CHÚA THÁNH THẦN, NGUỒN SỐNG CỦA GIÁO HỘI
CHÚA THÁNH THẦN, NGUỒN SỐNG CỦA GIÁO HỘI |
Nếu có dịp đọc lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy không có một tổ chức nào kỳ lạ như thế. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Chúa Giêsu đã không tuyển chọn những thành phần ưu tú, có bằng cấp, nhưng chỉ là những ngư phủ thất học, chẳng có một khả năng gì đặc biệt. Đó là một Phêrô tính tình bộc trực, nhưng cũng rất nóng nảy, thiếu kiên quyết; rồi hai anh em Giacôbê và Gioan cũng chẳng hơn gì Phêrô. Chỉ vì một chút sĩ diện, hai ông đã có lần xin Chúa sai lửa từ trời xuống thiêu đốt dân làng Samari vì họ đã không đón tiếp các ông (x. Lc 9, 51-55). Còn các môn đệ khác cũng thế, các ông theo Chúa chỉ vì tư lợi, mong dành cho được chỗ nhất, người nào cũng muốn được làm lớn để thống trị người khác (x. Mt 20, 20-28). Ngay cả hôm nay, chúng ta vẫn còn chứng kiến biết bao nhiêu sự yếu đuối, giới hạn nơi hàng Giáo phẩm và các giáo sĩ. |
Mặt khác, chẳng bao lâu sau đó, người sáng lập lại bị giết treo trên thập giá. Còn nhóm nhỏ các môn đệ thì sợ hãi, bỏ chạy tan tác. Và cứ như thế, liên tục cho đến hôm nay, cách này, cách khác Giáo Hội vẫn tiếp tục bị bắt bớ, bách hại, các tín hữu, người thì bị bắt, kẻ bị giết. Nhưng cho dù liên tục bị bắt bớ Giáo Hội vẫn tồn tại và không ngừng phát triển, không những thế, tất cả mọi người trên thế giới hôm nay, cho dù đó là người tin hay là chống đối, tất cả đều muốn tìm đến với Giáo Hội như nguồn mạch của chân lý. Những điều đó cho thấy, Giáo Hội không phải là một tổ chức, một cơ cấu do con người lập ra, nhưng phát xuất từ nơi Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần chính là nguồn sống của Giáo Hội. |
1. Chúa Thánh Thần, nguồn sống của Giáo Hội: |
Trong kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng: “Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và Đấng ban Sự Sống”. Lời tuyên xưng này của mỗi người chúng ta phản ánh niềm xác tín từ ngàn đời của Giáo Hội về vai trò của Chúa Thánh Thần trong toàn thể vũ trụ. Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí của Thiên Chúa đã bay lượn trên nước vào thuở ban đầu để ban mầm sống cho mọi tạo vật (x. St 1, 2). Chúa Thánh Thần cũng chính là sức sống của Thiên Chúa được thông ban cho con người, khi Ngài thổi hơi để ban sự sống cho con người đầu tiên (x. St 2, 7). Ý thức được sự sống của cả vũ trụ đều phát xuất và tuỳ thuộc ở nơi Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh đã kêu lên: “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành và Ngài canh tân bộ mặt trái đất”. |
Không chỉ là Đấng ban sự sống từ thuở ban đầu, Chúa Thánh Thần còn chính là nguồn sự sống của Giáo Hội hôm nay, sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các các môn đệ đều tề tụu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”. Điều đó, cho thấy ngay từ những ngày đầu, Giáo Hội đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần làm nguồn sống của mình. |
Chính vì thế, mọi hoạt động của Giáo Hội đều phải được làm dưới tác động và sự hướng dẫn của Thánh Thần. Do đó, khởi đầu các hành vi của mình, truyền thống Giáo Hội vẫn có thói quen cầu xin sự trợ giúp của Thánh Thần. Chính Ngài là Đấng điều khiển thật sự mọi hoạt động của Giáo Hội, gìn giữ để Giáo Hội luôn đi theo đường lối của Thiên Chúa. Chắc chúng ta còn nhớ trong Chúa Nhật 6 Phục Sinh vừa qua, chính Thánh Thần đã tác động, hướng dẫn giúp Giáo Hội sơ khai giải quyết các vấn đề nan giải về đức tin trong Giáo Hội. Ý thức rõ điều đó, nên các tông đồ mới tuyên bố: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng…”. Vâng, nếu chỉ dựa vào sức mạnh của con người mà không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ tự bên trong, Giáo Hội chắc chắn sẽ không thể tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. |
