LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN (P.3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1457 | Cật nhập lần cuối: 11/7/2017 2:56:01 PM | RSS

V. CÁC ĐƯỜNG LỐI HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

18. Hai hình thức làm việc tông đồ: Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hiệp hội [AA 1].

19. Sống chứng nhân.

Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo [Jn 4,14]. Đó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không có thể thay thế việc đó được.

Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.

Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sinh động thế gian trong Chúa Kitô. Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người [AA 16].

20. Sống bác ái huynh đệ trong tinh thần đức tin.

Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình , ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc [AA 13]

21. Rao giảng Lời Chúa trong môi trường của mình.

Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, mà họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ [AA 13]. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa [AA 16]. Vì thế, giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một số phận vụ thánh tùy khả năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển Nước Chúa Kitô trên trần gian. Vì vậy giáo dân phải chú tâm tìm hiểu sâu xa hơn chân lý mặc khải và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình [LG 35].

22. Làm thấm nhuần tinh thần Phúc Âm vào thực tại trần thế.

Các tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng, và cùng đích của chúng ta là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của Đấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và tự do của Kitô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo Hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn [LG 36]

23. Đấu tranh chống lại sự ác.

Khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn cản chúng. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người. Và nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Chúa, và nhiều cửa được mở rộng thêm hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian [LG 36]

24. Lương tâm Kitô giáo hướng dẫn mọi tín hữu trong cuộc sống trần thế.

Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới hôm nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu phải công nhận rằng xã hội trần gian, vì lo lắng việc trần thế cách hợp pháp nên có quyền điều hành theo những qui tắc riêng biệt, thì cũng phải loại bỏ cách chính đáng tà thuyết chủ trương xây dựng xã hội bất cần đạo lý …[LG 36]

25. Một nhiệm vụ không ai thay thế được.

Hơn nữa, là những người công dân trong thế giới này, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội, và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa [AA 16], bằng cách cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó họ lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương [AA 13]

26. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong những hoàn cảnh khó khăn.

Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm trọng. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể. Thánh Công Đồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công Đồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ [AA 17]

27. Cố gắng qui tụ thành nhóm nhỏ để khích lệ nhau.

Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền người công giáo ít ỏi và tản mác. Ở những nơi đó, giáo dân chỉ hoạt động tông đồ từng người hoặc vì những lý do nói trên hoặc vì những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp. Nên để dễ dàng gặp gỡ nhau, họ hợp lại thành từng tổ nhỏ không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình thương. Như thế, trong khi giúp nhau trên bình diện thiêng liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh sức để thắng lướt những khó khăn của cuộc sống và sự hoạt động quá lẻ loi cũng như để việc tông đồ đạt được kết quả phong phú hơn [AA 17].

28. Một Kitô hữu đích thực.

Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sống lại của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng [Gal 5,22] và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là những người có phúc [Mt 5, 3-9]. Tóm lại “người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống” [LG 38]. (Còn tiếp)

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy