THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 2/5/2019

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 496 | Cật nhập lần cuối: 5/30/2019 6:45:33 PM | RSS

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 2/5/2019

Vụ đại nghịch bất đạo cáo gian Hồng Y đã đến hồi kết thúc nhưng giáo dân không biết nên vui hay buồn?

1. Cảnh sát Ấn minh oan cho vị Hồng Y bị một linh mục dùng tài liệu giả cáo gian

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong một diễn biến không biết nên vui hay nên buồn, hôm 29 tháng Tư, cảnh sát Ấn tại thành phố Kochi đã minh oan cho Đức Hồng Y George Alencherry, khẳng định ngài đã bị vu cáo. Đó là một tin đáng mừng. Nhưng điều bi thảm ở đây là người vu cáo Đức Hồng Y lại chính là một linh mục.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Ngày 7 tháng Giêng năm nay, cha Paul Thelakat, một linh mục phụ trách truyền thông của tổng giáo phận, đã giao cho Đức Cha Manathodath một số hồ sơ trong đó có một tài liệu được cho là của ngân hàng cho thấy Đức Hồng Y Alencherry đã chuyển tiền từ một trương mục ngân hàng của ngài cho hai cơ sở tại Ấn.

Tài liệu ngân hàng này là giả vì Đức Hồng Y Alencherry hoàn toàn không có trương mục ngân hàng nào với ngân hàng được nêu trong tài liệu.

Điều đáng tiếc là nội vụ đã không được giải quyết trong tình huynh đệ. Hồi cuối tháng Hai năm nay, cha Joby Maprakavil, giám đốc ủy ban Internet của Giáo Hội Syro-Malabar đã nộp đơn kiện cha Paul Thelakat tội dùng tài liệu giả và tội vu cáo. Sở cảnh sát thành phố Kochi đã thụ lý hồ sơ và ngày 29 tháng Tư đã có kết luận như chúng tôi vừa nêu.

Đến nay, cha Paul Thelakat, năm nay 70 tuổi, chưa bị bắt. Tuy nhiên, có lẽ đó chỉ còn là vấn đề sớm muộn. Ngài sẽ gặp rắc rối to với tội ngụy tạo tài liệu giả.

2. Các nhóm thờ Satan được ban cấp tư cách “Giáo Hội” tại Hoa Kỳ.

Trong một diễn biến đáng kinh ngạc và đáng buồn, Sở Thuế vụ Hoa Kỳ đã công nhận các nhóm thờ phượng Satan tại Hoa Kỳ là một “Giáo Hội”.

Trong một tuyên bố được công bố hôm thứ Năm, Đền thờ Satan có trụ sở tại Massachusetts nói rằng họ đã nhận được thông báo từ Sở Thuế vụ Hoa Kỳ ban cấp cho tổ chức này tư cách hợp pháp của một Giáo Hội bình đẳng với các nhóm tôn giáo khác.

Các nhóm thờ phượng Satan tại Hoa Kỳ đã reo mừng trước quyết định này của Sở Thuế Hoa Kỳ, và cho rằng điều này có một ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của các nhóm thờ phượng Satan tại Mỹ vì nó không những cho phép họ được quyền công khai quyên góp, mà còn được hưởng lợi từ các quy tắc thuế đặc biệt, bao gồm tự động miễn thuế thu nhập liên bang. Thậm chí, còn được quyền xin trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ như các tôn giáo khác.

Tuyên bố của nhóm Đền thờ Satan nói:

“Sự công nhận này sẽ giúp bảo đảm Đền thờ Satan có quyền truy cập vào các không gian công cộng như các tổ chức tôn giáo khác, khẳng định vị thế của chúng tôi tại tòa án khi chiến đấu chống lại sự phân biệt tôn giáo, và cho phép chúng tôi nộp đơn xin chính phủ trợ cấp dựa trên niềm tin”.

Các quy định của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ vạch rõ sự phân biệt rõ ràng giữa định chế “Giáo Hội” và các danh xưng khác liên quan đến các tổ chức tôn giáo. Theo yêu cầu của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, một “Giáo Hội” phải có những đặc điểm nhất định, bao gồm: tín ngưỡng và hình thức thờ phượng phải được công nhận; hàng giáo phẩm; các nguyên tắc chính thức của tín lý; các chức sắc phải được lựa chọn từ những người đã hoàn thành các khóa học theo quy định; phải có các nơi thờ phượng và các nghi lễ tôn giáo thường xuyên.

