CÁC ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO (P.12)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1765 | Cật nhập lần cuối: 3/30/2016 2:44:44 AM | RSS

07. ĐỐI THOẠI VỚI MỌI NGƯỜI

1. Đối thoại với mọi người

Với sứ mệnh đem sứ điệp Tin Mừng soi chiếu cả thế giới và qui tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành (GS 92).

Cuộc đối thoại của chúng ta phải có tầm phổ quát, nghĩa là bao gồm hết thảy mọi người, chỉ trừ kẻ từ chối đối thoại hoặc người giả hiệu đến để đối thoại (ES 76).

Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các tín hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự (GS 92).

Do đó, chúng tôi cùng hướng tâm hồn đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và bảo tồn các yếu tố tôn giáo nhân bản quí giá trong truyền thống riêng. Chúng tôi ước mong đối thoại cởi mở để dẫn đưa tất cả chúng ta đến chỗ trung thành đón nhận và hăng hái thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc. Niềm ước mong đối thoại đó chỉ do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp; về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai: từ những người đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Đấng Tạo Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực (GS 92).

2. Đối thoại là một phần chính yếu trong sứ mạng của Giáo Hội

- Cái gì sẽ xảy ra khi người ta bỏ rơi sự thật và sự tốt lành để chạy theo quyền lực và sự bành trướng của bản thân mình. Tân Phúc Âm Hóa, hay là lời kêu gọi hoán cải để lãnh nhận ơn sủng và sự khôn ngoan, chính là nguồn hy vọng duy nhất chính hiệu cho phép ta nghĩ tới một thế giới tốt đẹp hơn và một tương lai sáng sủa hơn. Điều quan trọng là Giáo Hội phải diễn tả điều ấy như thế nào cho minh bạch và thuyết phục (EA 29).

  • Đối thoại không phải là một chiến thuật, nhưng là một phần chính yếu trong sứ mạng của Giáo Hội và Giáo Hội chỉ có thể hoàn thành được sứ mạng ấy theo cách như Thiên Chúa đã làm trong Đức Giêsu Kitô: Ngài trở thành con người, chia sẻ cuộc sống con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Sự đối thoại mà Giáo Hội đề xuất xây dựng trên nền tảng là logic của sự Nhập Thể (EA 29).

3. Đối thoại theo tinh thần Tin Mừng

“Giáo Hội…có một sự chuyển thông phải thực hiện” hay một cuộc đối thoại nhằm thâm nhập vào mỗi cộng đoàn con người. Bản chất đích thực của những ân huệ mà Chúa Kitô đã ban cho Gíao Hội đòi nó phải được mở rộng và chia sẻ cho người khác (ES 64). Một người Loan Báo Tin Mừng là khi người đó công bố Tin Mừng cho từng cá nhân và các cộng đoàn qua Lời Chúa, bằng việc nghe, giải thích và cố gắng hội nhập những gì mình đã nghe và nói thành một tổng hợp hài hòa. Trong việc đối thoại theo Tin Mừng, con người gặp gỡ chính Lời Chúa đã được công bố bởi các Tông Đồ.

Đối Thoại cũng cho thấy việc Loan Báo Tin Mừng có thể được hoàn tất trong các cộng đoàn Kitô hữu như thế nào, hoặc bắt đầu hay thực hiện ra sao. “Đối Thoại nêu rõ đặc điểm, vai trò tông đồ của chúng ta…trước khi chúng ta chuyển đổi thế giới – như là một điều kiện thực sự – chúng ta phải đến với thế giới và nói với thế giới” (ES 67-68). Đối Thoại qua việc Loan Báo Tin Mừng là con đường dẫn đến đức tin: “Đức tin đến từ những gì được rao giảng” (Rm 10,17).

Mặc dù “con người hiện đại chán ngấy những cuộc nói chuyện, cảm thấy mệt mỏi khi nghe và tệ hại hơn nữa “vẫn trơ trơ” với Lời, nhưng trong thực tế “rao giảng, công bố sứ điệp bằng lời thực sự luôn luôn vẫn cần thiết” (EN 42). Vì vậy phải nhớ rằng, chứng nhân, sự xác thực và rõ ràng là phần chính yếu của việc Đối Thoại: “Đối với Giáo Hội, phương tiện đầu tiên của việc Loan Báo Tin Mừng là chứng nhân xác thực của đời sống Kitô hữu, được Thiên Chúa ban cho trong sự hiệp thông mà không gì có thể phá hủy và đồng thời cũng phải được thông ban cho người khác với lòng nhiệt thành không giới hạn” (EN 41).

Trong Tin Mừng, chính Đức Kitô là tấm gương của việc Đối Thoại theo Tin Mừng. Đây là một điều rất thường với một số đông hoặc dưới hình thức của những cuộc thăm viếng thân tình. Đối Thoại mục vụ cho thấy đức tin, nó kêu gọi mọi người sống và thực hành đức tin, nó dẫn đến con đường thánh thiện, nó khích lệ, an ủi, thanh luyện, tha thứ và mời gọi mọi người chuyển giao đức tin của họ tới người khác (EN 46). “Đối Thoại nên được hướng dẫn và xúc tiến với lòng tin tưởng rằng Giáo Hội là phương thế thông thường của sự cứu rỗi và chỉ một mình Giáo Hội mới có đầy đủ những phương thế cứu rỗi” (RM 55).

Sứ giả Tin Mừng phải có một tinh thần đối thoại, tôn trọng sự thật của Tin Mừng cũng như sự thật về Thiên Chúa và về con người. Sứ giả nói ra từ sự gặp gỡ Đức Kitô, mà sự gặp gỡ chính là kinh nghiệm của người Kitô hữu với Thiên Chúa (EN 76). Như vậy, Đối Thoại là “một sự lôi kéo từ bên trong của đức ái để diễn tả nó ra bên ngoài” (ES 64).

Phải nhớ rằng việc Đối Thoại theo Tin Mừng bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng mặc khải nhưng không mầu nhiệm của Người cho nhân loại. Thiên Chúa nói ra bởi vì Ngài yêu thương nhân loại, yêu tất cả mọi người không trừ ai. Sáng kiến của Thiên Chúa có tác dụng trong chính nó và chiều kích phổ quát của nó, mà vẫn tôn trọng sự tự do của cá nhân khi kêu gọi để họ được cứu rỗi trong Đức Kitô, là khuôn mẫu cho các cuộc đối thoại theo tinh thần Tin Mừng. Giá trị và hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào sự kiện là tiếp tục cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người (Hr. 1,1-3; 1Ga 1,1-3)[1]

4. Những yếu tố căn bản cho việc Đối Thoại

Một số khía cạnh và đặc điểm căn bản của Đối Thoại cho thấy về tính xác thực của nó, cũng như về giá trị của việc Loan Báo Tin Mừng. Những khía cạnh này là sự thật và đức ái (Ep 4,1-5). Thái độ căn bản này có thể tóm lược trong 4 điểm:

- Rõ ràng trong tư tưởng và lời nói

- Hiền lành và hòa nhã trong hành động

- Tin cậy những gì người khác nói

- Thận trọng và khoan dung với mọi tình trạng và những hoàn cảnh của cá nhân (ES 8).

Đối Thoại này, dựa trên sự thật và đức ái, tránh sáo ngữ (aphorism), khái quát hóa và các cuộc bút chiến xúc phạm, nhất là khi đề cập đến những lầm lẫn của lịch sử trong quá khứ. Đó chính là Đối Thoại theo Tin Mừng phát xuất từ sự gặp gỡ và mối tương quan với Đức Kitô, Đấng chăn chiên nhân lành. “Vì thế, Đối Thoại giả định trước rằng ở đó đã có một ý định hiện hữu trong chúng ta, đó là ý định mà chúng ta muốn giao tiếp và nuôi dưỡng tất cả những gì chung quanh chúng ta. Đó chính là ý định nói lên đặc điểm của những người thực hiện cách nghiêm túc sứ mạng tông đồ và nhận ra sự cứu rỗi của chính mình không thể tách rời sự cứu rỗi những người anh em khác. Nỗ lực vững chắc của họ là làm cho mọi người nói về sứ điệp đã được giao cho họ để họ chuyển tải đi” (ES 80). Vì thế, cần phải chú ý đến việc dùng từ và thuật ngữ viết, để tìm ra một ngôn ngữ thích hợp, mà không làm thương tổn đến chân lý được mặc khải cũng như con người trong hoàn cảnh cụ thể của họ.

