CÁC ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO (P.11)
06. CHỨNG NHÂN |
1. Chứng tá đời sống luôn luôn cần thiết và hữu hiệu. |
Các giám mục Á Châu và việc truyền giáo. Từ phiên họp đầu tiên (1974), FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferances) lấy đề tài “Rao giảng Tin Mừng trong Á Châu hiện đại” và đã nhấn mạnh nhiệm vụ truyền giáo với tính Á Đông, nghĩa là đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa và với các tôn giáo. Vì thế đã có những văn phòng đặc nhiệm là: |
BISA (Bishops’ Institute for Social Action) BIMA (Bishops’ Institute for Missionary Apostolate) BIRA (Bishops’ Institute for Interreligious Affairs) |
Các tổ chức của các giám mục về hoạt động xã hội, truyền giáo và liên tôn, cứ bốn năm một lần tụ họp, bàn luận về một đề tài và xuất bản một văn kiện. Nếu thu tập các tài liệu này thì thành một bộ giáo lý phong phú về Truyền Giáo Học. |
Thêm vào đó, tại Manila (tháng 12/1979) đã có hội nghị quốc tế truyền giáo, một hội nghị của những cố vấn thần học tại Hua Hin, Thái Lan (tháng 11/1991) và gồm 100 FABC papers, tức những bài viết của chuyên viên về mọi khía cạnh của sứ mệnh của Giáo Hội tại Á Châu. |
Một điểm rõ ràng là Giáo Hội Á Châu không ngừng nhắc lại rằng mình có nhiệm vụ không tránh được là rao giảng Tin Mừng cho đồng bào chưa nghe nói về Đức Kitô, hoặc chưa hưởng ơn cứu độ toàn vẹn trong Giáo Hội. Chắc chắn sẵn sàng thực thi mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh (Mt 28,20), những tâm hồn Á Châu đã có kinh nghiệm về tình thương của Chúa thì dấn thân vào việc truyền giáo vì lòng biết ơn đối với Cha Cả ở trên trời và vì yêu mến đồng bào, bởi vì mình xác tín rằng Tin Mừng là men giải phóng và biến đổi xã hội. |
Các giám mục thừa ý thức sứ vụ truyền giáo hết sức ưu tiên và khẩn cấp; vấn đề là phải tìm ra những phương pháp mới để truyền đạt Tin Mừng, vì lẽ những phương pháp cổ truyền có vẻ vô hiệu. Để có thể tìm thấy được một “kiểu truyền giáo Á Đông” Giáo Hội phải bản xứ hóa mình thực sự. Khi người ta nói về “một Giáo Hội cách mới” họ ám chỉ đến “một kiểu Á Đông đích thực”. |
Năm 1970, nhân dịp Đức Phaolô VI viếng thăm Phi Luật tân, 180 giám mục từ Á Châu nhóm lại ở Manila và khởi động sự hợp tác với nhau. Các ngài xuất bản một văn kiện: quyết định số 13 ủng hộ dứt khoát sự phát triển “một nền thần học bản xứ…ngõ hầu sinh hoạt và sứ điệp của Phúc Âm càng nhập thể trong những văn hóa phong phú cổ truyền của Á Châu”. Sau đó tất cả những văn kiện của FABC và các lần sinh hoạt đều nhắc đến đề tài “hội nhập văn hóa” dù chủ đề này không xuất hiện minh nhiên. Những lãnh vực do quá trình này nhắm đến là toàn thể Giáo Hội: tổ chức, phụng vụ, tư tưởng, sinh hoạt đối nội và đối ngoại. |
Đại Hội lần thứ 7 (3-13/01/2000) kết luận rằng “Phương thế Phúc Âm Hóa và phục vụ hữu hiệu nhất đã và vẫn luôn luôn là chứng tá đời sống”. |
Phải cổ vũ những giá trị Á Đông như tâm hồn chiêm niệm trong cầu nguyện, ưu tiên của cuộc sống hơn lý thuyết, thái độ hòa thuận với mọi người, lòng thương đối với dân khốn khổ, tôn trọng thiên nhiên. Đối ngoại (tức truyền giáo chẳng hạn), Giáo Hội nhấn mạnh phương pháp Á Đông là làm chứng bằng cuộc đời trước hết và đối thoại với các thực tại của xã hội: người nghèo, văn hóa và tôn giáo, vì Á Châu có nhiều người nghèo nhất thế giới, các văn hóa cổ kính và phong phú, các tôn giáo lớn và sống động[1]. |
