CÁC ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO (P.13)
ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI NGHÈO |
I. Một Giáo Hội cho người nghèo |
1. Đối thoại với người nghèo ngang qua sứ mệnh Loan Báo Tin Mừng |
Xây dựng một cộng đồng bác ái bao hàm sự thăng tiến con người toàn diện trong cộng đồng. Đời sống Kitô hữu đã ăn sâu trong một thực tại trần thế để có thể đi đến một sự hoàn hảo trong Đức Kitô và theo mẫu mực của sứ điệp Tin Mừng. Sứ điệp của Đức Kitô phải được rao giảng trong sự hài hòa và nhịp nhàng trong chiều kích con người và chiều kích Kitô giáo. Chóp đỉnh của phát triển là thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ tìm kiếm Thiên Chúa để nhận biết Người và để sống theo điều mình biết (CA 29). |
Tin Mừng chạm đến con người trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể để giúp con người lớn lên về phương diện xã hội, chính trị, văn hóa, gia đình…cộng đồng Kitô Giáo phải sống trong tình bác ái, chia sẻ của cải vật chất cũng như những giá trị luân lý và tinh thần. “Sự hiệp thông” trong việc phục vụ chính là sứ mệnh của Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội toàn cầu. |
Thăng tiến con người không những chỉ là hoạt động phúc lợi, (một sự cần thiết và một đòi hỏi của bác ái), nhưng mục đích chính là cho phép con người và các nhóm được củng cố và tự phát triển. “Nhưng việc Loan Báo Tin Mừng không được trọn vẹn nếu không lưu tâm đến những quan hệ cụ thể và thường xuyên giữa Tin Mừng và đời sống của con người cả lãnh vực cá nhân cũng như xã hội. Vì thế, việc Loan Báo Tin Mừng bao gồm một sứ điệp rõ ràng, thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau và với tình hình hiện tại, một sứ điệp như thế về các quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả mọi người, về đời sống gia đình là điều kiện cần thiết để mỗi người có cơ sở triển nở, về đời sống chung trong xã hội, về đời sống quốc tế, về hòa bình, công bình và phát triển; một sứ điệp đặc biệt trong thời đại chúng ta về vấn đề giải phóng (EN 29). |
Sự liên quan chặt chẽ giữa việc Loan Báo Tin Mừng và thăng tiến con người không được đồng nhất hóa. Một sự phân biệt rõ ràng sẽ làm cho việc Loan Báo Tin Mừng có hiệu quả hơn trong lãnh vực thăng tiến và tiến bộ của con người. “Dĩ nhiên cũng cần lưu ý là sự phân biệt giữa tiến bộ trần thế và sự phát triển Vương Quốc không ở cùng một cấp bậc như nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt đây không có nghĩa là cách biệt (LC 60). Giáo Hội thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình bằng cách rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người. “Giáo Hội được xác định một cách mạnh mẽ để đáp lại những lo âu xao xuyến của con người thời nay khi con người phải chịu đựng những áp bức và luôn khát mong tự do. Sự chạy đua của chính trị và xã hội không trực tiếp thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, nhưng Đức Kitô đã trao phó Giáo Hội Lời Chân Lý để có thể soi sáng lương tâm con người (LC 61)… Sự thăng tiến con người và giải phóng toàn diện, mà Giáo Hội phục vụ, phải bắt đầu từ Tin Mừng, một cách cụ thể, từ Bát Phúc và giới luật yêu thương.[1] |
2. Một Giáo Hội của người nghèo |
Đức Giao Phaolô II đã nói: Giáo Hội trong toàn thế giới muốn là một Giáo Hội của những người nghèo…Giáo Hội muốn nêu cao chân lý hàm chứa trong các mối phúc của Đức Kitô, nhất là trong mối phúc thứ nhất: “phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” Giáo Hội muốn dạy dỗ và mang ra thực hành chân lý đó, như Đức Giêsu đã đến để thi hành và rao giảng” (RM 60). Các Giáo Hội trẻ đang sống phần lớn thời gian giữa các dân tộc phải đau khổ vì sự nghèo khổ cùng cực thường bày tỏ mối bận tâm này như một thành phần trong sứ vụ của mình. Hội nghị các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh tại Puebla, sau khi nhắc lại gương mẫu của Đức Giêsu, đã viết: “Những người nghèo xứng đáng được quan tâm hơn, dù hoàn cảnh luân lý hoặc đời sống cá nhân của họ thế nào đi nữa. Họ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa…để trở nên con cái của Người, nhưng hình ảnh này đã bị lu mờ và bị xúc phạm. Vì thế, Thiên Chúa bảo vệ và yêu thương họ…Do đó, những người nghèo là đối tượng đầu tiên của việc truyền giáo…và việc loan báo Tin Mừng cho họ đặc biệt là một dấu chỉ và bằng chứng cụ thể của Đức Giêsu (RM 60). |
3. Thế nào là một Giáo Hội cho người nghèo |
Trước tình trạng nghèo khổ của đa số nhân loại, một kitô hữu phải phản ứng như chính Đức Giêsu: ai đói thì hãy cho họ ăn! Rồi mới có thể đáp ứng những nhu cầu khác. Những thừa sai vốn là những người quảng đại, có lòng thương và sự công bằng, vì thế, khi mục kích những tình trạng chênh lệch giầu nghèo, nhìn thấy những người bị bóc lột và áp bức, họ không thể không phản ứng mạnh mẽ. Trong những thập kỷ 60 và 70, chủ nghĩa phát triển rất thịnh vượng (nhất là ở Châu Mỹ La Tinh), khiến nhiều giới kitô giáo dấn thân vào việc cổ võ công bằng xã hội mà họ coi là nhu cầu ưu tiên tuyệt đối. Chủ nghĩa ấy cũng ảnh hưởng đến các giới truyền giáo đến nỗi gây nhiều xung đột. Nhiều thừa sai bận việc khai triển đến độ “không còn có thì giờ truyền giáo.” Người khác đi xa hơn nữa và quyết định bỏ việc “thiêng liêng” và hết lòng lo việc giúp người nghèo. Cuối cùng có kẻ chủ trương việc truyền giáo chính là góp phần vào sự bóc lột, cho nên thà thôi không truyền giáo thì hơn. |
Chính trong công đồng Vaticanô II vấn đề này đã gây rắc rối; một số nghị phụ đã phàn nàn nhân dịp bàn về Lược đồ 13, mà sau này trở nên Gaudium et Spes (hồng y Frings, chẳn hạn) và khi luận đàm về sắc lệnh Truyền giáo (thí dụ Đ.Cha J. Gay). Những lập trường “khuynh tả” (dù cho là cực đoan) được dư luận hoan hô, nhưng ít khi đưa đến kết quả tích cực; khó là phải giữ thái độ quân bình giữa hai đòi hỏi của Phúc âm, mà rốt cuộc là hai điều răn: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân (x. Mc 12,28tt): cả hai cần thiết, cả hai đi đôi với nhau, cả hai không thể tách rời (x. 1Ga 4,20). Khi ấy, Giáo Hội ở Châu Mỹ La Tinh đã cổ võ khẩu hiệu: “chọn trước hết người nghèo” (preferential option for the poor); vấn đề là đã có người “chọn duy nhất” người nghèo… thì họ đã quên đi sứ mệnh thiêng liêng. |
Giáo Hội thừa biết mình được sai đi với muôn dân, và sứ mệnh truyền giáo đang diễn ra đặc biệt giữa dân nghèo, mà công đồng gọi là “các quốc gia đang trên đường phát triển” (GS 9b, x. 6f, AA 14c); tại đó những nhu cầu vật chất hiển nhiên và gấp rút hơn. Như Đức Giêsu, thừa sai phải thi ân giáng phúc (Cv 10,38), và lịch sử tỏ lộ nhiều thí dụ vẻ vang (x. AG 12). Vì thế công đồng nói: “trong lịch sử loài người, dù là về phương diện trần thế, Phúc Âm đã là men tự do và tiến bộ” (AG 8). Trên bình diện trí thức, giáo lý rõ ràng, nhưng trong thực tiễn có thể có xung đột. Như các tông đồ, khi không có thể làm tất cả, thì phải chọn ưu tiên; “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải” (Cv 6,2).[2] |
4. Lập trường của Giáo Hội |
+ Giáo Hội không đưa ra những giải pháp có tính cách kỹ thuật cho bản thân vấn đề chậm phát triển, nhưng Giáo Hội đã đi bước đầu trong việc góp phần vào việc giải quyết vấn đề cấp bách của sự phát triển khi công bố sự thật về Đức Kitô, về chính Giáo Hội và về con người, bằng cách áp dụng sự thật đó vào hòan cảnh cụ thể (RM 58). |
+ Sứ vụ của Giáo Hội không phải là trực tiếp hành động trên bình diện kinh tế kỹ thuật, chính trị hoặc đóng góp vật chất cho việc phát triển, nhưng sứ vụ đó thiết yếu hệ tại việc mang lại cho các dân tộc không phải là cái “sở hữu nhiều hơn” nhưng là cái “hiện hữu tốt hơn”, bằng cách dùng Tin Mừng làm thức tỉnh lương tâm (RM 58). |
