THAM VỌNG QUYỀN LỰC

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 170 | Cật nhập lần cuối: 10/29/2021 10:55:17 AM | RSS

THAM VỌNG QUYỀN LỰC

(Mc 10,35-45)

Bài Tin Mừng bàn về một chủ đề quan trọng – sự thực thi quyền bính. Nó liên can đến tất cả chúng ta. Nhiều người đã có kinh nghiệm xấu về quyền bính. Người ta tìm kiếm quyền bính vì những lý do khác nhau. Một số người thích có quyền lực đi chung với quyền bính: nó làm cho người ta cảm thấy quan trọng. Những người khác thích uy thế mà nó đem lại. Những người khác nữa thích được trả lương cao. Tất cả những lý do ấy đều có một điểm chung – quyền bính được xem như một cơ hội để thăng tiến bản thân.

Jean Vanier phân biệt hai loại quyền bính: một quyền bính áp đặt, thống trị và điều khiển; và một quyền bính đồng hành, lắng nghe, giải phóng, phân quyền, làm cho người dân tự tin và kêu gọi họ ý thức về những trách nhiệm của mình. Còn có một loại quyền bính thứ ba thinh lặng, yêu thương và ẩn giấu – quyền bính yêu thương nhưng không dùng quyền lực, xây dựng lòng tín thác và đôi khi chờ đợi đêm ngày trong nỗi lo âu. Cha mẹ đôi khi phải chờ đợi suốt đêm trường mong sao đứa con mình lầm đường lạc lối trở về.

Một vài người có tham vọng quyền lực, và sử dụng quyền bính của họ để thống trị những người khác. Đó là một sự lạm dụng quyền bính. Tham vọng quyền lực không mọc rễ trong sức mạnh nhưng trong sự yếu đuối. Chỉ có kẻ yếu mới đo lường giá trị của mình bằng những con người mà họ có thể thống trị. Thực hành quyền bính theo cách này sẽ làm cho người có quyền bị cô lập và lúc đó quyền bính chỉ đem lại điều xấu nhất cho mọi người.

Khi Giacôbê và Gioan xin Đức Giêsu cho họ có chỗ cao nhất trong vương quốc của Người thì họ chỉ nghĩ về mình. Họ không nghĩ đến lòng ganh tị và sự bực bội to lớn mà họ gây ra cho các bạn mình. Rõ ràng họ đã nghĩ đến vương quốc của Người theo kiểu mẫu của các nước ở trần gian trong đó những người ở địa vị cao phải được hưởng danh dự, vinh quang và quyền lực. Nhưng Đức Giêsu nói với họ điều ngược lại. Trong vương quốc của Người, ai lớn nhất phải sẵn sàng phục vụ người khác thay vì chính bản thân mình.

Trước tiên, Đức Giêsu phác họa tiêu chuẩn mà người ta chấp nhận về chính quyền dân sự: sự thống trị với quyền lực của các thủ lãnh trên những thần dân của họ. Nhưng trong cộng đoàn của Người thì không phải như thế. Người coi quyền bính như một cơ hội để phục vụ. Và lúc nào cũng thế, Người lấy chính mình làm gương. Người không làm một chúa tể hống hách trên dân. Người kêu gọi, mời gọi để họ đáp lại. Người muốn hướng dẫn nhưng không muốn điều khiển. Quyền bính của Người phản ánh quyền bính của Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng quyền lực của Người không phải để điều khiển mà để cho phép.

Đó là cách thi hành quyền bính mà Người muốn có trong cộng đoàn của Người. Quyền bính không nên ban cho những người tìm kiếm nó, nhưng chỉ ban cho những người đã chứng tỏ mình sẵn sàng để phục vụ. Những người được giao cho quyền bính trên anh em mình phải cẩn trọng, công bằng, nhân hậu, khôn ngoan, khoan dung và quảng đại.

Để phục vụ, người ta phải sẵn sàng uống chén mà Đức Giêsu đã uống – chén hy sinh và đau khổ. Người ta có thể phục vụ ở bất cứ địa vị nào. Tuy nhiên, những người ở địa vị có quyền bính có vị trí tốt nhất để phục vụ. Chúng ta đang khám phá lại tinh thần này trong Giáo Hội và đây là một điều rất tốt. Quyền bính được sử dụng để phục vụ của người Kitô hữu có thể trở thành một sức mạnh kỳ diệu cho điều thiện hảo.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy