TRUYỆN CON RẮN ĐỒNG

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 19 | Cật nhập lần cuối: 3/24/2024 3:07:04 PM | RSS

TRUYỆN CON RẮN ĐỒNG

(Ga 3,14-21)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Biểu Tượng Con Rắn Trong Sách Sáng Thế Ký

Thật thú vị khi tìm hiểu giáo huấn về giá trị biểu tượng của con rắn trong trình thuật sách Sáng Thế ký chương 3. Nên nhớ rằng đây không phải là trình thuật lịch sử mà là có ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ. Kinh Thánh thuật lại chuyện con người đối diện với thế giới chung quanh mình thế nào cũng như hiểu mình trong liên hệ với Thiên Chúa và thế giới ra sao.
Thật thú vị khi tìm hiểu giáo huấn về giá trị biểu tượng của con rắn trong trình thuật sách Sáng Thế ký chương 3. Nên nhớ rằng đây không phải là trình thuật lịch sử mà là có ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ. Kinh Thánh thuật lại chuyện con người đối diện với thế giới chung quanh mình thế nào cũng như hiểu mình trong liên hệ với Thiên Chúa và thế giới ra sao.
Trình thuật Sáng Thế Ký chương 3 chừng như để trả lời cho câu hỏi sau: tại sao loài người luôn bị sự dữ lôi cuốn cách bí ẩn và khó hiểu đến vậy? Kết luận của trình thuật muốn nói rằng trong con người có cái gì đó đổ vỡ không nằm trong ý muốn của Đấng Sáng Tạo. Sự đổ vỡ này làm cho con người nhìn sự vật dưới góc cạnh xấu và vì thế con người thấy điều đã được tạo dựng cách tốt đẹp ra xấu xa.


Phải theo dõi diễn biến của trình thuật để hiểu cuộc đối thoại giữa con rắn và người đàn bà (lúc này bà chưa được gọi là Eva). Thật vậy, trình thuật bắt đầu với Sáng Thế Ký 2,25 khẳng định rằng người đàn ông và đàn bà trần truồng và không cảm thấy xấu hổ. Trong Kinh Thánh, sự trần truồng không bao giờ có nghĩa tính dục (ngoại trừ trong các lề luật của sách Lêvi, ví dụ Lv 18,7-17). Trần truồng đồng nghĩa với «sự nghèo khó, giới hạn, yếu đuối, hổ thẹn, mất phẩm cách» (cf. Hs 2,11; Is 20,4). Đàn ông và đàn bà trần truồng trước mặt nhau, điều đó có nghĩa là giữa họ có sự hòa hợp, có mối liên hệ công khai và chính thức, có sự tôn trọng những giới hạn của nhau. Tình trạng lý tưởng này có thể sẽ kéo dài mãi mãi nếu không có tác nhân bên ngoài can thiệp vào: con rắn. «Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra» (Stk 3,1). Như vậy, rắn là loài vật do Chúa tạo nên và con người đặt cho nó một tên gọi (cf. 2,20). Nhưng nó không chỉ gian trá và xảo quyệt mà còn là «xảo quyệt nhất». Chính nó đã tấn công con người bằng cách nhắc đến những giới hạn của con người. Mối liên hệ giữa con người và con rắn được nhấn mạnh nhờ lối chơi chữ mà soạn giả sách Sáng Thế Ký thuộc truyền thống Yahviste rất yêu thích. Con người ở trong trạng thái arummim (có nghĩa là «trần truồng» trong tiếng Hébreu), trong khi tính cách của con rắn là arum, (nghĩa là «xảo quyệt» trong tiếng Hébreu).
Rõ ràng tác giả đã chọn con rắn vì giá trị biểu trưng của nó. Trái với những con vật khác, con rắn không có chân, nó xuất hiện bất ngờ. Nó là con vật bí ẩn và có nhiều liên hệ với sự khôn ngoan và tính dục trong các tôn giáo cổ xưa. Nơi nhiều nền văn hóa, con rắn được gán ghép với mầu nhiệm sự sống và sự chết. Chính vì thế mà Sáng Thế Ký 2 nói có hai cây trồng trong vườn Địa Đàng, một cây ban sự sống và cây kia đem lại sự chết. Con rắn thường xuyên lột da, nói lên sự làm mới thường xuyên hoặc trẻ hóa. Nhiều người sợ con vật này vì nó có nọc độc. Trong Thiên Hùng Ca Gilgamesh, con rắn đã ăn cắp trái cây sự sống để lột da. Các dân tộc lân bang của Israël thờ lạy rắn để cầu xin sự thịnh vượng và sinh sản thêm nhiều, điều này cũng lưu lại nhiều dấu vết trong phụng tự của Israël (cf. Ds 21,4-9; 2 V 18,1-5; Kn 16,5-14). Hai ý nghĩa này cũng hiện diện trong trình thuật vườn Địa Đàng: con rắn hứa mang lại sự hiểu biết (3,5) và sự sống (3,4), nhưng rủi thay chỉ đem lại một sự nhận biết quá thô thiển là biết mình trần truồng (3,7) và sự chết (3,22). Sự đồng hóa con rắn với ma quỷ hay Satan không nằm trong ý của tác giả và chỉ được phát triển sau này trong truyền thống Thánh Kinh (cf. Kn 2,24; Kh 12,9; 20,2).