+ Việc phát triển một dân tộc, trước tiên không do tiền bạc, không do những trợ giúp vật chất hoặc do những hệ thống kỹ thuật, nhưng đúng hơn do việc đào luyện lương tâm, do sự trưởng thành về tâm thức và thái độ ứng xử. Chính con người là nhân tố chính yếu của việc phát triển chứ không phải tiền bạc hay kỹ thuật (RM 58). |
+ Giáo Hội giáo dục lương tâm bằng cách: - Tỏ bày Thiên Chúa cho các dân tộc, Đấng họ đang tìm kiếm mà chưa nhận ra. - Bày tỏ cho họ sự cao cả của con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương. - Bày tỏ cho họ sự bình đẳng của mọi người như là con cái Thiên Chúa. - Cho họ thấy quyền lực của họ trên các thụ tạo nhằm phục vụ con người. - Cho họ thấy nghĩa vụ phải dấn thân nhằm phát triển toàn diện con người và tất cả mọi người (RM 58). |
5. Giáo Hội với người nghèo qua lịch sử |
Ngay từ xa xưa, Kitô giáo đã kết hợp việc Loan báo Tin Mừng với sự liên đới với người nghèo,“Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những ruộng đất, nhà cửa, được bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các tông đồ. Tiền đó được phân phát cho mỗi nguời, tùy theo nhu cầu” (Cv 4,34-35). “Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm (Gl 2,10). |
Trong mọi thời, Giáo Hội đã cố gắng giải quyết vấn đề nghèo túng và coi nó như một phần của sứ mệnh làm chứng cho chương trình của Thiên Chúa đối với nhân loại: Chúng ta sống như những người con có trách nhiệm của Thiên Chúa, như những anh em được kết hợp trong một gia đình mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên cho tất cả mọi người. Với ý hướng này, nguồn gốc của nghèo túng và bị tống ra lề xã hội không còn xuất hiện cho Giáo Hội cũng như thế giới hôm nay. Một sự góp phần lớn lao của Giáo Hội trong thời điểm gần đây là sự giáo dục lương tâm con người về vấn đề nghèo túng. Chúng ta biết những lời của các đấng làm thầy trong Giáo Hội đã nói về những cái dư thừa của những người giầu và nhu cầu của những người nghèo, và con người chỉ là người quản lý những của cải trên trái đất chớ không phải là người sở hữu. |
Ngày nay, có một nhận thức mới về truyền giáo trong Giáo Hội. Việc đứng về phía người nghèo đã đảm nhận những chiều kích mới của tình liên đới vững mạnh hơn và một sự tố cáo có tính cách ngôn sứ về những bất công: Việc đứng về phía người nghèo đã đi xa hơn trong việc đưa ra những công việc của lòng khoan dung, với cái nhìn phân tích xã hội về những hệ thống đã tạo ra những bất công, như Hội Đồng đặc biệt của Giáo Hội năm 1985 đã tuyên bố: “Giáo Hội đã quan tâm hơn với sứ mệnh phục vụ cho người nghèo, người bị áp bức và những người bị gạt ra bên lề xã hội”. |
Sự phân tích lịch sử Loan báo Tin Mừng sẽ cho thấy rằng Giáo Hội đã có một sự thường xuyên quan tâm tới sự giải phóng và thăng tiến con người. Không có một tổ chức nào ngoài Giáo Hội có một lịch sử trong nhiều thế kỷ về những công việc cụ thể của lòng bác ái trong việc phục vụ người nghèo. Lịch sử của việc Loan báo Tin Mừng cũng là một lịch sử của những công việc phát triển và thăng tiến con ngưòi bằng vô số những viện, trung tâm giáo dục và y tế để phục vụ con người, để bảo vệ quyền lợi con người và những công việc hoạt động cho công bình và hòa bình. |
Cũng đủ để nhìn lại nhiều thế kỷ của Giáo Hội, cho điều mà những bậc cha anh của Giáo Hội và nhiều Kitô hữu khác đã làm cho người nghèo. Những công việc của dòng Bênêđictô và sau này những thầy dòng Biển Đức và Xitô trong việc phát triển nông nghiệp và nhiều công việc cho lợi ích của những con người bị bỏ rơi ở Âu Châu đã từng được biết đến. Ngay cả lúc khởi đầu của Giáo Hội chưa nhìn thấy rõ mối tương quan sâu xa giữa việc Loan báo Tin Mừng và việc thăng tiến con người, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cũng đã lớn lên trong sự hiểu biết của mình về đặc tính siêu việt nơi sự cứu rỗi của Đức Kitô cũng đòi hỏi một sự biến đổi xã hội.[3] |
II. Đức Kitô giải phóng tất cả qua cái chết và phục sinh của Người |
1. Giải phóng của Đức Kitô là giải phóng cả con người tự nhiên lẫn siêu nhiên |
Khi Ngôi Lời Nhập Thể đi vào khung cảnh của lịch sử chúng ta (Ga 1,14) và muốn trải qua và muốn sống thân phận của con người với cái giới hạn của một “sự yếu đuối tự nhiên” (Mt 26,4-11). Vì thế, Người đã sống ở Nazareth và vì thế Người cũng muốn chịu đựng những mệt mỏi, đói khát và sợ hãi khi phải đối mặt với đau khổ, nhục nhã và cái chết. |
Thực tại của việc cứu chuộc và giải phóng nơi Đức Kitô là một thực tại của việc liên đới với những anh em của Người. Đức Giêsu là Người Lãnh Đạo, là Người Trung Gian, là Người Anh, là người có trách nhiệm, là Tư Tế, là người tự mang lấy lịch sử của mỗi người và toàn thể nhân loại (2Cr 5,21; Gl 3,13; 1Pr 2,4; Mt 8,17) và đây là sự liên đới mà Giáo Hội phải có như là một sự sung mãn (Ep 1,23) và như một người chia sẻ trong cùng một sứ mệnh (Ga 20,21). Việc “Loan Báo Tin Mừng cách mới mà thế giới hiện nay đang cần và điều mà nhiều lần tôi phải nhấn mạnh, phải bao gồm yếu tố thiết yếu là việc rao giảng học thuyết xã hội của Giáo Hội (CA 5). |
Chính Đức Kitô giới thiệu chúng ta đến với Thiên Chúa Cha. Người là “hoa quả đầu mùa” và “lễ Vượt Qua của người Do Thái” (1Cr 15,20). Người đã phá hủy tội lỗi và tất cả những hậu quả của sự bất công, của áp bức và sự chết. Đức Kitô, đang gánh vác thực tại này của con người như một nhân vật chính mà không phá hủy con người đã làm nô lệ cho tội ác, vì thế, Người đã đến gần tất cả những người nghèo khốn là “những người khốn khổ và bị áp bức” (Mt 11,5-6.28; Lc 4,18). Với cách này, Đức Giêsu đã giải thoát và qua sứ mệnh của Giáo Hội, tiếp tục giải thoát người nghèo, những người tội lỗi và những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống của bất cứ giai cấp xã hội nào, giúp họ nhận ra, trước hết tội lỗi và sau đó là những giới hạn riêng của họ. “Chắc chắn Giáo Hội truyền giáo phải liên kết trên những mặt trận này, nhưng trước hết nhiệm vụ của Giáo Hội còn ở một lãnh vực khác nữa: Người nghèo đói Thiên Chúa, chớ không phải chỉ nghèo đói cơm bánh và tự do. Hoạt động truyền giáo, trên tất cả, phải làm chứng và rao giảng sự cứu độ trong Đức Kitô, và thiết lập những Giáo Hội địa phương để trở thành những phương tiện giải phóng trong tất cả ý nghĩa của nó” (RM 83).[4] 2. Nghèo khổ về vật chất và nghèo khổ về luân lý |
Đóng góp của Giáo Hội và của việc loan báo Tin Mừng đối với việc phát triển các dân tộc không chỉ liên hệ tới vùng nam bán cầu nhằm để chống lại sự khốn cùng về vật chất và chậm phát triển tại đó, nhưng cũng liên hệ tới vùng bắc bán cầu, nơi đang diễn ra một thứ cùng khổ luân lý và tinh thần do “sự phát triển thái quá”. Một hình thức hiện đại vô tôn giáo đang thống trị trong nhiều miền khác nhau trên thế giới, dựa trên ý tưởng cho rằng, để làm cho con người trở thành người hơn, chỉ cần làm giầu và chạy theo sự phát triển kỹ thuật và kinh tế. Nhưng một sự phát triển vô hồn không thể thỏa mãn con người, và sự giầu có quá đáng cũng tác hại cho con người y như sự nghèo khổ cùng cực. Chính đó là “kiểu mẫu phát triển” đã được thiết lập ở bắc bác cầu, lan tràn xuống nam bán cầu, và ở đây, cảm quan tôn giáo cũng như những giá trị nhân bản có nguy cơ bị đè bẹp do sự xâm lăng của khuynh hướng tiêu thụ (RM 59). |
3. Đức Kitô đến giải phóng tất cả |
Sự giải phóng của Đức Kitô có một trách nhiệm liên đới, không những về phần Đức Kitô, nhưng nhất là về phần con người và các cộng đồng đã được giải phóng. Vì thế, sự giải phóng của Kitô Giáo sẽ thêm gương mù gương xấu trong mỗi người, trong mỗi cộng đồng, mỗi tình trạng và thời điểm lịch sử, ở nơi mà họ không sống bằng chân lý và Lời Chúa. Con người và cộng đồng tự giải thoát mình khỏi những bành trướng trong việc giúp đỡ người khác, cũng là những người bị áp bức để giải phóng họ. Tất cả cá nhân và xã hội, không trừ ai, người bị áp bức hay người đi áp bức người khác, đều cần Đức Kitô giải phóng. Điều ác được khắc phục không phải bằng việc chống lại với khí giới của bạo lực và lòng căm thù (Mt 26,52; 5,39; Rm 12,21). Điều ác bị hủy diệt với tình yêu và chân lý (Lc 6,27-28; Mt 5,45). “Châm ngôn” (Utopia) của Kitô giáo là không dùng khí giới, không sử dụng vũ lực, mà vui mừng trong quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh. Dưới ánh sáng của Đức Kitô, mọi bóng tối đều tan biến. Tuy nhiên việc tự dâng hiến mình như một của lễ của ngôn sứ và tông đồ thì thật là cần thiết. |