Mặc dù tuyên xưng trung thành với quỷ Satan, Đền thờ Satan được thành lập bởi những người vô thần cho rằng họ chẳng tin vào điều gì cả và học thuyết của họ chỉ là một tập hợp các triết lý thế tục. Hình ảnh Satan của nó dường như là một sự khiêu khích có chủ ý nhằm đáp lại những gì nhóm này cho là sự can thiệp của tôn giáo vào không gian công cộng.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, phát ngôn viên của nhóm, Douglas Mesner, đã mô tả ý định trở thành “một viên thuốc độc trong cuộc tranh luận giữa Nhà nước và Giáo hội”. Nhóm này đã từng đâm đơn kiện để có thể trưng bày các hình ảnh của Satan bên cạnh các biểu tượng của Kitô Giáo như các bia khắc 10 điều răn Đức Chúa Trời.

Tháng Hai năm 2019, Tối Cao Pháp Viện Missouri đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của Mary Doe, một thành viên của Đền thờ Satan, chống lại Bộ Y tế tiểu bang Missouri.

Bộ Y tế tiểu bang đã phát hành một tập sách nhỏ được phân phát cho tất cả phụ nữ tìm cách phá thai trong tiểu bang. Cuốn sách có đoạn viết:

“Cuộc đời của mỗi con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Phá thai là giết chết cuộc sống của một người khác, độc đáo, và sống động.”

Mary Doe đã kiện Bộ Y tế tiểu bang là vi phạm niềm tin tôn giáo của cô.

3. Vinh danh những người lính cứu hỏa đã cứu nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris trong Thánh lễ Phục sinh

Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh tại giáo xứ chính tòa Paris ra sao? Angela Charton của thông tấn xã AP đã có một bản tường đặc biệt sau đây.

Đức Tổng Giám Mục Paris và người Công Giáo từ khắp nước Pháp và thế giới đã vinh danh những người lính cứu hỏa đã cứu Nhà thờ Đức Bà, và cầu nguyện đặc biệt cho việc tái thiết nhanh chóng ngôi thánh đường yêu dấu này trong Chúa Nhật Phục sinh.

Một số đường phố xung quanh ngôi nhà thờ có từ thời trung cổ này cũng đã được mở cửa trở lại sáu ngày sau khi xảy ra trận hỏa hoạn, cho phép khách du lịch có thể nhìn gần hơn; và các nhà hàng địa phương đã được mở cửa trở lại, sau khi lính cứu hỏa tuyên bố các điểm nóng cuối cùng đã bị dập tắt. Nhà thờ Đức Bà dự kiến sẽ phải đóng cửa trong nhiều năm để tu sửa lại.

Ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ vào tối thứ Hai đã buộc các thành viên trong giáo xứ và các du khách muốn tham dự thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà vào lễ Phục sinh phải tìm những nơi khác để tham dự các nghi lễ. Tổng giáo phận Paris đã mời họ tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Saint-Eustache hùng vĩ bên hữu ngạn sông Seine.

Các nhân viên cứu hỏa, những người đã phải vật lộn trong chín giờ để chống trả với ngọn lửa thiêu rụi mái nhà thờ chính tòa Đức Bà, đã được dành cho một vị trí danh dự tại nhà thờ Saint-Eustache. Cảnh sát và quân đội chủ yếu đứng bên ngoài để bảo vệ ngôi nhà thờ có từ thế kỷ 13 này, trong khi đó du khách đứng thành một hàng dài để các cơ quan an ninh kiểm tra túi xách trước khi họ có thể vào bên trong thánh đường.

Trong Thánh lễ Phục sinh, Đức Tổng Giám Mục Paris Michel Aupetit đã trao cho lính cứu hỏa một cuốn Kinh thánh được giải cứu từ nhà thờ Đức Bà.

“Các đồng nghiệp của anh em đã có thể cứu được nhiều thứ trong nhà thờ. Nhưng anh em cũng đã cứu được một vật quý giá đối với chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói. “Cuốn sách này vẫn còn bẩn một chút, đầy tro và có thể bị thiệt hại chút đỉnh bởi ngọn lửa. Các anh em đã cứu cuốn sách này và tôi muốn tặng cho anh em. Đó là một cách rất khiêm tốn để nói lời cám ơn các anh em.”

Đức Tổng Giám Mục đặc biệt cảm ơn cha Jean-Marc Fournier, tuyên uý lính cứu hỏa Paris, là người đã không ngại hiểm nguy xông vào ngôi nhà thờ đang bốc cháy để cứu vương miện gai của Chúa trong cuộc thương khó và một Mặt Nhật có Mình Thánh Chúa.

