài học đầu tiên chúng học được đó là vẻ đẹp của các mối tương quan giữa người với người hệ tại ở tâm hồn, mưu cầu tự do cho ta, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng họ như là một đối tác. [...] Và đó chính là tình yêu, phản chiếu một tia sáng của tình yêu Thiên Chúa”[12]. Mỗi đứa trẻ có quyền được hưởng tình yêu của một người mẹ và một người cha, cả hai tình yêu này đều cần thiết cho trẻ để được trưởng thành toàn diện và hài hòa. Như các Giám mục Úc châu đã khẳng định, cả hai “đóng góp, mỗi người một cách khác nhau, cho sự tăng trưởng của trẻ. Tôn trọng phẩm giá của một đứa trẻ có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó là có một người mẹ và một người cha”[13]. Vấn đề không chỉ là tình yêu của người cha và của người mẹ xét cách riêng rẽ, mà còn là tình yêu của họ dành cho nhau, vốn được coi như nguồn mạch của chính sự hiện hữu, như tổ ấm tiếp nhận và như nền tảng của gia đình. Nếu không, đứa trẻ xem ra chỉ còn như là một vật sở hữu được dùng tùy tiện. Cả người nam và người nữ, người cha và người mẹ đều là “những người cộng tác với tình yêu Thiên Chúa Tạo Hóa và như thể họ là những thông dịch viên của Ngài”[14]. Họ tỏ lộ cho con cái họ dung mạo người mẹ và dung mạo người cha của Chúa. Hơn nữa, họ cùng dạy dỗ con cái về giá trị của sự hỗ tương, sự gặp gỡ giữa những khác biệt, trong đó mỗi người đóng góp bản sắc riêng của mình và cũng biết đón nhận từ người khác. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà thiếu vắng một trong hai người, thì điều quan trọng là tìm cách nào đó để bù đắp sự mất mát, để đứa con được phát triển cách thích đáng cho tới trưởng thành.

173. Cảm giác bị mồ côi mà ngày nay nhiều trẻ em và thanh thiếu niên cảm nghiệm sâu sa hơn những gì chúng ta nghĩ. Ngày nay chúng ta nhìn nhận việc người phụ nữ muốn học hành, làm việc, phát triển các khả năng của mình và đeo đuổi những mục tiêu cá nhân, là điều hoàn toàn chính đáng và đáng ca ngợi. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không thể bỏ qua những nhu cầu của trẻ em cần có sự hiện diện của người mẹ, đặc biệt trong những tháng đầu tiên của cuộc sống. Thực tế là “người phụ nữ đứng trước con người như một người mẹ, là chủ thể của sự sống con người mới được tượng hình và lớn lên trong dạ bà và từ đó sinh ra”[15].Việc giảm sút sự hiện diện của người mẹ cùng với phẩm chất nữ tính của họ là một nguy cơ nghiêm trọng cho trái đất chúng ta. Tôi đánh giá cao phong trào nữ quyền khi nó không đòi sự đồng dạng giữa người nam và người nữ, cũng không chối bỏ thiên chức làm mẹ. Bởi lẽ sự cao cả của người nữ bao hàm mọi quyền lợi phát xuất từ nhân phẩm bất khả nhượng cả từ nữ tính thiên bẩm của họ nữa, vốn là điều rất thiết yếu cho xã hội. Những khả năng đặc thù của nữ tính – cách riêng thiên chức làm mẹ – còn trao cho họ các bổn phận, bởi vì là phụ nữ cũng là người mang một sứ mệnh đặc biệt trong thế giới, sứ mệnh mà xã hội phải bảo vệ và giữ gìn vì lợi ích của mọi người[16].