Con đường giải phóng ngang qua con đường yêu thương những người anh em của mình, những người bị áp bức, biến họ thành những người chia sẻ của lễ hy sinh của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Con người được khám phá và tự phục hồi khi con người trở thành những người chia sẻ trong tự do của tình yêu Thiên Chúa.[5] |
4. Ý nghĩa và giải pháp cho những đau khổ và sự bất công của con người chỉ được tìm thấy dưới ánh sáng Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô |
Ý nghĩa và giải pháp cho những đau khổ và sự bất công của con người có thể chỉ được tìm thấy dưới ánh sáng của thập giá và phục sinh.” Nhưng trên tất cả, qua sức mạnh và mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Giêsu đã làm cho chúng ta được tự do” (LC 51). Thái độ “chịu thay cho người khác của Đức Kitô đã cống hiến một giải quyết duy nhất cho việc chấp nhận đau khổ của mình cũng như người khác, và biến đổi chúng thành một phương tiện giải phóng. Sự nhục nhã của Thánh Giá cũng ngang qua sự nhục nhã chấp nhận đau khổ của con người để tiêu diệt chúng qua tình yêu và với cách này, “nó hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô để cứu độ thân thể của Người là Giáo Hội” (Cl 1,24).Cộng đồng nhân loại chỉ được gỉai phóng qua anh em mình (các Tông Đồ, ngôn sứ, tử đạo) là những người đang muốn liều thân như Đức Kitô và chết vì yêu. |
Dấu hiệu bảo đảm nơi cá nhân cũng như cộng đồng Giáo Hội thể hiện trong lãnh vực Loan Báo Tin Mừng giải phóng (và của thần học giải phóng) là sự cảm nhận được “phổ quát tính” trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Phổ quát tính của Giáo Hội dựa trên nét đặc trưng sứ mệnh Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội, mà sứ mệnh ấy không còn xa lạ gì với bất cứ quốc gia, văn hóa, hệ thống, triết lý nào…Một khi những nguyên tắc của con người và những quyền lợi nền tảng của con người được kính trọng. Nếu Giáo Hội đến gần con người cụ thể trong tất cả những lãnh vực của nó (cá nhân cũng như xã hội) thì Giáo Hội đã vượt lên sứ mệnh của mình đối với sự cứu rỗi toàn diện của thế giới, bằng một lòng kính trọng đối với bản sắc của mỗi dân tộc và quốc gia” (LC. 96). |
Tình trạng hiện nay là một thách đố cho người Loan Báo Tin Mừng. Họ phải cố gắng tiếp nhận những cố gắng của con người với niềm hy vọng và đầy thiện chí, đang khi họ phải tiến đến những tình trạng nghiệt ngã, nếu họ bị kết án bởi những quan niệm thuần túy con người. Vì thế “một cố gắng quảng đại để Phúc Âm Hóa những nền văn hóa thì thật là cần thiết. Những nền văn hóa này sẽ được cống hiến cho một cuộc sống tươi đẹp bởi sự gặp gỡ với Tin Mừng. Những sự gặp gỡ này giả định rằng Tin Mừng thực sự đang được rao giảng” (LC. 96). |
Sự giải phóng của Đức Kitô, cả trong lãnh vực suy tư thần học và cả trong lãnh vực áp dụng thực hành được soi sáng từ việc chiêm ngắm và bắt chước Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, là Đấng kêu mời Giáo Hội rao giảng và sống cái thực tại cứu độ toàn thể vũ trụ.” Ở bất cứ mức độ suy tư hay thực hành nào, giải phóng trước hết là cứu độ [một khía cạnh của sự cứu rỗi được hoàn tất bởi Đức Kitô, Con Thiên Chúa] và sau đó là đạo đức luân lý xã hội (socio-ethical or ethico-political). Rút gọn chiều kích này vào chiều kích kia, thực tế đã ngăn chặn cả hai hoặc đặt cái thứ yếu lên trên cái chính yếu, là đã phá vỡ hoặc làm giảm đi sự giải phóng đích thực của Đức Kitô. Vì thế, nhiệm vụ của các chủ chăn là phải rao giảng rõ ràng dứt khóat, mầu nhiệm giải phóng trong thánh giá và sự phục sinh của Đức Kitô” (JP II, letter to the Brasilian Bishops 9/8/86).[6] |
