CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 17 | Cật nhập lần cuối: 3/2/2024 2:55:20 PM | RSS

CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

(Mc 1,12-15)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Những điểm cần lưu ý

Từng bước Matthêu thuật lại truyện Chúa. Đầu tiên kể việc Chúa sinh ra, tiếp đến ngầm ý nói về 30 năm thầm lặng chu toan bổn phận nhỏ trong gia đình trước khi thi hành sứ vụ ngoài đời. Chu toàn bổn phận nhỏ trong gia đình trước khi thực thi sứ vụ lớn nhất Thiên Chúa trao trên thế giới. Sau đó Matthêu cho biết Gioan Tiền Hô xuất hiện là dấu Chúa phải ra khơi, cho biết Chúa hòa đồng với dân đang tìm kiếm Thiên Chúa. Lúc đó Chúa biết mình thực sự được Thiên Chúa chọn để mang lại chiến thắng, nhưng chiến thắng trên Thập Giá. Bất cứ ai có thị kiến, lập tức người ấy gặp vấn đề là làm sao biến thị kiến thành hiện thực. Làm người đó phải chạy đến cầu xin Thiên Chúa. Phương pháp nào, cách thức nào, làm sao? Dùng sức mạnh súng ống, hay hy sinh, kiên nhẫn, yêu thương?... đó là những cám dỗ Chúa sẽ gặp.[1]

1.1.Từ "cám dỗ"

Đầu tiên phải cẩn thận lưu ý: cám dỗ, to tempt Anh Ngữ, có nghĩa xấu là xúi dục phạm tội, cố thuyết phục người ta làm điều sai; còn peirzein Hy Ngữ lại không có nghĩa đó, mà chỉ có nghĩa là thử (to test). Kinh Thánh dùng nhiều lần danh từ, động từ thử này. Thử ở đây không có nghĩa là xúi dục làm điều xấu, cố thuyết phục người làm điều sai, mà chỉ là để xem có lòng tin, cậy, mến, có mến Chúa, yêu người, khiêm nhu nhẫn nhục... như lửa thử vàng, gian nan thử đức... với ý nghĩa này Thiên Chúa thử ông Abraham (St 22:1). Chúa Giêsu lên sa mạc để chịu thử (Mt 4:1-11; Mc:12-13; Lc 4:1-13).[2]

1.2.Sa mạc hay hoang địa nằm giữa Giêrusalem và Biển Chết

Cựu Ước gọi đó là Jeshimmon nghĩa là Devastation, nơi hoang địa dài 35 dặm rộng 15 dặm. George Adam Smith qua nơi này ghi lại: đó là bãi cát vàng, đá đen lổm chổm, lác đác những tấm ngói; đó là bãi đất vặn vẹo với những dãy khe suối tứ phía, cao dốc chóng mặt. Vặn vẹo, cao dốc, hang suối... khiến đất như thường phát ra tiếng sôi ầm ầm... đó là nơi Gioan Tiền Hô đã sống? Và đó là nơi Chúa ăn chay 40 ngày và bị cám dỗ. Chúng ta thường bị sai lầm chỉ vì không thử sống một mình bao giờ. Có những việc người ta phải làm một mình. Có những việc chúng ta cần bàn luận, cần lời khuyên; có những lúc chúng ta phải suy nghĩ một mình; có những việc, những lúc chúng ta cần một mình với Thiên Chúa.

2.Chúa Giêsu bị cám dỗ

2.1.Cả ba Tin Mừng Matthêu, Maccô và Luca đều nói: ngay sau khi chịu Phép Rửa, Chúa được đưa vào sa mạc để chịu thử thách (Mc 1:12)

Êlia xưa cũng một mình trên núi Cácmen chịu thử thách (1V 18:17-40). Trước kia Êlia can đảm mà sau bị đe dọa, ông lại sợ (1V 19:3). Hình như luật của đời sống là sau khi nghị lực con người lên tới chóp đỉnh thì nghị lực đó lại rớt xuống thê thảm. Ma quỉ chờ sau khi Chúa ăn chay 40 ngày. Nên ta cũng phải đề phòng sức mạnh của mình.[3]

2.2.Đừng nghĩ Chúa chỉ bị thử thách bề ngoài, mà phải nghĩ Chúa đã bị thử thách tận bên trong