Trở nên “mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22) giả định rằng sứ giả Tin Mừng phải hòa hợp và chia sẻ sự quan tâm của mọi người và môi trường của họ. “Đối Thoại phát triển trên tình bằng hữu và nhất là trên sự phục vụ lẫn nhau” (ES 87). Thái độ tôn trọng sự thật và người anh em sẽ tránh được sự hàm hồ và giả tạo mà đó chính là sự phản bội sứ điệp Tin Mừng và mầu nhiệm con người.

Với khả năng đối thoại này, cộng đoàn Giáo Hội có thể chuyển thông Tin Mừng cách xác thực, đồng thời lắng nghe những gì Thiên Chúa nói qua những hoàn cảnh của con người trong từng thời đại: “Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đây là bổn phận của toàn Dân Chúa, nhất là với các mục tử và các nhà thần học, biết lắng nghe và biết phân biệt tiếng nói của thời đại chúng ta và giải thích chúng dưới ánh sáng của Lời, để những chân lý mặc khải phải được thấm nhuần ngày càng sâu đậm hơn, càng được am hiểu hơn và được trình bày cách thích hợp hơn” (GS 44).[2]

5. Một số cách thức để đối thoại với mọi người

Đối thoại là trao đổi với nhau, hoặc là thông tin hoặc là kinh nghiệm hoặc là giúp đỡ…Có thể xẩy ra trên bình diện cá nhân hoặc xã hội. Nếu đi sâu xa đối thoại có thể dẫn đến hiệp thông, như tình bạn hữu và tình thương yêu.

Có nhiều thứ “đối thoại.” Ở đây xin chú ý đến một số loại:

5.1. Đối thoại bằng hoạt động chung: khi một số người nhân danh tôn giáo của họ cộng tác trong một công việc chung. Phải thành thực với tín ngưỡng riêng (hoặc vô thần) mà chu toàn nhiệm vụ. Những hình thức thì nhiều: làm uỷ ban chung trong xóm làng, làm cái gì cụ thể (xây dựng nhà, chia sẻ nước uống, tưới ruộng, lập trường học, v.v.).

5.2. Đối thoại nể vì: chia sẻ ý kiến cách ôn hoà, không kết án, không phê bình, không cố thuyết phục, mà ‘đành là bất đồng ý’ (agree to disagree). Thái độ trọng đãi người khác thì tích cực, vì phải nhận ra lối Chúa khác với lối ta, và phải kính trọng lương tâm của người khác cả đến khi ta tưởng nó sai lầm. Thái đội này cần thiết cho sự tự do tín ngưỡng và sự hòa thuận trong xã hội.

5.3. Đối thoại trí thức: mục đích là hiểu tôn giáo khác rõ hơn. Khó là chúng ta nói “phương ngữ” khác nhau, dùng phạm trù khác nhau và, tệ hơn nữa, khi đọc sách vở về họ, hoặc của họ, chúng ta tưởng đã hiểu rồi. Đàng khác, khi ta ý thức đến ý kiến của ‘người ngoài’ về mình thì ta biết mình hơn, biết tôn giáo mình tốt hơn. Khi chia sẻ những quan niệm khác nhau về ‘mầu nhiệm tuyệt đối’ thì chúng ta cũng hiểu mầu nhiệm ấy sâu xa hơn.

5.4. Đối thoại biện giải: mục đích là thuyết phục người khác chấp nhận tôn giáo tôi đúng. Thường cách đàm đạo này thành thảo luận, bàn cãi, mỗi kẻ nói mà không nghe. Nhưng nếu các thành viên nói tử tế thì cũng có ích lợi.

5.5. Đối thoại thiêng liêng: là chia sẻ kinh nghiệm về mầu nhiệm bao la là Thiên Chúa, là Niết bàn, là bản ngã sâu xa, hoặc bất cứ danh hiệu nào, như tôi đã gặp, như tôi đã được ảnh hưởng, v.v. Rồi chúng ta có thể cầu nguyện hoặc niệm kinh hoặc tĩnh niệm với nhau. Ở đây chân lý không phải trừu tượng, song là cụ thể và sống động, một chân lý người khác tôn giáo cũng có thể thí nghiệm.