III. Những việc cụ thể để đi vào công tác đối thoại với người nghèo |
1. Phải có tinh thần nghèo khó của Tin Mừng |
Mục vụ truyền giáo giải phóng đòi hỏi một sự canh tân sâu xa trong việc tông đồ và các cộng đồng Giáo Hội. Canh tân dưới ánh sáng của Tin Mừng, nhất thiết có liên quan đến việc thực hành đức khó nghèo. Quả thật, nếu ở đó có sự lựa chọn yêu thương ưu tiên cho người nghèo, nhất thiết ở đó sẽ có lối thóat cho việc canh tân thực hiện trong việc tiếp nhận và suy niệm Lời Chúa, trong việc cầu nguyện và yêu mến Giáo Hội và trong cuộc sống khó nghèo thực sự cho tới mức có thể chia sẻ của cải cho những anh em mình. Khó nghèo theo Tin Mừng phải nhìn thấy được, cả lãnh vực cá nhân, cộng đồng và thể chế (Puebla 1134-1165). |
Nếu không có khó nghèo theo Tin Mừng thì không có cuộc sống chiêm niệm hoặc đời sống truyền giáo hay thần học thực sự được thực hiện. Bất cứ sự lựa chọn nào cho người nghèo và người bị áp bức được điều khiển trực tiếp bởi một nguyên lý hành động cụ thể (praxis) hay một ý thức hệ mà không có tinh thần nghèo khó, thì sẽ chỉ làm nổi lên những cuộc tranh cãi liên tục, những đổ vỡ, những lãng phí và những áp bức mới:” Chúng tôi không thể rao giảng sự hối cải cho đến khi chính chúng tôi đổi mới mỗi ngày” (RM 47).[7] |
2. Phải cho đi chính bản thân mình |
Giáo Hội cần phân tích một cách xây dựng trong xã hội cho những lãnh vực trong đó Giáo Hội suy nghĩ (cá nhân và cộng đồng) về sự khó nghèo của Đấng Chăn Chiên Lành, nhiều hơn những người khác, những tổ chức tông đồ, chiêm niệm và giáo huấn thần học cần dấu chỉ mang tính Tin Mừng đã được sống để làm cho chúng đáng tin cậy. Sự giải phóng thực sự bắt đầu trong lòng của mỗi người và mỗi cộng đồng, trong hình thức của ban tặng: “Nếu con người chỉ là tạo vật trên trái đất mà Thiên Chúa muốn cứu vớt, con người cũng có thể khám phá ra bản ngã thực của mình trong việc cho đi chính bản thân một cách chân thành” (GS 24). |
Một qui luật nền tảng cho công việc truyền giáo của Giáo Hội được tìm thấy trong lời của Đức Kitô: “Chân lý sẽ cứu thoát anh em” (Ga 8,32). Lời này phải soi sáng và hướng dẫn tất cả mọi suy tư thần học và tất cả những quyết định mục vụ” (LC 3). Quả thật, chân lý đến từ Thiên Chúa được tập trung trong Đức Giêsu Kitô, Vị Cứu Tinh của thế giới, nơi Người là “đường, sự thật và sự sống”.[8] |
3. Lời kêu gọi sám hối của Đức Kitô là dấn thân để giải thoát người nghèo |
Sự tự do được rao giảng bởi Chúa, bắt đầu với việc rao giảng và kêu gọi hóan cải: đây là mục tiêu của việc Loan Báo Tin Mừng. Lời kêu gọi hóan cải của Đức Giêsu đã được thuật lại với sự dấn thân để giải thóat người nghèo. Quả thật, con người được hóan cải [là người qui hướng toàn thể sự hiện hữu của mình vào Đức Giêsu) trở nên giống Đức Giêsu là Đấng đã làm cho chính mình nghèo đi vì yêu thương chúng ta và mong ước được nhận ra trong người nghèo, trong những người đau khổ và bị ngược đãi (LC 50). |
3.1. Ý thức về tội lỗi |
Lời kêu gọi hóan cải từ bên trong, hoặc một thái độ thầm kín là con đường giải phóng tâm hồn con người. Con đường giải phóng này phải bắt đầu với việc ý thức về tội lỗi (đó là thái độ chối bỏ Thiên Chúa và anh em đồng loại) để loại trừ chính tội lỗi. “Tội lỗi của con người, có thể nói, là một đổ vỡ với Thiên Chúa, là nguyên nhân chính cho những thảm cảnh đánh dấu lịch sử của sự tự do. Để hiểu điều này, nhiều người của thời đại chúng ta trước tiên phải tái khám phá việc ý thức về tội lỗi”. Tội lỗi của con người, đích thực là “sự lìa xa khỏi sự thật của con người như là một tạo vật được Thiên Chúa yêu thương, là căn nguyên của tất cả những hình thức xa lìa khác” (LC 38).[9] |
3.2. Sống tinh thần của Bát Phúc |
Sứ vụ giải phóng của Kitô giáo được gồm tóm trong Bát Phúc. Việc hoán cải trở thành thái độ của sự trở về và mở ra một hệ thống mới được tìm thấy trong tình yêu. Bát Phúc cho thấy những mục tiêu cụ thể: biến đổi hòan cảnh của con người cũng như những tình trạng bất công thành một tình yêu dâng hiến: “Bát Phúc đã được rao giảng bởi Đức Giêsu, diễn tả sự toàn vẹn của tình yêu trong Tin Mừng, và chúng không bao giờ ngừng lại suốt dòng lịch sử của Giáo Hội bởi số những người được Rửa Tội và trong khuôn mặt rạng ngời của các thánh (LC 62). Sức mạnh Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội đến từ sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng luôn giữ những tập truyền của mình và diễn tả trong thái độ phục sinh của Bát Phúc thật: Sống và chết vì yêu. Trong cách này, Tin Mừng tái sinh những con người mới là những người có khả năng canh tân những tình trạng bất công của con người, “những lời hứa giải phóng của Thiên Chúa và sự hoàn tất chiến thắng trong cái chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô, là nền tảng cho niềm hy vọng từ đó mà cộng đồng kitô hữu rút ra sức mạnh để hành động và hành động có kết quả trong việc phục vụ cho tình thương, sự công chính và nền hòa bình.” Với sự canh tân này, việc am hiểu và sống danh hiệu của “người được chúc phúc” mà Đức Giêsu đã ban cho người nghèo: “Đây là một sự khó nghèo được thiết lập bằng sự từ bỏ, tín thác vào Thiên Chúa, sự điều độ và sẵn sàng chia sẻ, mà Đức Giêsu đã nói cho người được chúc phúc” (LC 66). Con đường nghèo khó theo Tin Mừng là con đường duy nhất có thể giải thoát anh em của chúng ta khỏi mọi loại nghèo khó vật chất cũng như tinh thần. [10] |
4. Việc ưu tiên cho người nghèo phải trở thành dấu chỉ cho thấy bản chất của Giáo Hội |
Đối vơi Giáo Hội, việc ưu tiên cho người nghèo phải trở thành dấu ấn thực sự cho thấy bản chất của Giáo Hội: “Việc lưu tâm đặc biệt đến người nghèo khác xa với bản chất của chủ nghĩa đảng phái hay bè phái. Nó diễn tả phổ quát tính của bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội. Qua thái độ khó nghèo theo Tin Mừng, Giáo Hội bày tỏ sự liên đơi của mình với những người mà họ không được tính vào trong xã hội, ở đó họ bị loại ra ngoài xã hội trong phương diện tinh thần và đôi khi ngay cả trên thực tế. Thế là Giáo Hội lại trung thành với sứ mệnh tố giác những bất công trong xã hội: “Giáo Hội trung thành với sứ mệnh của mình khi lên án những hình thức sai lệch, nô lệ và áp bức mà con người là nạn nhân…khi Giáo Hội chống đối việc hình thành những lối sống xã hội ở đó Thiên Chúa vắng mặt, dù cố ý hay vô tình…Giáo Hội lên án những trào lưu chính trị nhằm chống lại sự nghèo khó và áp bức trên lý thuyết cũng như hành động trái ngược với Tin Mừng và đối lập với chính con người” (LC 65). |
Sự giải phóng và cứu rỗi được hoàn thành bởi Đức Kitô làm tiêu tan từ gốc rễ những bất công và áp bức, tức là làm tiêu tan gốc rễ của tội lỗi: “Để con người là những tội nhân, sự đe dọa của chiến tranh treo cổ chúng và còn tiếp tục treo cổ chúng như thế cho tới khi Đức Kitô đến” (GS 78). Hòa bình và trật tự trong xã hội đến từ việc canh tân nội tâm sâu thẳm của con người: “Trật tự đang lưu hành trong xã hội là do luân lý tự nhiên, phải được đặt trên một nền tảng vững chắc. Nó phải hợp với những tiêu chuẩn của công bình, phải được soi sáng và hoàn thiện hóa bởi một tình yêu thương nhau và sau cùng nó phải mang đến một sự cân bằng luôn luôn tinh tế và nhân đạo hơn trong tự do”(pacem in terris 42). |