Đừng nghĩ Chúa chỉ bị thử thách bề ngoài, mà phải nghĩ Chúa đã bị thử thách tận bên trong, linh hồn; vì không có núi nào cao đến nỗi từ đó nhìn thấy khắp thế gian. Đó cũng là những cám dỗ chúng ta phải chịu, là những ước vọng, ham muốn, lý trí, tưởng tượng. Cám dỗ thực đến nỗi như xem thấy ma quỉ. Những vết mực trên tường phòng Luthero ở ngày xưa là một bằng chứng. Truyện cho rằng Luthero bị cám dỗ như trông thấy quỉ hiện hình trên tường, nên lấy lọ mực ném vào.[4]

2.3.Đừng nghĩ quỉ chỉ cám dỗ Chúa một lần ở sa mạc và không bao giờ cám dỗ Chúa nữa

Không. Chúa còn bị cám dỗ trông thấy, khi tại Xêdarêa Philipphê, quỉ dùng Phêrô can ngăn Chúa đừng chịu khổ hình (Mt 16:23). Chúa bảo Người hằng bị thử thách, thử thách là gì nếu không phải là cám dỗ “anh em vẫn ở với Thầy trong những cuộc thử thách” (Lc 22:28). Tại vườn Cây Dầu Chúa vẫn bị thử thách (Lc 22:42-44). Chúng ta theo Chúa, cũng đừng mong không bị cám dỗ, hay chỉ bị ít lâu... không, vẫn phải bị cám dỗ cho đến hơi thở cuối cùng. “Tỉnh thức đời đời là giá của tự do”. [5]

2.4.Cũng nên nhớ cám dỗ thường tới qua những năng khiếu riêng

Sanday diễn tả cám dỗ là ‘Ta sẽ làm gì với những quyền lực siêu nhiên’. Những cám dỗ đến với Chúa Giêsu chỉ có thể đến với những ai biết có những điều lạ lùng mình có thể làm được. Phải luôn luôn nhớ rằng ta thường bị cám dỗ qua những năng khiếu của ta: người duyên dáng, người khéo ăn khéo nói, tài giỏi, khôn ngoan ‘chữ tài gần với chữ tai một vần’...[6]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Cám Dỗ va Thử Thách (Mc 1,12-15)

Ma quỷ là loại cám dỗ xảo quyệt nhất. Thánh Thomas cho biết: “ma quỷ rất tinh ranh khi cám dỗ chúng ta. Nó hành động như một vị tướng tài ba khi sắp tấn công một thành kiên cố. Nó tìm các nơi yếu thế để tấn công, nên ma quỷ cũng tấn công chúng ta vào chỗ nào yếu nhất. Nó cám dỗ những tội nào chúng ta dễ phạm nhất… xem ra nó không “gợi ý” điều gì xấu, nhưng là điều có vẻ rất tốt lành. Nó làm cho chúng ta không hướng tới mục đích chính, và điều đó sẽ dễ dụ dỗ chúng ta phạm tội, nó chuyển hướng chúng ta một cách rất tinh vi”.

Có câu chuyện kể rằng: "sau khi bị Thiên Chúa trừng phạt, tướng quỷ Luxiphe rất tức giận, lửa căm thù sôi sục trong lòng hắn nên đã tìm cách để cám dỗ các tín hữu. Một hôm, hắn cho rằng phải lấy vợ gấp để có nhiều con gái gả cho loài người, nhờ đó sẽ kéo nhiều người xuống hỏa ngục.

Luxiphe kiếm được cô nàng Bất Chính và lấy làm vợ. Rồi họ sinh được bảy cô con gái.

- cô thứ nhất tên là Kiêu Ngạo được gả cho những nhà cầm quyền,

- cô thứ hai tên là Hà Tiện được gả cho những người giàu có,

- cô thứ ba tên là Giả Dối được gả cho những người nghèo khó,

- cô thứ tư tên là Ghen Tương được gả cho những nghệ sĩ,

- cô thứ năm tên là Giả Hình được hắn đặt vào các cộng đoàn tu trì,

- cô thứ sáu tên là Háo Danh được hắn cho làm bạn với các phụ nữ,

- cô thứ bảy tên là Dâm Ô nhưng không được gả cho người nào vì hắn muốn cô này sẵn sàng ở với tất cả mọi người.