Giảng về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói với cộng đoàn rằng: “Chúng ta cũng vậy, thưa anh chị em, chúng ta sẽ sống lại, giống như ngôi nhà thờ của chúng ta sẽ hồi sinh trở lại.”

Đức Tổng Giám Mục thủ đô Pháp cũng hướng suy nghĩ của cộng đoàn đến “những anh chị em Sri Lanka của chúng ta đã bị tàn sát” trong vụ tấn công đúng vào ngày lễ Phục sinh tại các nhà thờ và khách sạn.

Giáo dân tại giáo xứ chính tòa Notre Dame đã được tham gia bởi người Công Giáo và những người khác từ khắp nước Pháp và hơn thế nữa. Một phóng viên của Associated Press đã nghe ít nhất sáu ngôn ngữ được nói trong đám đông.

“Mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra với nhà thờ Đức Bà,” ông Michel Ripoche, một cư dân Paris nói. “Ngày lễ Phục sinh là một ngày lễ chúng ta kỷ niệm hàng năm, suốt cả cuộc đời của chúng ta. Rõ ràng những gì đã xảy ra tại Notre Dame đã thêm vào tầm quan trọng của thánh lễ ngày hôm nay.”

Peggy Godley, người đã đến thăm thủ đô của Pháp từ Chicago cùng với chồng và hai cô con gái của mình, vì muốn xem mọi thứ như thế nào khi cử hành Thánh lễ ở Paris.

“Chúng tôi không được gặp Notre Dame. Chúng tôi đã hy vọng được ở đó, nhưng đã quá muộn,” cô nói.

Các công nhân xây dựng căng lưới bao trùm một trong những cửa kính màu rất quý của nhà thờ vào hôm Chúa Nhật, dường như để bảo vệ tấm kính màu đã có hàng nhiều thế kỷ.

Nhà thờ Đức Bà dự kiến sẽ được mở cửa trở lại cho công chúng trong năm hoặc sáu năm nữa, theo cha Patrick Chauvet, mặc dù tổng thống Pháp đang thúc đẩy việc tái thiết nhanh chóng hơn nữa. Các nhà điều tra nghĩ rằng vụ cháy này là một tai nạn, có thể liên quan đến công việc trùng tu.

Cha Patrick Chauvet, linh mục hạt trưởng chánh tòa, nói với Associated Press vào hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài có rất nhiều hy vọng, bởi vì ngài tin rằng từ sự đau khổ này sẽ có sự phục hưng.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester cho biết hôm Chúa Nhật rằng hầu hết các điểm tại Nhà thờ Đức Bà được coi là dễ bị sụp đổ đã được ổn định, bao gồm các cấu trúc hỗ trợ phía trên các cửa kính màu. Ông nói với truyền hình France -2 rằng “vẫn còn một số điểm nhạy cảm trên trần nhà.”

4. Chuyện không tin cũng xảy ra: Hồi Giáo tính nhầm nên lễ Phục sinh là một ngày nghỉ quốc gia ở Bangladesh trong năm nay

Sau 30 năm, các Kitô hữu Bangladesh đã được mừng lễ Phục sinh như một ngày lễ nghỉ trong năm nay.

Ở Bangladesh, nơi Chúa Nhật không phải là ngày lễ nghỉ, lễ Phục sinh đã được tổ chức như một ngày quốc lễ lần đầu tiên sau 30 năm.

Thành công này phần lớn là nỗ lực của Gloria Jharna Sarker, nữ nghị sĩ Công Giáo đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử gần đây, là người đấu tranh cho quyền của cộng đồng Kitô giáo được công nhận ở cấp quốc gia, AsiaNews cho biết như trên.

Vào Chúa Nhật Phục sinh, 21 tháng 4, tất cả các trường học trong cả nước đã đóng cửa. Đón nhận tin mừng này, các Kitô hữu địa phương nói rằng đó là một dấu hiệu tích cực về mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo.

Một thương gia ở Bangladesh đã giải thích với AsiaNews rằng kể từ khi giành được độc lập vào năm 1971, Chúa Nhật là một ngày lễ, bao gồm cả Chúa Nhật Phục sinh. Tuy nhiên, Chúa Nhật đã không còn là một kỳ nghỉ kể từ giữa những năm 1980, khi cựu tổng thống Hussain Muhammad Ershad giới thiệu truyền thống Hồi giáo, trong đó thứ Sáu là ngày nghỉ hàng tuần. Vì thế, lễ Chúa Phục sinh đã bị loại ra khỏi các lễ hội được công nhận trên toàn quốc.

Thương gia này chỉ ra rằng sau khi ngày Chúa Nhật bị loại bỏ, các giám mục không làm gì nhiều để phản đối điều đó, không giống như một số phong trào đại kết đôi khi phát động các cuộc biểu tình phản đối, tổ chức các buổi tọa thị và các biến cố có tính biểu tượng.

Tuy nhiên, vị thương gia này nhấn mạnh rằng kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm nay chỉ là may mắn mà thôi. Ông giải thích như sau:

Các lễ hội Hồi giáo không được tính theo Dương Lịch nhưng theo Âm Lịch.

Vào đầu năm nay, lễ hội Hồi giáo “Shab-e-Barat” (đêm tha thứ) được ấn định diễn ra vào ngày 21 tháng 4, tức là lễ Phục sinh. Sau khi tính toán lại các dịch chuyển của mặt trăng, các học giả Hồi Giáo tuyên bố đã tính lộn, và tính lại là ngày 22 tháng 4, tức là Thứ Hai sau lễ Phục Sinh. Vào thời điểm đó, ngày 21 tháng 4 đã được tuyên bố là một ngày nghỉ.

Người ta không biết liệu điều may mắn này sẽ xảy ra trong những năm tới hay không nhưng năm nay các Kitô hữu đã chào đón điều này với niềm vui.

5. Đại diện Tòa Thánh chủ sự buổi lễ cầu nguyện cho Sri Lanka tại Liên Hiệp Quốc

“Dân tộc Sri Lanka đang trải qua một trong những thời kỳ đau buồn nhất và tàn khốc nhất trong lịch sử của chúng tôi,” cha Nalaka Silva nói với những người tham dự một buổi lễ tưởng niệm vào tối 24 tháng Tư tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Cha Nalaka Silva, linh mục tuyên úy cho người Công Giáo Sri Lanka ở New York và New Jersey nói thêm:

“Bản thân tôi đang phải vật lộn với những cảm giác giận dữ, sợ hãi, đau đớn, buồn bã và nhiều cảm giác khác mà tôi không thể diễn tả được,”

Ngài cho biết đã cử hành Thánh lễ tại cả hai nhà thờ Công Giáo bị đánh bom bởi những kẻ khủng bố ngày 21 tháng 4 và lưu ý rằng ngài và những người Sri Lanka khác sống bên ngoài quê hương của họ có mối liên hệ mật thiết với người dân tại quê hương, do đó vết thương trong tim chúng tôi rất đau.

Hôm thứ Sáu, các quan chức Sri Lanka báo cáo rằng số người chết là khoảng 253; con số đã được điều chỉnh giảm xuống so với con số hơn 350 người chết trước đó. Họ cho rằng sự khác biệt là do tiến trình pháp y rất phức tạp.

Cô Venodini Sanmuganathian, một người Công Giáo, là viên chức phụ trách nghi lễ ngoại giao của phái đoàn Sri Lanka tại Liên Hiệp Quốc đã đọc lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hòa bình sau những nhận xét của cha Silva.

Trong lời phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Auza, đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự gần gũi chân thành của mình với cộng đồng Kitô giáo Sri Lanka, bị tổn thương nặng nề khi đang tụ họp trong lời cầu nguyện, và với tất cả các nạn nhân của bạo lực tàn khốc đó.

“Chúng ta đang phải đối phó ở đây với tội ác khủng bố tàn khốc như một biểu hiện cụ thể của những kẻ cực đoan và chủ nghĩa cuồng tín và chủ nghĩa chính trị quá khích, mà chúng tôi liên tục tố cáo trong các cuộc tranh luận của Liên Hợp Quốc,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Auza cũng nhắc nhớ những lời cảm thông mà Đức Thánh Cha đã gởi đến Sri Lanka khi lên án vụ khủng bố này trong thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, ngay khi vụ tấn công vẫn còn đang diễn ra.

Đức Tổng Giám Mục đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ âu lo trước tương lai của Giáo Hội tại Sri Lanka. Trong một diễn biến bi đát tổng giáo phận Colombo đã phải đình chỉ vô thời hạn các thánh lễ và các dịch vụ bác ái vì lo sợ đợt tấn công thứ hai. Tương lai của bọn khủng bố Hồi Giáo IS sau khi bị đánh bại tại Iraq và Syria đã trở nên rõ nét trong cuộc khủng bố tại Sri Lanka. Chúng sẽ không cát cứ một vùng lãnh thổ nhất định nhưng sẽ reo rắc kinh hoàng bằng các vụ đánh bom tự sát vào các nơi thờ phượng là những địa điểm dễ bị tấn công nhất, đặc biệt ở các nước có những dấu chỉ rõ rệt của nạn kỳ thị tôn giáo trong các cấp chính quyền.

Cảnh sát Sri Lanka đang ráo riết truy bắt khoảng 140 người tại Sri Lanka có liên quan đến bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Đêm 26, rạng sáng 27 tháng Tư, cảnh sát Sri Lanka đã tấn công vào hai nơi ẩn náu của lực lượng thánh chiến Hồi Giáo. Ít nhất có 15 người, trong đó có 6 trẻ em, bị thiệt mạng trong các vụ giao tranh.

Vụ tấn công đầu tiên diễn ra sau khi lực lượng an ninh nghe thấy tiếng nổ ở Sainthamarutu, một thành phố nhỏ ở bờ phía đông Sri Lanka. Khi đến điều tra, họ bị bắn trả dữ dội. Vụ tấn công thứ hai diễn ra sau khi cảnh sát nghe thấy một vụ nổ khác, ở cách đó không xa.

Cuộc tấn công này diễn ra chỉ vài giờ sau khi cảnh sát phát hiện ra khu vực được cho là tổng hành dinh của lực lượng khủng bố, chỉ cách đó vài cây số. Nhưng trong lần bố ráp thứ hai này, những kẻ khủng bố đã chọn cách tự kích hoạt chất nổ khi bị lực lượng quân sự bủa vây. Kết quả là 8 kẻ khủng bố bị chết, nhưng cũng có 6 em nhỏ bị chết theo.

Tại hiện trường, chính quyền đã tìm ra được kho vũ khí thực sự của những kẻ khủng bố, gồm 150 thanh chất nổ nitroglycerin, 100,000 viên bi, nhiều kíp nổ, một thiết bị bay không người lái (drone) và một lá cờ đen chữ trắng của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Kho đạn này có thể là một trong những dấu vết lần ra nhóm thánh chiến đã tấn công các nhà thờ và khách sạn hôm Chúa Nhật Phục Sinh.

6. Đức Thánh Cha trao đổi lời chúc mừng với Rabbi Trưởng của Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô và Rabbi trưởng của Rôma, Riccardo Di Segni, đã trao đổi lời chúc mừng lễ Phục sinh của Kitô giáo và lễ Vượt qua của người Do Thái.

Trong khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vào dịp Tuần Thánh và lễ Phục sinh, thì các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới chuẩn bị mừng lễ Pesach, hay còn gọi là lễ Vượt Qua, kỷ niệm việc Chúa giải phóng con cái Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, như được mô tả trong Sách Xuất hành.

Trong thông điệp gởi đến Rabbi Di Segni, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết:

Cầu xin Thiên Chúa của lòng thương xót đồng hành cùng các bạn với phước lành của Ngài và ban cho cộng đồng các bạn bình an và hòa thuận. Nhân dịp hạnh phúc này, tôi lặp lại những cam kết đối với mối dây huynh đệ và đối với những người quẫn bách trong xã hội của chúng ta, tôi bảo đảm nhớ đến các bạn trong lời cầu nguyện và xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời chào truyền thống của người Do Thái “Chag Sameach”, nghĩa đen là chúc mừng “hội hè hân hoan”.

Trong thông điệp viết tay gởi cho Đức Thánh Cha, Rabbi Di Segni viết:

Trước thềm lễ Phục sinh, tôi cảm ơn ngài và thân ái chúc ngài đầy tràn niềm vui, sự thanh thản và sức khỏe, để củng cố các quan hệ hữu ích trong tình bạn và sự hợp tác. Cầu xin những lời cầu nguyện của ngài cho điều thiện được nhậm lời.

Lễ Vượt qua của người Do Thái bắt đầu vào lúc hoàng hôn tối thứ Sáu 19 tháng Tư và kết thúc vào lúc màn đêm buông xuống vào thứ Bảy 27 tháng Tư.

7. Đức Thánh Cha nhắc lại kỷ niệm 70 năm vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất hiện trên truyền hình

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chúc mừng Phục Sinh qua các phương tiện truyền thông hiện đại, và nhắc nhớ lại kỷ niệm 70 năm lần xuất hiện đầu tiên của một vị Giáo Hoàng trên truyền hình.