2. Chính đời sống chứng nhân sẽ gây thắc mắc cho mọi người |
Cứ xem một Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu đang sống giữa một cộng đồng những con người mà tỏ ra khả năng thông cảm và đón nhận, thái độ chia sẻ cuộc sống và vận mệnh với người khác, tình liên đới trong các nỗ lực chung nhằm tất cả những gì cao thượng và tốt lành. |
Cứ xem họ lại còn chiếu tỏa, một cách thật đơn giản và hồn nhiên, lòng tin nơi những giá trị vượt xa những giá trị thông thường, và trông cậy vào những gì người ta không thấy, không dám mơ tưởng. |
Bằng cách làm chứng không lời như thế, những Kitô hữu kia gợi lên những câu hỏi không tránh được trong tâm trí những ai nhìn thấy họ sống: Tại sao họ như thế? Tại sao họ sống như thế? Cái gì – hay ai – đang thôi thúc họ? Tại sao họ ở giữa chúng ta? |
Làm chứng như thế đã là công bố Tin Mừng một cách thầm lặng nhưng rất mạnh mẽ và hiệu quả. Đó là một hành động khai mào cho việc Tin Mừng Hóa. Những câu hỏi trên có lẽ sẽ là những câu hỏi đầu tiên mà những người ngoài Kitô giáo tự đặt ra cho mình, dù họ là những kẻ chưa từng được loan báo về Đức Kitô, hoặc những kẻ đã được thanh tẩy nhưng không giữ đạo, hoặc những kẻ sống trong môi trường Kitô giáo, hoặc những kẻ đang khổ sở tìm kiếm một cái gì hay một Ai mà họ chỉ đoán chừng mà không biết gọi tên. |
Rồi sẽ còn nổi lên những câu hỏi khác, sâu xa hơn và đòi hỏi dấn thân hơn, vẫn do đời sống làm chứng gây ra, một đời sống làm chứng bao hàm sự hiện diện, chia sẻ, liên đới và là một yếu tố chính yếu, thường cũng là yếu tố trước hết, trong việc Tin Mừng Hóa (EN 21). |
3. Thế giới hôm nay đang khao khát những chứng nhân đích thực |
Công đồng Vaticanô II đã lên tiếng rõ ràng rằng toàn thể Giáo Hội phải truyền giáo, công việc Phúc Âm Hóa là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa. Vì toàn thể Dân Chúa được sai đi rao giảng Tin Mừng, nên Phúc Âm Hóa không bao giờ là một công việc riêng lẻ của cá nhân. Đó luôn luôn là một công việc chung của cả Giáo Hội, phải được thi hành trong trong sự hiệp thông với toàn thể cộng đoàn đức tin. Sứ mạng chỉ có một và không thể chia năm sẻ bảy, vì chỉ bắt nguồn từ một gốc và chỉ nhắm tới một mục tiêu. Nhưng trong sứ mạng ấy có những trách nhiệm khác nhau và những hình thức hoạt động khác nhau. Nhưng dù sao đi nữa, rõ ràng là không thể có công bố Tin Mừng thực sự, nếu các Kitô hữu không đồng thời lấy đời sống mình làm lời chứng, đi đôi với sứ điệp mà mình rao giảng : “Hình thức làm chứng đầu tiên là chính cuộc sống của người truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đoàn Giáo Hội, một cuộc sống giới thiệu một cung cách sống mới…Mọi người trong Giáo Hội, nỗ lực bắt chước Tôn Sư của mình đều có thể và đều có bổn phận phải làm chứng theo hình thức này. Nhiều khi, đó là cách duy nhất để truyền giáo (EA 42). |
Ngày nay người ta đang cần đặc biệt hình thức chứng tá đích thực của Kitô giáo ấy, vì “con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết” (EA 42) như Đức Phaolô VI đã nhắc nhở “người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, thì bởi vì chính các thầy dạy cũng là chứng nhân” (EN 41); và “người ta thường hay lập đi lập lại rằng: thế kỷ này khao khát sự đích thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất ca” (EN 76). |
