ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY NHƯ LÀ BÍ TÍCH

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 793 | Cật nhập lần cuối: 11/14/2017 10:23:28 AM | RSS

ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY NHƯ LÀ BÍ TÍCH

Đối với người Ki-tô hữu, điều tối hậu trong cuộc sống là mọi sự trong thế gian này đều thiêng liêng, đặc biệt về mặt thể lý, chúng là chất liệu tiềm tàng cho các bí tích. Đức tin của chúng ta thể hiện vinh quang Thiên Chúa, mỗi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, xác thân chúng ta là đền thờ của Thần Khí, thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày đều mang tính bí tích, qua lao động, qua đời sống gối chăn chúng ta dự phần vào công cuộc tạo dựng với Thiên Chúa.

Đây là đức tin đặc biệt, nó khác với hầu hết các tôn giáo khác, chủ đích các tôn giáo khác là làm cho tín hữu thoát khỏi xác thân và trần gian. Nhưng trong Ki-tô giáo “Ngôi Lời nhập thể”, Thiên Chúa nhập thể và vì thế mọi sự có tính thể lý đều tiềm tàng bí tích tính. Điều cần chú ý trong Kinh Thánh, ở dòng độc đáo nói về việc Thiên Chúa nhập thể không phải đơn giản chỉ nói Thiên Chúa trở thành một con người bằng xương bằng thịt. Nó còn nói hơn thế: “Thiên Chúa trở thành xác thịt”, mang tính thể lý và trần gian. Vì vậy một cách tiềm tàng, mọi sự thuộc về thể lý đều là bí tích.

Tuy nhiên chúng ta lại đấu tranh chống lại chuyện này. Đời sống hằng ngày chúng ta thường bị sao nhãng, nhỏ nhen, tập trung vào những chuyện gần như không có tính cách thiêng liêng, nơi mà ý tưởng mọi sự là bí tích thì chúng lại xuất hiện dưới dạng như một thèm muốn hơn là có tính thần học. Không phải lúc nào thế gian cũng thể hiện vinh quang Thiên Chúa, đôi khi những việc chúng ta làm với thân xác mình khiến chúng ta tự hỏi liệu mình đã thật sự là đền thờ của Thần Khí, cách ăn uống thiếu ý nghĩa của chúng ta không nói lên được tính cách bí tích, ngôn ngữ chúng ta nói về việc làm, tính dục, và đời sống chung chung hiếm khi nói lên được sự kiện chúng ta là người đồng sáng tạo với Thiên Chúa.

Tại sao? Tại sao chúng ta không thường xuyên thức tỉnh hơn với sự kiện chúng ta đang hiện diện trên mặt đất thiêng liêng và tại sao những hoạt động hằng ngày của chúng ta lại trở nên nặng nề với bí tích như vậy?

Có nhiều lý do, nhưng hầu hết đều bắt nguồn từ sự kiện chúng ta là con người, rằng cuộc đời kéo dài, và giữ vững các biểu tượng, ngôn ngữ, lý tưởng cao quý trong tình trạng nhếch nhác đời sống hằng ngày thì thật là khó. Ăn uống, làm việc, đời sống gối chăn đáng lý là những việc làm nên mang tính thiêng liêng, nhưng thường thường chúng ta làm những việc này chỉ để duy trì sự sống hơn là đang lãnh nhận các bí tích và “getting by” chỉ là một biểu tượng cao quý cũng giống như chúng ta họp nhau ngày cuối tuần. Tôi rất thông cảm chuyện này. Từng ngày, từng giờ, sống với bí tích trong từng sinh hoạt thường ngày của cuộc sống là một chuyện không dễ dàng chút nào.

Nhưng có một lý do khác giải thích tại sao chúng ta đánh mất nhiều ý nghĩa của bí tích trong đời sống hằng ngày, đó là vì chúng ta ít cầu nguyện và các sinh hoạt thiếu tính cách tập tục. Chúng ta ít ứng dụng cầu nguyện và tập tục để nối kết các hoạt động của chúng ta – ăn uống, làm việc, giao du, ân ái, sáng tạo – với nguồn gốc thiêng liêng của chúng. Chẳng hạn:

Người da đỏ vùng Osage, họ có một tập tục khi em bé chào đời, trước khi đứa bé bú giọt sữa mẹ đầu tiên, có một nhân vật thiêng liêng, người “nói chuyện với thần linh” được đưa vào phòng. Vị này sẽ kể cho em bé câu chuyện tạo dựng trời đất và các loài động vật trên cạn. Nghe câu chuyện xong em bé mới được cho bú. Ít lâu sau, khi em bé đến tuổi uống nước, cũng nhân vật này được mời đến để kể câu chuyện về tạo dựng và nguồn gốc thiêng liêng của nước. Nghe câu chuyện xong, em bé mới được uống nước. Sau đó, khi em bé ăn được thức ăn cứng, nhân vật “hay nói chuyện với thần linh” được mời đến một lần nữa và lần này, kể cho em nghe câu chuyện về nguồn gốc của ngũ cốc và các loại thực phẩm khác. Chủ đích của việc dạy dỗ này là giúp cho em bé nhận biết ăn không chỉ là một hành động có tính cách thể lý, mà còn là một hành động mang tính thiêng liêng.

Bố mẹ tôi và thế hệ của bố mẹ cũng thực hành điều này theo cách của họ: Đồng ruộng, nơi làm việc, phòng ngủ đều được làm phép, họ cầu nguyện trước và sau mỗi bữa ăn, và có khi họ còn ngỏ lời cầu hôn trong nhà thờ. Đó là cách họ kể câu chuyện về nguồn gốc của nước trước khi uống nước.

Ngày nay, có vẻ như chúng ta đã mất đi cách kể chuyện thần thoại của người da đỏ Osage và cách mộ đạo của thế hệ bố mẹ tôi. Chúng ta sống, ăn uống, làm việc, và ân ái không gắn liền với những biểu tượng cao quý này nữa. Đại thể, chúng ta không còn nối kết thực phẩm với nguồn gốc thiêng liêng của nó, không còn xem việc làm của chúng ta như hành động dự phần vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, không còn làm phép phòng làm việc, phòng họp, và lần lữa mãi với ý nghĩ làm phép phòng ngủ, nơi chốn của đời sống gối chăn.

Chúng ta càng ngày càng nghèo đi vì những điều như thế, không chỉ về mặt tín ngưỡng, mà còn về mặt nhân bản. Khi hoạt động hằng ngày không còn mang tính bí tích, chúng sẽ sớm trở nên hời hợt và một cách thiếu ý thức chúng ta bù đắp cho sự nghèo nàn đó bằng cách gia tăng lượng.

Tôi không chắc liệu chúng ta có nên theo tất cả chuyện này không – theo tập tục huyền thoại hay theo lòng mộ đạo của thế hệ cũ – nhưng nếu chúng ta không thấy việc cầu nguyện hay các tập tục nối kết hành vi ăn uống, làm việc, gối chăn của chúng ta với nguồn gốc thiêng liêng của chúng, thì khi đó cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chẳng có gì đặc biệt, cuộc sống hằng ngày vẫn chỉ là cuộc sống nhếch nhác như con ốc sên ì ạch đi trên mặt đất.

Ronald Rolheiser

Theo Phanxicovn