LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN (P.2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 838 | Cật nhập lần cuối: 11/7/2017 3:01:52 PM | RSS

III.NỀN TẢNG ƠN GỌI CỦA GIÁO DÂN.

Giáo dân là người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, trở thành Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ [LG 31].

6. Tham dự vào chức vụ tư tế của Đức Kitô.

Chúa Giêsu Kitô, là Thượng Tế vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.

Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng tự thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa kết trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy mọi hoạt động, kinh nguyện và công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô [1Pet 2,5], được thành kính dâng lên Chúa cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành Phép Thánh Thể. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi [LG 34]. Nếu không có nhận thức đúng đắn về chức tư tế phổ quát, người giáo dân khó có thể đào sâu linh đạo đặc thù của mình. Chúng ta nêu tính cách này ra không phải vì nó là độc quyền của linh đạo giáo dân nhưng bởi vì nó thường bị lãng quên hoặc thường không được ta quan tâm. Với tư cách là người tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô qua bí tích Thánh Tẩy, trong đời sống thường ngày của mình, người giáo dân cần phải lưu tâm đến vai trò trung gian đặc biệt của mình, chuyển cầu tế lễ [bàn giấy của ta là bàn thờ], đền tội, ngợi khen, nâng đỡ, giao hòa, bằng cách hiệp nhất với hàng giáo sĩ và với toàn thể Giáo Hội.[1]

7.Tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô.

Chúa Kitô, vị ngôn sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố vương quốc của Chúa Cha; Người chu toàn sứ vụ tiên tri, cho đến lúc vinh hiển Người được biểu lộ trọn vẹn; Người chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy nhưng cũng nhờ giáo dân; sở dĩ Người đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ nữa [Cv 2, 17-18; Kh 19,10] là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại [Eph 5,16; Col 4,5] và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến [Rm 8,25], họ sẽ tỏ ra là con cái của lời hứa; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên dấu kín, trái lại họ phải biểu lộ qua cuộc sống trần thế, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại “bá chủ của thế gian tăm tối và tà thần” [Eph 6,12].

Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới đất mới thế nào [Kh 21,1] thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế [Dth 11,1], nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Am đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần thế [LG 35].

8.Tham dự vào chức vụ vương giả của Đức Kitô.

Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh [Ph 2,8-9], và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều qui phục Người, cho đến khi Người cùng mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi người [1Cr 15,27-28]. Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng đời sống từ bỏ và thánh thiện [Rm 6,12], hơn nữa để, khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến Đức Vua, Đấng mà phụng sự Người là thống trị. Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình; trong nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa [Rm 8,21]. Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người truyền cho các môn đệ thật lớn lao: “Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa” [1Cr 3,23] [LG 36].

IV.CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA GIÁO DÂN TRONG THỰC TẠI TRẦN THẾ.

9. Sống mật thiết với Chúa Kitô.

Nguồn mạch và nguyên nhân việc tông đồ của Giáo Hội: thánh hóa đời sống gia đình; thánh hóa những lo âu trần thế hay phàm tục. Mọi sự đều có giá trị riêng của nó và đời sống đạo đức của giáo dân đòi họ không được kinh chê bất cứ cái gì: Vì Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Giáo Hội, nên hiển nhiên là kết quả phong phú của việc tông đồ giáo dân tùy thuộc ở sự kết hiệp sống động của chính họ với Chúa Kitô, Đấng phán rằng: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm được gì” [Jn 15,5]. Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng sự tham dự tích cực vào phụng vụ. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn chính khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa. Bằng phương thức này, người giáo dân phải hăng say và vui vẻ tiến bước trên đường thánh thiện, với sự khôn ngoan và nhẫn nại, họ cố gắng thắng vượt những khó khăn. Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời thánh Tông Đồ: “Hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa” [Col 3,17]. Đời sống như thế đòi hỏi việc thực hành liên tục đức tin, đức cậy và đức mến [AA 4].

10. Suy gẫm Lời Chúa và thực hành các mối phúc.

Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm Lời Chúa mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, vì trong Ngài “ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu” [Cv 17,28]. Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là người thân hay kẻ lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người.

Những người có đức tin này, trong khi tưởng niệm Thánh Giá và sự Phục Sinh của Chúa, họ sống trong niềm hy vọng mặc khải của con cái Thiên Chúa.

Trong cuộc lữ hành này, họ được dấu ẩn trong Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và được giải thoát khỏi nô lệ của cải trần thế, đang khi họ tìm kiếm của cải tồn tại vĩnh viễn, với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng Nước Thiên Chúa và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. Giữa những cơn thử thách đời này họ tìm thấy sức mạnh trong niềm hy vọng vì họ nghĩ rằng: “Những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vinh quang sắp tới sẽ được giãi bầy cho chúng ta” [Rm 8,18].

Lòng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, nhất là cho những người có cùng một niềm tin [Gal 6,10]. Từ bỏ “mọi gian ác, mọi lường gạt, giả trá, lòng ghen ghét và mọi nói hành” [1Pet 2,1] và như vậy họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu của Chúa “giải khắp lòng ta do Chúa Thánh Thần đã ban cho ta” [Rm 5,5] làm cho giáo dân có sức biểu lộ thực sự trong đời sống mình tinh thần các mối phúc thật. Theo Chúa Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh [Gal 5,26] nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô [Lc 14,26], và chịu bách hại vì lẽ công chính [Mt 5,10] vì nhớ Lời Chúa: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” [Mt 16,24]. Sống với nhau trong tình thân hữu của Chúa Kitô, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết [AA 4].

11. Thực hành một số nhân đức tùy hoàn cảnh mỗi người.

Đời sống thiêng liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống : Đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, đời sống độc thân hay góa bụa, trong tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội [AA 4].

12. Đặc biệt trong đời sống hôn nhân gia đình.

Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý[LG 35].

Bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với hiền thê Người : bởi yêu thương Người hiến mạng sống vì Hiền Thê [LG 41].

13. Đời sống độc thân và góa bụa.

Dưới hình thức khác, bậc quả phụ và độc thân cũng nêu gương tương tự: họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội [LG 41].

14. Đời sống xã hội, nghề nghiệp.

Còn những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Đấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ [LG 41]. Họ cũng nên kính trọng nghề nghiệp chuyên môn, ý nghĩa gia đình và ý nghĩa công dân cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự liêm khiết, tinh thần công bình, lòng trung thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó, không thể có đời sống Kitô hữu đích thực [AA 4].

15. Hoàn cảnh yếu đau, bệnh tật, đau khổ.

Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị bách hại vì sự công chính cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là những người có phúc, và vì “Thiên Chúa của mọi ơn phúc, Đấng đã gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu đau khổ trong một thời gian ngắn, chính Người sẽ làm chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ” [1Pet 5,10] [LG 41].

16. Mỗi người cố gắng từng ngày hoàn thiện cuộc sống của mình.

Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nếu họ biết tin tưởng lãnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên trời và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế [LG 41]. Vậy mỗi người phải phát triển không ngừng những đức tính và tài năng ban cho mình, thích ứng với hoàn cảnh của mỗi đời sống, và biết lợi dụng những ơn huệ Chúa Thánh Thần ban riêng cho mình [AA 4].

17. Nên giống Chúa Kitô đau khổ để đem ơn cứu độ đến cho người khác.

Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình. Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ [2Cr 4,10; Col 1,24] họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới [AA 13]. (Còn tiếp)

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Jess S.Bren, Lay spirituality today, p.19