174. Trong thực tế, “các bà mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ [...]. Chính họ là những người làm chứng cho vẻ đẹp của sự sống”[17]. Chắc chắn rằng, “một xã hội mà không có các bà mẹ sẽ là một xã hội phi nhân, bởi vì các bà mẹ luôn biết làm chứng về sự dịu dàng, dâng hiến, sức mạnh tinh thần ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất. Các bà mẹ cũng thường thông truyền những ý nghĩa sâu xa nhất của việc đạo đức: trong những lời kinh nguyện, trong các cử chỉ đạo đức đầu tiên để con trẻ học làm theo [...]. Không có các bà mẹ, không những sẽ không có tín hữu mới, mà đức tin có thể sẽ mất đi một phần lớn sự nhiệt thành đơn sơ và sâu sắc của nó [...]. Các bà mẹ rất thân mến, cám ơn, xin cám ơn vì những gì mà các bà làm trong các gia đình và vì những gì mà các bà làm cho Giáo Hội và thế giới”[18].

175. Người mẹ bảo bọc đứa con của mình bằng sự dịu dàng và cảm thương sẽ giúp khơi dậy sự tin tưởng nơi con trẻ, đồng thời giúp nó cảm nhận thế giới này là một nơi tốt lành tiếp nhận nó, điều này cho phép nó phát triển lòng tự trọng hầu giúp nó có khả năng gần gũi và biết cảm thông. Đàng khác, người cha giúp đứa trẻ nhận thức được các giới hạn của thực tế và chủ yếu mang tính định hướng, để hướng ra thế giới rộng lớn hơn với đầy những thách đố, nhằm mời gọi con biết nỗ lực và chiến đấu. Là người cha với một căn tính rõ ràng và hạnh phúc của nam nhân, dung hợp được lòng thương mến và sự tiếp nhận của người vợ, ông cần biết chăm sóc con cái như một người mẹ. Có những vai trò và nhiệm vụ uyển chuyển, được thích nghi tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình, nhưng sự hiện diện rõ ràng và xác thực của hai bộ mặt, người nữ và người nam, sẽ tạo nên môi trường thích hợp nhất cho sự trưởng thành của trẻ.

176. Người ta nói rằng xã hội chúng ta là một “xã hội không có những người cha”. Trong nền văn hóa tây phương, có lẽ khuôn mặt của người cha bị thiếu vắng, hoặc bị méo mó, ẩn khuất. Ngay cả nam tính xem ra cũng đang có vấn đề. Thực tế đang có một sự lẫn lộn ta có thể hiểu được. Bởi lẽ “lúc đầu, điều này được xem như là một sự giải phóng: giải phóng khỏi một người cha như chủ nhân ông, như kẻ đại diện của luật pháp áp đặt từ bên ngoài, như kẻ kiểm duyệt hạnh phúc của con cái và là trở ngại cho sự giải phóng và tự lập của những người trẻ. Đôi khi trong quá khứ nơi một số gia đình đã từng có tình trạng cai trị độc đoán, một số trường hợp thậm chí còn có sự áp bức”[19]. Thế nhưng, “như thường vẫn xảy ra, là người ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Vấn đề của thời đại ngày nay xem ra không còn chủ yếu là sự hiện diện độc đoán của những người cha, mà là sự khiếm diện của họ, sự vắng mặt của họ. Những người cha có khi như quá tập trung vào bản thân và công việc của mình đôi khi vào những thành tựu cá nhân của họ, mà quên cả gia đình. Và họ bỏ mặc những đứa trẻ và con cái bơ vơ một mình”[20]. Sự hiện diện và quyền bính của người cha cũng bị ảnh hưởng bởi việc người ta dành thời gian ngày càng nhiều cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông và kĩ nghệ giải trí. Hơn nữa, ngày nay quyền bính còn bị nhìn với ánh mắt ngờ vực và những người lớn thì bị đối xử thiếu tôn trọng. Chính họ cũng thiếu xác tín kiên định và như vậy không cung ứng được cho con cái những định hướng bảo đảm và có nền tảng chắc chắn. Việc hoán đổi vai trò giữa cha mẹ và con cái là điều không lành mạnh: điều đó làm tổn hại đến tiến trình trưởng thành thích đáng cần thiết của trẻ nhỏ và khước từ một tình thương khả dĩ hướng dẫn chúng và giúp chúng trưởng thành[21].