Tuy nhiên, sự sống lại là một điều gì đó thật bí ẩn, không ai trong chúng ta một lần nhìn thấy hay nắm bắt được sự sống. Chúng ta chỉ có thể nhận ra sự sống qua các biểu hiện của nó. Và một trong những dấu chỉ rõ ràng, và cụ thể nhất đó là sự tăng trưởng và phát triển. |
2. Truyền giáo, biểu hiện sức sống của Giáo Hội: |
Quy luật của sự sống là sự phát triển. Một vật sống có thể không di chuyển, nhưng không thể không có sự tăng trưởng. Một vật không còn phát triển, vật đó coi như đã chết. Do đó, một Giáo Hội thực sự sống động cũng cần được phát triển. Hay nói cách khác, chính thao thức truyền giáo, và hoạt động truyền giáo chứng tỏ Giáo Hội đang sống (TG 2). Do đó, ngay lần hiện ra đầu tiên với các môn đệ sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Đấng Phục Sinh đã sai các tông đồ mở cửa ra đi rao giảng cho mọi người để làm chứng rằng Ngài đã thực sự sống lại và đang sống giữa các ông. Đồng thời, cũng chính nhờ sự rao giảng của mình, các tông đồ có thể minh chứng cho mọi người biết về sự sống mới mà các ông vừa được lãnh nhận từ nơi Đấng Phục Sinh. |
Mặt khác, cùng với với lệnh truyền sai đi, Chúa Giêsu Phục Sinh còn phán với các tông đồ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như thế, sự sống mới mà các tông đồ lãnh nhận từ nơi Đấng Phục Sinh chính là sự sống mới bởi Chúa Thánh Thần. Từ đây, mặc dù vẫn còn mang thân xác yếu đuối, nhưng bên trong, các tông đồ đang có một nguồn sức sống mới nâng đỡ các ông, đó là sức sống của Chúa Thánh Thần, như lời của thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galata: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi” (Ga 2, 20). |
Đồng thời, do cùng nhận chung một sức sống của Thánh Thần, nên Giáo Hội tuy nhiều người, các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội có đa dạng, phong phú đến đâu thì cũng chỉ là một. Xác tín điều đó, thánh Phaolô đã nói với các tín hữu thành Côrinhtô: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần… Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”. Chính sự hiệp nhất trong đa dạng đó cũng là một trong những dấu chỉ giúp cho mọi người nhận ra được sức sống của Thánh Thần trong Giáo Hội. Và cũng chính nhờ sự hiệp nhất đó, công việc truyền giáo của Giáo Hội mới thực sự đem lại hiệu quả. |
Nhận được sức sống của Thánh Thần, mỗi người chúng ta đây cũng cần phải đổi mới cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không được phép sống thụ động, khép kín nơi chính mình, nhưng cần mở ra để đến với anh chị em và dẫn đưa họ về với Thiên Chúa. Chúng ta dẫn đưa anh chị em đến với Chúa không phải bằng lời nói, nhưng bằng chính đời sống cụ thể hàng ngày của chúng ta. Chính đời sống hiệp nhất yêu thương trong từng gia đình, và cả cộng đoàn Giáo xứ chúng ta sẽ là một dấu chứng cho mọi người tin rằng Chúa Giêsu, Chúa chúng ta tuy đã chết, nhưng quả thật cũng đang sống. Và giờ đây, sức sống của Ngài đang hoạt động mạnh mẽ ở trong cộng đoàn của chúng ta. Amen. |
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn |