THẦY ĐẾN ĐỂ ĐEM SỰ CHIA RẼ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 81 | Cật nhập lần cuối: 8/26/2022 8:19:39 PM | RSS

THẦY ĐẾN ĐỂ ĐEM SỰ CHIA RẼ

(Lc 12,49-53)

Đức Giêsu nói : "các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an đến thế gian ư?

không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ”.

Chúng ta cần phải hiểu cho đúng hai chữ hòa bình và chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây. Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5), Đức Giêsu xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng hòa bình (Is 9,tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm: chữ “hòa bình” có nhiều nghĩa: hòa bình kiểu thế gian và hòa bình của Thiên Chúa.

Đức Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hòa bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. (Lc 51-53). Thực tế cho thấy là sứ vụ của Đức Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xẩy ra ngay trong lòng một gia đình.[1] Như khi Ngài giảng dạy về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Lời giảng này làm cho những người tội lỗi tin theo Ngài, nhưng lại khiến những người Biệt Phái chống đối Ngài. Ngài kêu gọi con người đừng bám vào kho tàng của cải đời này, mà tìm kho tàng không hư nát trong Nước Trời. Lời giảng này khích lệ những người nghèo nhưng lại làm cho những người giầu nổi giận ….

Trong Tin Mừng không thiếu gì những lời nói chói tai như thế, nhưng Đức Giêsu cũng cứ nói, vì “thuốc đắng đã tật”.

Tâm lý của con người là như vậy. Mình xuống thấp thì họ nâng mình lên, điều đó thật là tốt! Nhưng mình lên quá cao thì họ lôi mình xuống. Những người đi theo Chúa đều cảm nghiệm được tâm lý này nơi những người thân của mình. Khi ý thức được tiếng Chúa gọi làm chứng cho Ngài, cho chân lý, công lý và tình thương, đồng thời muốn đáp trả ơn gọi ấy một cách quảng đại, can đảm, những người theo Chúa sẽ phải đối phó với chính những người thân yêu nhất của mình. Chính điều này làm cho những những người theo Chúa trở nên đơn độc, và nỗi khổ tâm chủ yếu của người môn đệ Chúa không phải ở chỗ phải hy sinh những điều mà Chúa trực tiếp đòi hỏi cho bằng phải chịu sự bách hại của chính những người thân yêu của mình: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè. Nhiều khi càng là người thân thì lại càng cản trở mình mạnh hơn. Như trường hợp của thánh Perpetua.

Perpetua thuộc gia đình quí tộc, bị bắt vì đạo. Cha nàng là dân ngọai, thuyết phục nàng bỏ đạo. Chỉ vào chiếc bình, nàng lễ phép nói với cha: "thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu”. Tức quá, ông đánh đập nàng tàn nhẫn, rồi bỏ đi nhiều ngày.

Perpetua có một đứa con nhỏ, rất khổ vì phải xa con. Đứa bé kiệt sức nên người ta đưa lại cho mẹ nó, và nàng quên hết đau khổ vì có con bên cạnh. Rồi vì biết con gái mình sắp bị án tử, người cha lại đến với những lời thảm thiết: "con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đến con nhỏ của con nữa, nó sống làm sao nếu không có con. Con hãy bỏ đạo, bỏ đi điều đã làm cho chúng ta mất tất cả”.

Tuy rất cảm động và đau khổ, Perpetua chỉ nghẹn ngào trả lời: "thưa cha, tại tòa án sẽ xảy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình”. Rồi trước tòa án, cùng với các bạn khác, Perpetua đã công khai tuyên bố trung thành với Chúa và bằng lòng hy sinh tất cả.

Mỗi người tin Chúa phải quyết định hoặc yêu mến gia đình hơn hoặc yêu Chúa hơn. Bản chất của Kitô giáo là phải đặt sự trung thành với Chúa lên trên tất cả các sự trung thành khác của thế gian. Người ta phải sẵn sàng coi mọi sự như thua lỗ vì cớ cao trọng tuyệt đối của Chúa Giêsu.

Chúa Kitô đã đem lửa tình yêu để thiêu đốt, thanh luyện những thứ bình an, hiệp nhất giả tạo che đậy những bóng tối tội lỗi, Ngài là con người gây xáo trộn, gây chia rẽ; bởi vì Ngài luôn luôn là ánh sáng chiếu soi vào trong bóng tối. Ngài muốn cho trong lòng mọi người đều bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu nhiệt thành của Ngài để đổi mới, để sống cho cái mới mà Ngài gọi là Nước Trời.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con, dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Carôlô, Hạt giống nảy mầm, Chúa nhật năm C, trg. 141