177. Thiên Chúa đặt người cha trong gia đình để, với những tính cách quí giá nam tính của mình, ông “gần gũi với người vợ, để chia sẻ mọi sự, niềm vui cũng như đau khổ, vất vả cũng như hi vọng. Và để ông gần gũi với con cái trong tiến trình chúng tăng trưởng: khi chúng chơi đùa và học hành, khi chúng vô tư và lo lắng, khi chúng nói năng và im lặng, khi chúng dạn dĩ và sợ hãi, khi chúng lầm đường lạc lối và tìm lại được hướng đi; luôn có sự hiện diện của người cha. Nói ông hiện diện không có nghĩa nói ông kiểm soát. Bởi vì người cha kiểm soát con cái chặt chẽ quá sẽ hủy hoại chúng”[22]. Một số người cha cảm thấy mình vô dụng hoặc không cần thiết, nhưng thật ra “con cái cần thấy một người cha đang chờ đợi chúng khi chúng trở về sau những thất bại. Có lẽ chúng sẽ làm mọi cách để không thừa nhận điều đó, không để cho ông thấy, nhưng chúng cần ông”[23]. Trẻ em không có cha, cũng có nghĩa là chúng bị tước mất tuổi thơ trước thời gian, và do đó là điều không tốt.

Mở rộng sự phong nhiêu

178. Nhiều đôi vợ chồng không thể có con. Chúng ta biết điều đó khiến họ rất đau khổ. Đàng khác, chúng ta cũng biết rằng “hôn nhân không phải chỉ được thiết lập nhằm mục đích truyền sinh [...]. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân li của mình”[24]. Hơn nữa, “việc làm mẹ không chỉ là một thực tại thuần túy sinh học, mà nó còn được thể hiện theo nhiều cách thế khác nhau”[25].

179. Nhận con nuôi là một cách thức rất quảng đại để thực hiện việc làm mẹ và làm cha, và tôi muốn khuyến khích những ai không thể có con hãy giang rộng cánh tay và mở rộng tình yêu vợ chồng của mình để đón nhận những trẻ em đang thiếu một gia đình xứng hợp. Họ sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã quảng đại. Nhận con nuôi là hành động của tình yêu trao ban một gia đình cho người không có. Điều quan trọng là phải thúc đẩy việc làm luật sao cho những thủ tục nhận con nuôi được dễ dàng, nhất là trong trường hợp những trẻ không được ước mong, để ngăn chặn việc phá thai hoặc trẻ bị bỏ rơi. Những người đối mặt với thách đố nhận con nuôi và đón nhận một con người cách vô điều kiện và vô vị lợi, họ trở thành phương thế biểu lộ tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã nói: “Cho dù người mẹ có quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ (x. Is 49,15).

180. “Việc chọn nhận con nuôi và nhận ủy thác chăm sóc trẻ thể hiện một sự phong nhiêu đặc thù của kinh nghiệm vợ chồng, vượt trên hoàn cảnh đau buồn vì vô sinh [...]. Trước những hoàn cảnh trong đó người ta muốn có con bằng mọi giá, như thể đó là một quyền để hoàn thiện bản thân mình, việc nhận con nuôi và nhận ủy thác được hiểu cho đúng sẽ cho thấy một khía cạnh quan trọng của thiên chức làm cha mẹ và làm con, việc đó giúp ta nhận ra rằng con cái, cả con mình sinh ra cũng như con nuôi hoặc nhận uỷ thác, là một tha nhân khác bản thân cha mẹ và chúng cần được đón nhận, được thương yêu, chăm sóc chứ không chỉ cho chúng chào đời. Lợi ích của trẻ phải luôn là lí do ưu việt khởi động những quyết định nhận con nuôi và nhận ủy thác nuôi dạy trẻ”[26]. Đàng khác, “nạn buôn bán trẻ em giữa các quốc gia và châu lục phải được ngăn chặn bằng những can thiệp luật pháp đúng lúc và kiểm soát của Nhà nước”[27].

