PHẢI TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 84 | Cật nhập lần cuối: 12/10/2022 3:32:49 PM | RSS

PHẢI TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

(Mt 24,37-44)

I.TÀI LỆU GỢI Ý

Mùa vọng là thời điểm dọn mình mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng tại sao Tin Mừng lại nói đến ngày Quang Lâm?

1.Quang Lâm là gì

Quang là ánh sáng, Lâm là đến, ngụ ý: người trên đưa vinh quang đến cho người dưới. Theo văn hóa Hy Lạp, quang lâm (parousia) chỉ sự hiện diện sinh động của vua chúa trong các nghi lễ lớn như phong vương có kèn trống, ca hát, chúc tụng, tiến dâng phẩm vật. Quang Lâm còn chỉ sự thần hiện giáng phúc như xưa ta nói: Thánh Thượng Giáng Lâm.

Theo Cựu Ước, Quang Lâm là ngày của Thiên Chúa, ngày vinh quang đầy ánh sáng huy hoàng đến xua đuổi đêm tối rợn rùng bao phủ dân Ngài. Isaia luôn luôn mô tả hai cảnh tương phản đó: “trời hỡi, đất hỡi hãy lắng nghe Giavê phán: khốn thay nước tội lỗi, dân chất nặng vạ hình nòi giống ác nhân … xứ sở các ngươi một cảnh điêu tàn, thành thị bị lửa thiêu, đất đai bị nước ngoài ngốn hết, cảnh điêu tàn như thời Sôđôma” (Isaia 1, 4… 7). Trước cảnh đen tối khốn cùng đó, Thiên Chúa vẫn đến cứu giúp đem lại vinh phúc cho con người: “từ Sion thánh chỉ ban ra… Người sẽ phân xử cho muôn dân. Họ đúc gươm đao thành cày cuốc, rèn giáo mác nên liềm hái; dân này nước nọ không còn vung kiếm chém nhau và thiên hạ thôi học bài chinh chiến. Hỡi nhà Giacóp ta hãy bước đi trong ánh sáng Nước Trời” (Isaia 2, 3b-5).

Tân Ước diễn tả ngày Quang Lâm đột xuất xẩy đến giữa thời điểm đen tối của con người: “đêm sắp tàn, trời gần sáng” (Rm. 13, 12). Trong sa mạc Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: “hãy hối cải vì Nước Trời đã gần đến …” Sa mạc là cảnh khô cằn nóng như lửa đốt, Đấng Cứu Thế đến sẽ biến sa mạc thành Nước Trời. Nước Trời ví như ngày mùa lúa đầy sân, đầy kho lẫm, hình ảnh này biểu lộ sự vinh quang, hằng sống của Nước Trời.

Về cuối đời ở trần thế, Chúa Giêsu mô tả thời cánh chung có hai cảnh tương phản nhau: một cảnh tận diệt khủng khiếp, lừa gạt, giặc giã, chiến tranh, tội ác đầy ứ, bắt bớ chém giết, mặt trời mặt trăng tối sầm, tinh tú sa xuống. Một cảnh quang lâm như một lễ hội rực rỡ đầy quyền năng, vinh quang của Con người tỏ hiện trên mây trời, ngự trên ngai uy nghi có hết thảy thiên thần hầu cận, thổi loa vang dậy, tập họp muôn dân thiên hạ trước mặt Ngài (Mt. 24, 4-31; 25, 31-46). Như vậy ngày Quang Lâm là ngày chấm dứt thời gian đen tối, mở ra thời đại huy hoàng. Cựu Ước mong chờ một ông Vua Thái Bình, một người Cha muôn thuở. Tân Ước loan báo ngày Thánh Thượng Giáng Lâm chúc phúc cho muôn dân đến muôn đời.

2.Mùa Vọng hội tụ cả hai ý nghĩa Cựu Ước và Tân Ước

Sống tâm tình Cựu Ước, ta đầy tin tưởng vui mừng vì bĩ cực thái lai, đêm qua ngày tới, sau giông tố trời lại sáng, có sa ngã thì có cứu độ, có lưu đầy thì có đất hứa, có Pharaon thì có Maisen, có Ađam thì có Đấng Cứu Thế. Sống tâm tình Tân Ước, ta càng bùng cháy niềm tin yêu dạt dào, tràn đầy niềm vui vì Đấng Cứu Thế đã đến rồi, đêm đông đã chan hòa ánh sáng, đồng hoang đã vang dội tiếng muôn thiên thần mừng hát Đấng đã ban ánh sáng chiếu soi cho muôn dân ngồi trong bóng tối tử thần.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Phải Tỉnh Thức và Sẵn Sàng (Mt 24,37-44)

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức, đừng ngủ vùi trong việc trần thế :

- Chúng ta ngủ vì “những việc làm đen tối”.

- Chúng ta ngủ vì cứ “chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng”.

- Chúng ta ngủ vì chỉ “lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.

- Chúng ta ngủ vì quá nhiều những công việc bận rộn hàng ngày.

Thánh Phaolô cũng nhắc nhở rằng: "đêm sắp tàn, ngày gần đến” và “giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo”, vậy “đây là lúc chúng ta phải thức dậy”.

Phải sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Con Người sẽ tới.

Vào năm 79 trước công nguyên, núi Vésuve bất thình lình phun lửa dữ dội, chôn vùi thành phố Pompei phồn vinh dưới một lớp nham thạch dầy tới 7 mét. Năm 1748, sau 18 thế kỷ, người ta bắt đầu khai quật thành phố xấu số này. Giữa bao dinh thự đổ nát, bao đồ vật ngổn ngang, bao người chết đau đớn hỏang sợ, người ta ngạc nhiên tìm thấy xác của 38 người lính Rôma đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong lúc xẩy ra tại họa khủng khiếp đó. Điều đáng nói là những người lính này đang tuần canh, tay còn cầm gươm, đi trong tư thế thi hành nhiệm vụ mặc dù cái chết kề bên.

"Anh chị em hãy tỉnh thức!"

Giấc ngủ là thói quen của chúng ta. Nó làm chúng ta không ý thức được ngày giờ trôi qua.

Chúa Giêsu mô tả thói quen này như sau: "vào thời Noe, người ta ăn uống, người ta dựng vợ gả chồng ...". Có một người thoát ra khỏi thói quen này đúng lúc, đó là Noe. "Noe bước lên tàu". Còn những người khác vẫn sống "mà không nghi ngờ gì cả, cho đến khi trận lụt nhận chìm họ". Họ quá mải mê với cuộc sống trần thế.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng vậy.

1. Một cuộc sống với những việc đầy ứ phải làm

Một ngày làm việc của chúng tràn ngập không biết bao nhiêu chuyện phải làm, bao nhiêu người phải gặp, bao nhiêu dự án phải thực hiện, bao nhiêu thư phải viết, bao nhiêu cú điện thoại phải trao đổi và bao nhiêu cuộc hẹn phải tôn trọng.

2. Một cuộc sống với những công việc còn dang dở

Chúng ta luôn bị ám ảnh, bị quấy rầy bởi những việc chưa làm xong, những lời hứa chưa giữ, những đề nghị chưa thực hiện. Khi nào cũng có một cái gì đó phải nhớ, phải làm hay phải nói. Luôn luôn còn công việc bỏ dở chưa làm, còn những người chưa kịp nói, chưa kịp gặp và còn một bổn phận nào đó chưa hoàn thành.

3. Một cuộc sống dồn dập những tin tức

Qua các thông tin của báo chí, truyền thanh, truyền hình, họ làm chúng ta sống trong một không khí thường xuyên khẩn cấp. Giọng kích thích của ký giả, khuynh hướng thích đưa những tin giật gân, những tai nạn khủng khiếp, những tội ác tày trời, những cách ứng xử trước tội lỗi. Nói tóm lại, tất cả những khốn cùng của nhân loại được họ cung cấp từng giờ, từng phút, đã từ từ làm cho chúng ta rơi vào trạng thái nơm nớp lo sợ một tai họa như thể sắp xảy ra ngay sát chúng ta.

4. Một cuộc sống tràn ngập những quảng cáo

Tiếp theo làm một loạt những quảng cáo dồn dập được tung ra. Họ nhấn mạnh làm sao để chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ thiếu một điều quan trọng gì đó, nếu chúng ta không đọc quyển sáh này, không mua sản phẩm kia. Các điều này lại càng làm cho chúng ta thêm bối rối, thêm lo lắng trước đủ mọi mặt phức tạp của đời sống cộng thêm những lo lắng đã có sẵn muôn đời còn nằm đó. Xã hội chúng ta bị lệ thuộc vào những lo lắng giả tạo này. Chúng ta luôn bị kẹt trong mạng nhện của những dự kiến giả tạo và những nhu cầu đặt định: những bận rộn và những lo lắng lấp đầy đời sống bên ngoài cũng như bên trong. Một cuộc sống quá bận rộn với những công việc trần thế khiến chúng ta không còn thời giờ để nghĩ đến phần rỗi thiêng liêng của chúng ta, nhưng hậu quả như thế nảo?

Chúng ta hãy nghe câu chuyện trong Sách Sự Sống

Tôi qùi cầu nguyện, nhưng chẳng lâu được; tôi có nhiều việc phải làm. Tôi phải cấp tốc đi làm vì hóa đơn đòi tiền chồng chất. Vì vậy, tôi qùi gối, đọc vội một kinh và nhảy đứng dậy. Thế là việc bổn phận Kitô hữu của tôi đã làm xong.Tâm hồn tôi thanh thản, bình an. Suốt ngày tôi không có thì giờ để buông một lời chào hỏi vui vẻ hoặc nói về Chúa Kitô cho bạn bè vì sợ họ cười nhạo tôi. Tôi luôn miệng la lớn: không có thì giờ, không có thì giờ, nhiều chuyện phải làm quá! Không có thì giờ để lo cho phần rỗi linh hồn, nhưng cuối cùng giờ chết đã đến. Tôi trình diện trước mặt Đức Chúa; Mặt cúi xuống, vì Đức Chúa đang cầm trong tay một quyển sách, Sách Sự Sống.Đức Chúa nhìn vào trong sách và nói: "Ta không tìm thấy tên con, vì có lần Cha dự tính viết tên con, nhưng Ta không có thì giờ”.

Một ít phút để chúng ta suy nghĩ về chính ngày chúng ta phải ra đi. Một ngày mà không bao giờ chúng ta nghĩ tới.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm, ‘Xây Nhà Trên Đá’