​LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN (P1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1055 | Cật nhập lần cuối: 11/7/2017 2:54:36 PM | RSS

Những chữ viết tắt

AA : Apostolicam Actuositatem

: (Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân)

GS : Gaudium et Spes

: (Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay)

LG : Lumen Gentium

: (Hiến chế tín lý về Giáo Hội)

************oOo**************

I. QUA LINH ĐẠO KITÔ GIÁO XÂY DỰNG MỘT NỀN LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN.

1.Linh Đạo Kitô Giáo.

Linh Đạo Kitô Giáo là sự diễn tả kinh nghiệm của một con người về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, trong một lối sống, cầu nguyện và làm tông đồ riêng. Nó là con đường theo Đức Giêsu Kitô với những hình thức từ bỏ riêng. Vì thế Linh Đạo Kitô Giáo chứa đựng nhiều yếu tố: Kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, một lối cầu nguyện và làm tông đồ theo cách thức riêng, luôn vâng phục Chúa Thánh Thần, từ bỏ và khổ hạnh, được trình bày theo tư cách một môn đệ, hợp với tính khí, cá tính và khát vọng thiêng liêng của họ. Tất cả những điều này dẫn đưa đến sự trưởng thành và thánh thiện của Kitô giáo. Đây là điều mà công đồng Vaticanô II nói về Linh Đạo Kitô Giáo:”Mỗi người không được do dự đáp lại ân huệ và bổn phận với một đức tin sống động, nó sẽ làm phát sinh niềm hy vọng và việc làm qua bác ái [LG41].Vì thế linh đạo của Kitô giáo không gì khác hơn là đời sống của một Kitô hữu đã kinh qua và đã sống trong một lối sống riêng. Theo nghĩa này, người ta có thể nói về nhiều linh đạo khác nhau của Kitô giáo, nhấn mạnh đến những khía cạnh con người của Đức Giêsu Kitô và mầu nhiệm của Thiên Chúa.[1]

2. Xây dựng một nền linh đạo cho giáo dân.

Qua sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân [Apostolicam Actuositatem] chúng ta thấy đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Đồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho sự xác định lại sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Giáo Hội chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của giáo dân trong Giáo Hội. Bởi, Giáo Hội được thiết lập vì các tín hữu là con cái mình; và ngay từ ban đầu thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân không những là đối tượng cho hoạt động của các Tông Đồ, mà còn là những cộng tác viên đắc lực của các ngài. Và như phần mở đầu của sắc lệnh có nhắc đến, những hoạt động tông đồ giáo dân xuất hiện tự nhiên từ giai đoạn đầu của Giáo Hội và đem lại những kết quả phong phú. Rồi qua dòng lịch sử, chúng ta thấy có nhiều tu hội và hiệp hội tông đồ phát sinh do cảm hứng của giáo dân hay do họ điều khiển.

Tuy nhiên phải công nhận rằng cho tới Vaticanô II [1965] địa vị của người giáo dân vẫn chỉ được xem như một ngoại lệ do ân sủng đặc biệt hay riêng tư nào đó; và như vậy sự có mặt của họ chưa bao giờ được nhìn nhận như một phạm trù riêng biệt. Hơn nữa, với ý niệm hầu như hoàn toàn tiêu cực, hình như Giáo Luật đã không quan tâm tới việc đề cao và công nhận giá trị của người giáo dân.

Đàng khác, tình trạng của giáo dân luôn lệ thuộc vào hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ. Chúng ta có thể nói rằng quan niệm thế quyền từ nhiều thế kỷ về dây liên lạc giữa chính quyền với công dân được đưa áp dụng vào trong Giáo Hội khi quyết định mối tương quan giữa Giáo Sĩ và Giáo Dân. Lại nữa trong số các hình ảnh dùng diễn tả bản tính Giáo Hội, hình như người ta vẫn còn giữ lại hình ảnh có chiều hướng Trung Cổ: mục tử và đoàn chiên. Quyền bính và trách nhiệm hướng dẫn là việc của mục tử; đoàn chiên giáo dân chỉ việc vâng theo những chỉ dẫn của chủ chăn.

Công Đồng Vaticanô II đã nỗ lực xét lại toàn bộ quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa Giáo Hội và các tín hữu. Và Công Đồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người.

Người giáo dân sống trong thế giới và những thực tại trần thế, nên ơn gọi của họ là thánh hóa những gì là trần tục. Chính ơn gọi này với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người sẽ định hướng cho đời sống giáo dân của họ, bởi thế, đời sống đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, do những yếu tố của những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp, và xã hội, họ sẽ tạo cho mình một khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống của mình.[2]

II. ƠN GỌI VÀ NHIỆM VỤ CỦA GIÁO DÂN.

3. Ơn gọi của giáo dân.

Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ Phép Rửa Tội đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của tất cả các Kitô hữu trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình [LG 31].

Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu rõ rệt của họ vẫn là tác vụ thánh. Phần tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và sắp xếp chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ gia đình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là bằng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho người khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và sắp đặt những thực tại trần thế có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ [LG 31] và giáo dân cũng được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, “tùy theo độ ân sủng Chúa Kitô ban cho” [Eph 4,7] [LG 33].

4. Giáo dân phải ý thức nhiệm vụ cao cả của mình đối với Thiên Chúa và Giáo Hội.

Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tỏa tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức họ và tùy nhu cầu của thời đại [LG 33]. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô tận, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải quan tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội không thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác. Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân ngày hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội [AA 1].

5. Bổn phận của giáo dân đối với thực tại trần thế.

Công Đồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực và trung thành chu toàn những bổn phận trần thế của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế nhưng phải kiếm tìm một quê hương mai hậu, mà lại tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian, như thế là không nhận thấy chính xác đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng tự và một số bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước, các Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo và trong Tân Ước chính Đức Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề. Vậy, không được tạo ra những đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội với đời sống tôn giáo. Đối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của họ bị đe dọa.

Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân và tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo Hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình…Người giáo dân có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Không những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đồng nhân loại [GS 43]. (Còn tiếp)

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Neno Contran, Missionary Spirituality, Following Christ in Mission, p.132

[2] A. Palacios S.J, lơi giới thiệu dẫn vào sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân tr. 472-474