Sự canh tân hoặc giải phóng không thể có được nếu không có một tình yêu sâu thẳm đối với Giáo Hội, với những dấu chỉ “nghèo khó” như Đức Kitô đã thiết lập. Công đồng Vaticanô II đã tóm tắt học thuyết của Giáo Hội khi cắt nghĩa những đề tài chính: bí tích và mầu nhiệm, con người, thân thể, hiền thê, hiền mẫu, vương quốc…Đức Kitô được nối dài trên thế gian qua mầu nhiệm Giáo Hội (dấu chỉ của Chúa Kitô) là sự hiệp thông của anh chị em đồng loại với sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Cộng đồng Kitô hữu được định nghĩa như là một cộng đồng đức tin, một cộng đồng cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo. |
“Nhiệm vụ giáo dục sự giải phóng và tự do thật là cần thiết. Giáo dục tự do là phổ biến những quy luật này. Không có nó, sự tự do trở thành ảo tưởng” (JP II letter to the Brasilian Bishops 9/6/86).[11] |
5. Phải trở về với đời sống thanh đạm |
Hãy thay đổi đời sống để chiến đấu chống lại sự nghèo đói, đó là khẩu hiệu đã xuất hiện trong các môi trường Giáo Hội, và chứng tỏ cho các dân tộc giầu có thấy con đường phải trở nên anh em với các dân tộc nghèo đói: Cần phải trở về một đời sống thanh đạm hơn để cổ võ cách thức mới nhằm phát triển tòan vẹn các giá trị đạo đức và tôn giáo. Hoạt động truyền giáo mang lại cho người nghèo ánh sáng và sự khích lệ nhằm phát triển đích thực: Không kể các mục tiêu khác, việc tái loan báo Tin Mừng còn cần phải làm cho những người giầu ý thức rằng đã đến lúc phải tỏ ra thực sự là anh em với những người nghèo, nhờ việc cùng hoán cải nhắm tới sự phát triển trọn vẹn mở ra đón nhận Đấng Tuyệt Đối (RM 59). |
6. Lời kêu gọi và cám ơn của Đức Gioan Phaolô II ngỏ với những người thiện chí đang dấn thân phục vụ các công tác từ thiện bác ái |
Trung thành với tinh thần của các mối phúc, Giáo Hội được mời gọi chia sẻ với người nghèo và những người bị áp bức dưới mọi hình thức. Chính vì thế, tôi khuyên nhủ tất cả các môn đệ Đức Kitô và tất cả các cộng đoàn Kitô hữu, từ gia đình đến giáo phận, từ giáo xứ đến dòng tu, hãy chân thành duyệt xét đời sống của mình trong chiều hướng liến đới với người nghèo. Đồng thời tôi cảm ơn các nhà truyền giáo, nhờ sự hiện diện đầy tình mến và sự phục vụ khiêm tốn đã hoạt động cho việc phát triển toàn diện con người cũng như xã hội, nhờ các cơ sở giáo dục, các trung tâm sức khoẻ, các trại phong, các nơi đón tiếp những người tàn tật và già cả, những sáng kiến thăng tiến phụ nữ và nhiều điều khác nữa. Tôi cám ơn các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân vì lòng nhiệt thành của họ. Tôi khích lệ những người thiện chí trong các tổ chức tư nhân, ngày nay càng lúc càng gia tăng, đã hiến thân cho các hoạt động từ thiện và thăng tiến con người (RM 60). |
Quả thực, chính những công việc ấy đã làm chứng cho tinh thần của mọi hoạt động truyền giáo; đó là tình yêu thương, vẫn mãi mãi là động cơ thúc đẩy việc truyền giáo và cũng là “tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá điều phải làm và điều phải tránh, điều phải thay đổi hoặc không được thay đổi. Đó là nguyên lý hướng dẫn mọi hoạt động và là mục tiêu phải tiến tới. Khi hành động theo đức ái, hoặc khi bị thôi thúc bởi đức ái, thì không có gì là bất lợi nhưng tất cả lại tốt đẹp (RM 60). |
Các chữ viết tắt AG : Ad Gentes EN : Evangelii Nuntiandi RM : Redemptoris Missio EA : Ecclesia in Asia LG : Lumen Gentium GS : Gaudium et Spes ES : Ecclesiam Suam CA : Centesimus Annus LC : Libertatis Conscientia PT : Pacem in Terris |
[1] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.223-225
[2] Filipe Gomez, Missiology, p.69-71
[3] Ramón Macias-Alatorce, following Christ in Mission, p.122-124
[4] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.233-234
[5] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.234-235
[6] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.237-238
[7] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.238
[8] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.239-240
[9] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.240
[10] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.240-24
[11] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.241-242