Chúng ta có thể nghĩ rằng diễm phúc được nhìn thấy khuôn mặt của Đức Giáo Hoàng được truyền trực tiếp là chuyện bình thường, không có gì đáng lấy làm lạ, nhưng trước đây hơn 70 năm, chuyện này vẫn là điều không thể được. Thậm chí nằm mơ cũng không thấy nổi. Đoạn video chúng ta thấy bên cạnh được phát cách đây 70 năm, là lần đầu tiên người ta có thể nhìn thấy Đức Giáo Hoàng ngay lập tức mặc dù ngài đang ở một nơi cách xa vạn dặm, thường là ở Rôma.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý đến những tiến bộ vượt bậc của công nghệ hiện đại ở cuối thông điệp Urbi et Orbi của ngài hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Ngài nói:

Tôi vui mừng nhớ lại rằng bảy mươi năm trước, vào lễ Phục sinh năm 1949, một vị Giáo hoàng đã phát biểu lần đầu tiên trên truyền hình. Đức Pius thứ XII đã nói chuyện với khán giả truyền hình ở Pháp, và chỉ ra rằng đôi mắt của người kế vị Thánh Phêrô và các tín hữu có thể được nhìn thấy thông qua một phương tiện truyền thông mới. Lễ kỷ niệm này cho tôi cơ hội khuyến khích các cộng đồng Kitô giáo sử dụng tất cả các công cụ mà công nghệ tạo ra để thông báo tin mừng về Chúa Kitô phục sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục truyền thống chúc mừng lễ Phục sinh và ban phép lành kèm ơn toàn xá cho tất cả những người nghe tiếng nói của ngài trên đài phát thanh, hoặc xem hình ảnh của ngài trên truyền hình hoặc qua internet.

8. Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Hoa Kỳ nói “chẳng có dấu hiệu thay đổi nào ở Trung Quốc” sau thỏa thuận với Vatican

Christopher White của tạp chí Công Giáo Crux của Hoa Kỳ đã có bài tường trình đăng hôm thứ Ba 23 tháng Tư sau một cuộc phỏng vấn với Đại sứ Sam Brownback là đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.

Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ tin rằng Hoa Kỳ và Vatican nên hợp tác với nhau để theo đuổi tự do tôn giáo trên thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn sát cánh cùng họ [Vatican], đặc biệt là về vấn đề tự do tôn giáo,” Đại sứ Sam Brownback nói với Crux.

Tháng trước, trong chuyến công du Đài Loan và Hương Cảng kéo dài một tuần, Đại sứ Brownback nói rằng Trung Quốc đang “gây chiến tranh với đức tin”, khi ghi nhận sự gia tăng phân biệt đối xử của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với người Hồi giáo, Công Giáo và Phật giáo.

Ông nhắc lại quan điểm đó với Crux; và nhấn mạnh rằng “bạn đang nhìn thấy một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới đang có một cuộc chiến tổng lực với đức tin.”

“Nhưng đó là một cuộc chiến mà họ sẽ không giành được chiến thắng,” ông nói thêm.

Những lời nói mạnh mẽ của Brownback thu hút nhiều sự chú ý của công chúng, nhưng ông nói rằng những lời ông nói ra đều được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phê chuẩn và ông bảo vệ những phát biểu mạnh của mình như là một nghĩa vụ của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm rằng tự do tôn giáo phải được bảo vệ một cách quyết liệt.

Ông đã phục vụ trong vai trò Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ kể từ tháng Hai năm 2018. Trước đây, ông từng là thượng nghị sĩ của tiểu bang Kansas từ năm 1996 đến 2011 và sau đó là thống đốc tiểu bang từ năm 2011 đến năm 2018. Sinh trưởng tromg một gia đình nông dân Tin Lành, thống đốc Brownback đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 2011.

“Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn,” ông Brownback nói, trích dẫn một câu từ Tân Ước, trong đó Chúa Giêsu dùng để đưa ra một bài học về sự cần thiết phải sử dụng tốt những ân sủng mà chúng ta đã nhận được.

“Chúng ta đã được ban cho rất nhiều,” ông Brownback nói với Crux, lưu ý rằng Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất và có “một di sản tự do tôn giáo phong phú”.

“Vai trò của chúng ta là phải ủng hộ điều đó và chúng ta chịu trách nhiệm về những gì chúng ta đã được [Thiên Chúa] trao cho”, ông nói.

Vì lý do đó, ông khẳng định rằng, “Chúng ta [Hoa Kỳ] nên gây sức ép buộc Trung Quốc phải mở rộng tự do tôn giáo”.

Trong chuyến thăm của mình, ông Brownback đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc hồi năm ngoái, được tường thuật là đã cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục tại đất nước này.

“Kể từ khi thỏa thuận tạm thời này được công bố vào năm ngoái, việc sách nhiễu các thành viên của cộng đồng Công Giáo vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng tôi chẳng thấy có chút dấu hiệu nào sẽ có những thay đổi trong tương lai gần,” ông Brownback nói khi còn ở Hương Cảng.

Ông nói với Crux rằng những lời chỉ trích của ông là nhằm đáp lại những lo ngại của các Phật tử Tây Tạng. Họ sợ rằng thỏa thuận này có thể “đặt ra một tiền lệ” cho phép nhà nước thực hiện quyền kiểm soát khi chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo.

“Các tổ chức tôn giáo phải được chọn lãnh đạo của riêng mình”, ông Brownback nhấn mạnh, và thêm rằng các chế độ độc đoán luôn cố gắng duy trì sự kiểm soát của chúng đối với sự lãnh đạo tôn giáo.

Trong khi Đại sứ Brownback thừa nhận rằng, “không ai biết chi tiết những gì đã được thỏa thuận ngoại trừ Vatican và chính phủ Trung Quốc,” là điều mà ông nhìn nhận là đặc quyền riêng của mỗi thực thể có chủ quyền – nhưng ông nói điều quan trọng là cần phải ngăn chặn sự ép buộc những người có đức tin.

“Những điều này không được thực hiện một cách tách biệt,” ông nhấn mạnh.

Đáp lại những chỉ trích của Đại sứ Brownback về thỏa thuận Vatican - Trung Quốc, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã tuyên bố hồi đầu tháng này rằng vấn đề đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự thay đổi đó sẽ không xảy ra một sớm một chiều.

“Hy vọng của chúng tôi là [thỏa thuận] sẽ tạo điều kiện, chứ không giới hạn, tự do tôn giáo,” Đức Hồng Y Parolin nói với các phóng viên trong một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng bách hại các tín hữu Kitô vào ngày 3 tháng Tư vừa qua.

Đại sứ Brownback nói với Crux rằng ông tôn trọng những nỗ lực lâu dài của Giáo hội nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo, và đặc biệt, ông đã chỉ ra Nicaragua và Venezuela, là hai nơi mà theo ông Giáo hội đã liên tục dẫn đường trong việc giải quyết các vấn đề.

Bất chấp sự khác biệt về chiến thuật, ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Vatican đều là những lực lượng đấu tranh cho sự thiện khi nói đến tự do tôn giáo.

Giáo Hội Công Giáo là một ngọn hải đăng của tự do tôn giáo, ông Brownback kết luận, và “chúng tôi muốn sát cánh cùng họ.”

9. Ít nhất 37,000 người được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ trong lễ Vọng Phục sinh 2019

Tối thiểu có 37,000 người đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong các thánh lễ Vọng Phục sinh tại các giáo xứ trên khắp Hoa Kỳ vào đêm 20 tháng Tư.

Các báo cáo của 89 giáo phận nghi thức Latinh của Hoa Kỳ, chiếm gần một nửa tổng số giáo phận tại Mỹ, cho biết ít nhất 37,000 người đã gia nhập Giáo hội trong mùa lễ Phục sinh năm nay.

Đại đa số những người Công Giáo mới sẽ trải qua Nghi thức Khai Tâm Kitô giáo cho người lớn tại giáo xứ họ chọn lựa. Dù đã có những hiểu biết nhất định về Chúa Giêsu, Kinh Thánh và giáo huấn Công Giáo, cũng như đã sẵn sàng sống theo niềm tin Công Giáo, các tân tòng sẽ được yêu cầu tham dự các khoá học chính thức hơn để có thể trưởng thành trong đức tin.

Có hai nhóm người khác nhau gia nhập Giáo hội. Một nhóm được gọi là tân tòng - catechumens, là những người chưa bao giờ được rửa tội. Họ sẽ nhận các bí tích khai tâm - bí tích rửa tội, thêm sức và rước lễ lần đầu - trong phụng vụ Vọng Phục sinh. Nhóm khác được gọi là các ứng viên - candidates, là những người đã được rửa tội trong một hệ phái Kitô giáo khác. Họ sẽ được nhận vào Giáo Hội Công Giáo thông qua việc tuyên xưng đức tin, thêm sức và rước lễ lần đầu.

Tổng giáo phận Los Angeles, Galveston-Houston, Atlanta và Seattle, và các giáo phận Dallas, Fort Worth, Texas và Charlotte, Bắc Carolina đón nhận hơn 1,000 tân tòng. Tổng giáo phận Los Angeles, là tổng giáo phận lớn nhất Hoa Kỳ, đón nhận 1,560 tân tòng và 913 ứng viên. Tổng giáo phận Galveston-Houston có 1,512 tân tòng và 631 ứng viên.

Các tổng giáo phận và giáo phận có ít hơn 1,000 tân tòng và ứng viên là Washington, New Orleans, St. Paul và Minneapolis, Thành phố Oklahoma, Denver, Philadelphia, Cincinnati, Boston, Indianapolis, và Baltimore, Honolulu; Pittsburgh; Thành phố Salt Lake; Orlando, Palm Beach, St. Augustine và Venice, Florida; Cleveland và Columbus, Ohio; Thành phố Jefferson và Thành phố Kansas-St. Giuse, Missouri; Baton Rouge, Louisiana; Arlington, Virginia; Tucson, Arizona; Little Rock, Arkansas; Trenton, New Jersey; Wichita, Kansas; Grand Rapids, Michigan; Tyler, Texas; và Springfield, Illinois.

Riêng tại tổng giáo phận Washington DC nơi điêu đứng vì các tai tiếng lạm dụng trong năm qua liên quan đến Mc Carrick và phúc trình Pennsylvania cũng có 455 tân tòng và 183 ứng viên.

10. Tổng Giám Mục Peru tha cho ký giả mạ lỵ ngài

Trong tuyên bố đưa ra hôm 24 tháng Tư, Đức Cha Jose Antonio Eguren, Tổng Giám Mục Peru, tuyên bố sẽ rút lại đơn kiện phỉ báng nặng nề đối với nhà báo Pedro Salinas, người đã bị tòa án Peru kết tội trong phiên sơ thẩm.

Đức Tổng Giám Mục cho biết: “Hôm nay tôi đã trình bày trước Tòa án hình sự sơ thẩm Piura, yêu cầu của tôi muốn rút đơn kiện đối với nhà báo Pedro Salinas Chacaltana vì tội phỉ báng đối với tôi.”

Hôm 22 tháng 4 tháng Tư, kết quả của bản án ngày 8 tháng Tư đối với Salinas đã được công bố. Thẩm phán Judith Cueva Calle đã kết án Salina một năm tù treo và phạt 80,000 Péso (khoảng 24.000 đô la) bồi thường danh dự vì tội phỉ báng nặng nề đối với Đức Tổng Giám Mục Jose Antonio Eguren Anselmi.

Trước kết quả của bản án này, có những tiếng nói hoan hô Đức Tổng Giám Mục đã dạy một bài học đích đáng cho những kẻ điên cuồng phỉ báng các nhà lãnh đạo Giáo Hội và qua đó là toàn thể Giáo Hội vì các tham vọng liên quan đến danh vọng và tài chính. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến không tán thành việc chủ chăn đi kiện con chiên mình.

Đức Tổng Giám Mục Eguren nói rằng bản án đã gây ra “một loạt các phản ứng phi lý, ngay cả bên trong Giáo hội, mà tôi cho là có tác động tiêu cực đến một thiện ích cao hơn, cụ thể là sự hiệp nhất của nhiệm thể Chúa Kitô.”

“Là một giám mục, trách nhiệm đầu tiên của tôi là trông nom phần rỗi của dân Chúa được giao phó cho tôi. Vì lý do này, bất kể kết quả của tiến trình tư pháp, tôi đã quyết định từ bỏ quyền bảo vệ danh tiếng và tên tuổi của mình,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng: “Ý định của tôi khi trình bày vụ kiện chống lại ông Salinas, là để bảo vệ quyền cơ bản mà tất cả chúng ta phải có đối với danh thơm tiếng tốt của mình, để phản ánh giá trị của danh dự con người, và để ngăn chặn những kẻ tung ra các cáo buộc sai trái và xúc phạm một cách vô lý.”

Đức Tổng Giám Mục nói thêm:

“Do đó tôi tin rằng quyết định này sẽ được hiểu theo chiều hướng đúng đắn của nó và có thể đóng góp cho sự hiệp nhất của người Peru và Giáo hội của chúng ta, là điều rất quan trọng trong tình hình hiện nay của đất nước.”