181. Cũng nên nhớ rằng sinh con và nhận con nuôi không phải là những cách thế duy nhất để sống tình yêu phong nhiêu. Ngay cả những gia đình nhiều con cũng được mời gọi ghi dấu của mình trong lòng xã hội nơi mình nhập cuộc, để phát huy các dạng thức phong nhiêu khác như một sự nối dài của tình yêu đang nâng đỡ gia đình. Các gia đình Kitô hữu không nên quên rằng “đức tin không tách biệt chúng ta khỏi thế giới, nhưng hội nhập ta vào đó cách sâu xa hơn [...]. Thật vậy, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến[28]. Gia đình không nên tự coi mình như một nơi trú ẩn để giữ mình lánh xa xã hội. Đừng ở lì trong chờ đợi, nhưng hãy đi ra khỏi chính mình và tìm cách sống tương trợ. Như thế, gia đình sẽ trở thành một nơi hội nhập con người với xã hội và một điểm nối kết giữa đời sống công cộng và riêng tư. Các đôi vợ chồng cần ý thức rõ ràng và xác tín về những nghĩa vụ xã hội của họ. Ý thức như thế, tình yêu kết hợp họ chẳng những không suy giảm, mà còn tràn ngập ánh sáng mới, như những vần thơ sau đây diễn tả:

“Tay anh âu yếm hồn em ấm nồng,

Hòa điệu ngày dài đời em an vui.

Em yêu anh lắm vì đôi tay ấy

Kiến tạo công chính đem đến hòa bình.

Em yêu anh lắm tình yêu của em,

Anh là người tình, là bạn đường và là tất cả,

Đi bên nhau, trên hành trình dài ta phong nhiêu không chỉ là hai”[29].

182. Không gia đình nào phong nhiêu mà lại quá khác biệt hoặc “tách biệt” với các các gia đình khác. Để tránh nguy cơ này, ta nên nhớ rằng gia đình của Đức Giêsu, vốn đầy ân sủng và khôn ngoan, không được xem như một gia đình “lạ lùng”, như một gia đình dân ngoại và sống xa cách dân chúng. Chính vì thế mà người ta mới thấy khó khăn trong việc nhìn nhận sự khôn ngoan của Đức Giêsu và nói: “Bởi đâu ông ấy được như thế? [...] Ông ấy không phải là bác thợ mộc, con bà Maria đó sao” (Mc 6,2-3). “Ông không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Điều đó xác nhận rằng đây là một gia đình đơn sơ, gần gũi với tất cả mọi người, sống một cuộc đời bình thường giữa dân chúng. Đức Giêsu cũng không lớn lên trong mối tương quan khép kín và đơn độc chỉ với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng Người sống vui vẻ trong gia đình lớn, nơi có bà con và bạn hữu. Chính vì thế mà, trên đường trở về từ Giêrusalem, cha mẹ Người những tưởng rằng cậu bé mười hai tuổi mất hút trong đoàn lữ hành suốt cả một ngày, vừa đi vừa nghe những câu chuyện và chia sẻ những mối quan tâm của mọi người: “Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường mới đi tìm kiếm” (Lc 2,44). Trái lại, đôi khi xảy ra sự việc là có một số gia đình Kitô giáo, vì ngôn ngữ mà họ sử dụng, vì cách nói chuyện, phong cách xử sự của họ, vì sự lặp đi lặp lại liên tục về hai ba vấn đề nào đó, họ được coi là sống xa vời, như tách biệt khỏi xã hội, thậm chí chính bà con của họ cảm thấy bị khinh miệt hoặc bị xét đoán.

183. Một đôi vợ chồng có kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu biết rằng tình yêu ấy được mời gọi để chữa lành thương tích của những số phận bị bỏ rơi, để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ, để đấu tranh cho công lí. Thiên Chúa đã ủy thác cho các gia đình kế hoạch làm cho thế giới này trở nên “gia đình” hơn[30], để mọi người đều cảm thấy mỗi người là anh em: “Nhìn sâu vào cuộc sống hằng ngày của con người, nam cũng như nữ, ngày nay, ta thấy ngay một nhu cầu ở khắp mọi nơi về tinh thần gia đình. [...] Không chỉ những tổ chức đời sống cộng đồng ngày càng sa vào thái độ quan liêu hoàn toàn xa lạ với tương quan cơ bản giữa người với người, mà ngay cả những tập tục xã hội và chính trị cũng thường cho thấy có những dấu hiệu xuống cấp[31]. Trái lại, có những gia đình rộng mở cửa lòng và liên đới dành chỗ cho người nghèo, họ có khả năng xây đắp tình bằng hữu với những người hèn kém hơn họ. Nếu thực sự quan tâm đến Tin mừng, thì họ không thể quên những gì Đức Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Xét cho cùng, họ sống điều mà Người yêu cầu chúng ta một cách rất quyết liệt trong bản văn này: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; và ông sẽ có phúc!” (Lc 14,12-14). Bạn sẽ được phúc! Đó chính là bí quyết của một gia đình hạnh phúc.