Lời cuối cùng muốn nói về cuộc đối thoại giữa con rắn và người đàn bà: tại sao là người đàn bà chứ không phải đàn ông? Chúng ta hãy loại trừ mọi giải thích có tính bài phụ nữ như: con rắn nói chuyện với người đàn bà là bởi vì đàn bà tò mò hơn, yếu ớt hơn … hay nhiều chuyện hơn; như thế con rắn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Chính vì thế mà người ta trình bày bà Eva như là người dụ dỗ và làm hư hỏng ông Ađam ngây ngô (cf. Hc 25,24; 1 Tm 2,14). Nhưng rồi các nhà ủng hộ nữ quyền lại phản pháo rằng trong trình thuật vườn Địa Đàng thì người duy nhất có thể nói và suy nghĩ chính là đàn bà, đàn ông chỉ có việc vâng lời bà mà thôi! Thế nhưng lý do thật sự lại rất đơn giản và không gây ra một cuộc bút chiến nào: con rắn là biểu tượng của sự sống và sinh sản. Chính vì thế, thật hợp lý khi con rắn nói với con người là sự sống và sinh sản, cụ thể là người đàn bà.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên Thánh Giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do Thái đi từ núi Horeb về phía Biển Đỏ đi vòng quanh xứ Eđôm. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Môsê: "tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập để rồi chúng tôi phải chết trong hoang địa? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi". Bấy giờ Đức Chúa cho những con rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.


Dân chúng chạy đến ông Môsê, thưa với ông: "chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi". Ông Môsê cầu cho dân. Chúa bảo Môsê: "hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống". Môsê làm một con rắn đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã ghi lại: "như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời."

Gioan dùng câu chuyện này như một loại dụ ngôn để chỉ về Chúa Giêsu. Ông nói: "con rắn bị treo lên, người ta nhìn nó hướng về Chúa, do quyền phép của Chúa, Đấng họ tin cậy thì họ được lành bệnh. Chúa Giêsu cũng phải bị treo lên như thế, để khi loài người hướng về Ngài thì sẽ được sự sống đời đời".

Một điểm gợi ý rất lạ ở đây. Động từ treo lên là hupsoun. Từ này được dùng cho Chúa Giêsu theo hai nghĩa. Một là việc Chúa bị treo lên Thập Giá, và hai là việc Chúa được cất lên để vào vinh hiển lúc Ngài về trời. Nó được dùng chỉ Thập Giá trong Ga 8,28; 12,32, và được dùng chỉ Chúa Giêsu lên trời vinh quang trong Công Vụ 2,33; 5,31; P1 2,9.

Có hai lần Ngài được đưa lên, lần bị đưa lên thập giá và lần được đưa lên vào cõi vinh quang; cả hai liên hệ với nhau không thể tách rời. Điều này không thể xảy ra mà không có điều kia. Với Chúa Giêsu, Thập Giá là con đường tiến đến vinh quang. Nếu Ngài khước từ Thập Giá, tránh né, tìm cách để thoát khỏi đó - là việc Ngài đã có thể làm thật dễ dàng nếu muốn - thì Ngài đã không thể bước vào cõi vinh quang. Với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chọn con đường dễ đi, có thể khước từ Thập Giá mà mỗi Kitô hữu phải vác, nếu thế, chúng ta sẽ mất phần vinh hiển. Đó là một trong những định luật bất di bất dịch của đời sống: không có Thập Giá thì không có triều thiên.[2]

Anh chị em thân mến, đứng trước Thập Giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ của chúng ta sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết.

Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

- Hãy nhìn lên Thập Giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của con người.

- Hãy nhìn lên Thập Giá: đó là một sự ô nhục, nhưng chính sự ô nhục này lại mang lại vinh quang cho chúng ta.

- Hãy nhìn lên Thập Giá; đó là một sự chết chóc, tủi nhục và thương đau, nhưng chính sự chết chóc này lại mang sự sống cho chúng ta.

Đó là Thập Giá của Chúa Kitô, còn Thập Giá của chúng ta như thế nào?

- Đó chính là khi chúng ta bị chống đối và hiểu lầm,

- Đó chính là khi chúng ta bị bỏ rơi và phản bội,

- Đó chính là khi chúng ta bị thất bại và oan ức,

- Đó chính là khi chúng ta bị nhục nhã và cô đơn.

Thập Giá là tất cả những gì chúng ta ước mong mà không đạt được. Thập Giá là tất cả những gì chúng ta không mong muốn mà nó cứ lù lù xông vào cuộc đời chúng ta. Tóm lại, Thập Giá là tất cả những gì xảy đến với chúng ta mà chúng ta không muốn chấp nhận. Chỉ khi nào chấp nhận chúng ta mới có thể đi vào vinh quang với Ngài.

Nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài. Nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Hervé Tremblay O.P. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: Gpquinhon.org

http://giaophanthanhhoa.net/kinh-thanh/bieu-tuong-con-ran-trong-sach-sang-the-ky-21506.html

[2] William Barclay, Tin Mừng theo thánh Gioan, trg.104-105