Mỗi ông chồng đều thích thú với cô vợ của mình, và họ cũng biết mình có họ hàng bà con với các chị em khác. Luxiphe khôn khéo như thế đó! Luxiphe đã chống lại Thiên Chúa và nó cũng đang cám dỗ chúng ta chống lại Thiên Chúa. Nó rất khôn ngoan và xảo quyệt, nên với các mưu chước của Luxiphe, chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây:

1.Tránh cho xa

Có một người giầu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi tìm một người tài xế chở bà mẹ già đi dạo mát mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó.
Người nhà giầu nói: "tôi không muốn có một tai nạn nào xẩy ra trong khi các ông đưa mẹ tôi đi dạo mát. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát bên vực thẳm bao nhiêu mà không bị rơi xuống”.
- Người tài xế thứ nhất tự nhủ: "cái đó thì dễ ợt". Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống đường, cách vực thẳm một tấc.
- Người thứ hai thầm bảo: "mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc". Ông này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách vực thẳm có nửa tấc.
- Trong khi đó, người thứ ba chậm rãi lái cách vực thẳm những một mét.
Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người nhà giầu lại nói với bác tài xế thứ ba: "tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái quá sát vực thẳm vì sẽ dễ bị cám dỗ lôi cuốn”.
2. Khi gặp cơn cám dỗ, hãy chống trả ngay

Chúng ta phải đặc biệt cảnh giác chống lại với những cám dỗ lúc ban đầu, vì kẻ thù dễ bị khuất phục hơn nếu nó bị khước từ không cho vào tâm trí và khi gõ cửa nó đã bị chặn ngay từ ngưỡng cửa. Quả thế phải chống trả ngay từ đầu, vì sự trì trệ sẽ khiến qủy thần thêm mạnh mẽ.” Lúc đầu, chỉ một ý nghĩ trong đầu, sau đó sự tưởng tượng mạnh mẽ, tiếp theo là khoái lạc, vui sướng xấu xa, và thỏa thuận. Do đó, vì nó không bị chống trả ngay từ đầu, Satan ra vào tự do. Và càng chậm trễ chống trả, chúng ta càng yếu sức trong khi kẻ thù lại càng tăng sức mạnh.

3. Ba cấp của cơn cám dỗ

Cấp thứ nhất là gợi ý: chỉ mới có gợi ý thôi, nên chưa có tội phúc gì cả.

Cấp thứ hai là vui thích: lâu hay mau, tuy chưa bằng lòng hoàn toàn, nhưng đã có sự vui thích và ý tưởng đã xâm nhập vào tâm trí, nên phần nào đã có tội.

Cấp thứ ba là ưng thuận hoàn toàn: khi cám dỗ tiến tới cấp độ này thì luôn luôn có tội, vì cám dỗ đã đi tới phần sâu thẳm nhất của linh hồn.

4.Lợi ích của Cám Dỗ

"Cám Dỗ" trong tiếng Anh là to Tempt, tiếng Hy Lạp là Peirazein. Trong tiếng Anh luôn luôn có nghĩa xấu, là dỗ dành, dụ dỗ người ta làm điều xấu. Trái lại trong tiếng Hy Lạp Peirazein chỉ có nghĩa là thử thách (to test), do đó, chúng ta không nên quá lo lắng khi bị cám dỗ.

Cám dỗ cũng có thể đưa chúng ta tới sự sống nếu ta không sa ngã, nghĩa là ta thắng được cám dỗ. Hơn nữa đây còn là dịp để chúng ta tỏ lòng trung thành với Chúa. Khi bị cám dỗ, ai chọn cái xấu tức là sa ngã đầu hàng cám dỗ, còn ai cương quyết chọn cái tốt tức là chiến thắng, khi đó cám dỗ chẳng những không làm hại được người đó mà càng làm cho người đó thêm công nghiệp. Do đó, chúng ta không nên thất vọng khi bị cám dỗ, nhưng hãy mau mắn cầu xin Chúa để Người trợ giúp chúng ta.

Chúng ta hãy khiêm tốn phó thác nơi Chúa trong mọi cơn thử thách và cám dỗ vì Người sẽ gìn giữ và nâng đỡ những ai biết khiêm tốn. Như vậy, sự tiến bộ của một người được đo lường bằng những cám dỗ và thử thách, vì đó là cơ hội để lập công và tu tập nhân đức. Khi không gặp khó khăn, người ta ít hăng say và đạo đức, nhưng khi gặp nghịch cảnh, nếu kiên nhẫn chịu đựng, họ sẽ tiến bước mạnh mẽ trên con đường theo Chúa.

Tôi xin kể một số điều cần biết có liên quan đến cơn cám dỗ nhờ đó chúng ta sẽ cảnh giác trước những cám dỗ của Satan. Tuy nhiên còn một điều tối quan trọng là mỗi khi lâm cơn cám dỗ, chúng ta phải chạy ngay đến với Chúa Giêsu, chính Người cũng đã bị ma quỉ cám dỗ nhưng Người đã chiến thắng vẻ vang. Chúa đã chiến thắng vẻ vang, chắc chắn Chúa cũng giúp chúng ta chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.119

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.120

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg. 120

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.121

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển hai, tập một, trg.121

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển hai, tập một, trg.121