184. Với việc làm chứng tá, và ngay cả bằng lời nói, các gia đình nói về Chúa Giêsu cho những người khác, họ thông truyền đức tin, đánh thức lòng khát khao về Thiên Chúa, và cho thấy vẻ đẹp của Tin mừng và lối sống mà Tin mừng đề nghị. Như thế, các đôi vợ chồng Kitô hữu sơn lên màu xám của không gian công cộng bằng màu sắc của tình huynh đệ, của mối quan tâm xã hội, của việc bảo vệ những người yếu thế, của đức tin sáng ngời, và niềm hi vọng tích cực. Sự phong nhiêu của họ lan tỏa và được tỏ lộ trong muôn ngàn cách để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong xã hội.


[1] FC, 14: AAS 74 (1982), 96.

[2] HG (11.02.2015): L’Osservatore Romano, 12.02.2015, tr. 8.

[3] Ibid.

[4] HG (8.4.2015): L’Osservatore Romano, 9.4.2015, tr. 8.

[5] Ibid.

[6] x. GS, 51: “Tất cả chúng ta hãy xác tín rằng sự sống con người và sự thông truyền sự sống ấy là những thực tại mà ý nghĩa của chúng không chỉ bị giới hạn bởi những chân trời của cuộc sống này: giá trị đích thực và ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ có thể được hiểu trong qui chiếu đến vận mệnh vĩnh cửu của chúng ta mà thôi”.

[7] Phanxicô, Thư gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về Dân Số và Phát Triển (18.03.1994): Insegnamenti XVII/1 (1994), 750-751.

[8] Gioan Phaolô II, HG (12.3.1980), 3: Insegnamenti III/1 (1980), 543.

[9] Ibid.

[10] Phanxicô, Diễn từ tại Cuộc Gặp Gỡ các Gia Đình ở Manila (16.01.2015): AAS 107 (2015), 176.

[11] HG (11.02.2015): L’Osservatore Romano, 12.02.2015, tr. 8.

[12] HG (14.10.2015): L’Osservatore Romano, 15.10.2015, tr. 8.

[13] HĐGM Úc Châu Thư mv. Don’t Mess with Marriage (24.11.2015), 11.

[14] GS, 50.

[15] Gioan Phaolô II, HG (12.3.1980), 2: Insegnamenti III/1 (1980), 542.

[16] Cf. Id.,Tông thư Mulieris Dignitatem (15.8.1988), 30-31: AAS 80 (1988), 1727-1729.

[17] HG (7.01.2015): L’Osservatore Romano, 7-8.01.2015, tr. 8.

[18] Ibid.

[19] HG (28.01.2015): L’Osservatore Romano, 29.01.2015, tr. 8.

[20] Ibid.

[21] Cf. RF 2015, 28.

[22] HG (4.02.2015), L’Osservatore Romano, 5.02.2015, tr. 8.

[23] Ibid.

[24] GS, 50.

[25] Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ V HĐGM Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, Documento di Aparecida (29.6.2007), 457.

[26] RF 2015, 65.

[27] Ibid.

[28] Phanxicô, Diễn từ tại cuộc Hội Ngộ các Gia đình ở Manila (16.01.2015): AAS 107 (2015), 178.

[29] Mario Benedetti, “Te quiero”, in Poemas de otros, Buenos Aires 1993, 316.

[30] Cf. HG (16.9.2015): L’Osservatore Romano, 17.9.2015, tr. 8.

[31] HG (7.10.2015): L’Osservatore Romano, 9.10.2015, tr. 8.