Còn có thể có nhiều kiểu đối thoại, và thật ra một người không có thể tham dự vào một kiểu đối thoại mà không thử vào các kiểu khác. Nhưng trong bối cảnh này đối thoại nào cũng có tính “tôn giáo,” tức nhắm đến mục đích cuối cùng của cuộc đời, nghĩa là “đối thoại cứu độ.” Vì thế Giáo Hội coi đối thoại như là một yếu tố cấu tạo sứ mệnh của mình. Thiên Chúa đối thoại với loài người và kết quả là lịch sử cứu độ; vì vậy mọi thứ đối thoại tôn giáo là “bí tích” của đối thoại căn bản ấy, và chúng ta tin rằng Thần Khí Chúa không vắng nơi hai (hoặc nhiều) tín hữu trao đổi về chân lý hoặc kinh nghiệm thiêng liêng. Thái độ của người dấn thân vào cuộc đối thoại là, một đàng, trung thành với tín ngưỡng của mình, đàng khác, mở mình ra đón nhận chân lý bất cứ từ nơi nào đến. Cuối cùng, đừng lẫn lộn một con người với tín ngưỡng của nó: dẫu có thể từ chối một tín ngưỡng nhưng không hề được phép ghét một người.[3]

6. Hiệp thông và đối thoại để truyền giáo

  • Giáo Hội không chỉ như một tổ chức xã hội hay cơ quan phục vụ an sinh cho con người. Dù cưu mang trong mình nhiều con người tội lỗi, Giáo Hội cũng phải được chúng ta coi là nơi ưu tiên cho Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, là nơi Thiên Chúa quyết định mặc khải đời sống nội tâm nhiệm mầu của mình và thực hiện chương trình cứu độ thế giới (EA 24).
  • Nếu mục tiêu trước tiên của Giáo Hội là làm bí tích diễn tả sự kết hiệp nội tâm của con người với Thiên Chúa và vì sự hiệp thông giữa con người với nhau phát xuất từ sự hiệp thông của họ với Thiên Chúa, thì Giáo Hội cũng là bí tích diễn tả sự thống nhất của nhân loại. Nơi Giáo Hội sự thống nhất ấy đã khởi sự. Nhưng Giáo Hội cũng đồng thời là “dấu chỉ và dụng cụ” cho sự thống nhất sẽ được hoàn thành trong tương lai (EA 24).
  • Hễ ai hiệp thông với Thiên Chúa thì phải sinh hoa kết quả. Vì hiệp thông với Đức Kitô phát sinh hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau, chính là điều kiện để sinh hoa kết quả. Hiểu như thế thì hiệp thông và truyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói “hiệp thông vừa là gốc vừa là trái của việc truyền giáo: hiệp thông đưa đến truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông” (EA 24).

7. Vai trò của hiệp thông và đối thoại nơi Giáo Hội tại Châu Á

  • Giữa đông đảo các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau như thế, càng thấy đời sống Giáo Hội như là một hiệp thông quan trọng như thế nào. Thật ra, công tác phục vụ sự hiệp nhất do Giáo Hội thực hiện có một tầm quan trọng đặc biệt tại Châu Á, vì tại đây có quá nhiều căng thẳng, chia rẽ và xung đột, do những khác biệt về chủng tộc, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và tôn giáo gây ra. Chính trong bối cảnh ấy, các Giáo Hội địa phương ở Châu Á, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô, cần cổ võ sự hiệp thông nhiều hơn nữa trong tâm trí cũng như trong tâm hồn bằng sự cộng tác mật thiết hơn gữa các giáo hội với nhau (EA 24).
  • Vấn đề xây dựng các quan hệ với các giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác, cũng như với tín đồ các tôn giáo khác cũng là một vấn đề quan trọng, nên Thượng Hội Đồng Á Châu cải thiện các quan hệ Đại Kết cũng như Đối Thoại giữa các tôn giáo, vì nhìn nhận rằng xây dựng hiệp nhất, nỗ lực hòa giải, thiết lập các mối dây liên đới, xúc tiến sự đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, loại bỏ những thành kiến và gây dựng sự tin tưởng giữa các dân tộc, đó chính là những công việc vô cùng quan trọng để Giáo Hội thi hành sứ mạng Phúc Âm Hóa trên châu lục này (EA 24).

Các chữ viết tắt:

AG : Ad Gentes

EN : Evangelii Nuntiandi

RM : Redemptoris Missio

EA : Ecclesia in Asia

LG : Lumen Gentium

GS : Gaudium et Spes

ES : Ecclesiam Suam

CA : Centesimus Annus

[1] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.177-178

[2] Juan Esquerda Biffet, Pastoral for a missionary Church, p.178-179

[3] Filipe Gomez, Missiology, p.96-97