Chúng ta phải tỉnh táo trước “những dấu chỉ thời đại” ấy. Âm thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: Các ngươi có thật sự tin điều các ngươi loan báo không? Các ngươi có sống điều các ngươi tin không? Các ngươi có giảng truyền thực sự điều các ngươi sống không? Hơn bao giờ hết làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc giảng truyền có hiệu quả sâu xa (EN 76). |
Thế giới tuy có vô vàn dấu hiệu từ khước Thiên Chúa nhưng một cách nghịch thường vẫn tìm kiếm Ngài bằng những đường nẻo bất ngờ và vẫn xót xa cảm thấy cần đến Ngài, thế giới ấy đòi những sứ giả Tin Mừng nói về một Thiên Chúa mà họ biết và gần gũi như thể họ đã từng thấy Đấng không thể thấy (Hr 11,27). Thế giới đòi hỏi và chờ đợi ở chúng ta đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thuơng đối với mọi người nhất là những kẻ bé mọn và nghèo khó, đức vâng phục và khiêm tốn, sự coi nhẹ và từ bỏ chính mình. Không có dấu hiệu về sự thánh thiện như thế, lời chúng ta sẽ khó đi vào lòng dạ con người thời đại này được. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu (EN 76). |
4. Qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mọi Kitô hữu phải làm chứng nhân |
Thật vậy mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ Phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ Phép Thêm Sức, để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha, cùng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại (AG 11). |
5. Các hình thức làm chứng nhân |
Để có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, |
5.1 Chính Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái mà liên kết với những người ấy, |
5.2 Phải biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống, và tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại, |
5.3 Lại phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; |
5.4 Phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ. |
5.5 Đồng thời, các Kitô hữu phải chú ý đến sự biến đổi sâu xa nơi các dân tộc, và phải nỗ lực làm cho những người thời nay còn quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế giới hiện đại đừng bỏ qua những việc linh thiêng, mà trái lại còn nhờ đó mà khao khát mãnh liệt hơn chân lý và tình thương Chúa đã mặc khải (AG 11). |
5.6 Chứng tá Tin Mừng mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ lưu tâm đến con người và lòng bác ái đối với người nghèo, những người nhỏ bé và những người đau khổ. Tính cách vô vị lợi trong thái độ và trong những hành động này tương phản sâu xa với thái độ ích kỷ hiện nay nơi con người, gợi lên những thắc mắc rõ ràng về Thiên Chúa và về Tin Mừng (RM 42). |
5.7 Cũng vậy, việc dấn thân phục vụ hòa bình, công lý, nhân quyền, thăng tiến con người, là một chứng tá Tin Mừng, tùy nó chú ý nhiều đến con người và nhằm phát triển toàn diện con người đến mức nào (RM 42). |
5.8 Giáo Hội được mời gọi làm chứng cho Đức Kitô bằng cách bày tỏ những lập trường can đảm có tính cách ngôn sứ trước sự băng hoại của quyền lực chính trị và kinh tế; bằng các không tìm vinh quang cũng như của cải vật chất, bằng cách sử dụng những gì mình có để phục vụ những người nghèo khổ nhất, và bằng cách noi gương đời sống đơn sơ của Đức Kitô (RM 43). |
5.9 Giáo Hội và các nhà truyền giáo cũng phải nêu lên chứng tá về lòng khiêm tốn, trước hết đối với chính mình, khi dám tự kiểm thảo ở mức độ cá nhân cũng như cộng đoàn, ngõ hầu sửa chữa lại trong cung cách sống của mình những gì đi ngược với Tin Mừng và làm biến dạng dung nhan của Đức Kitô (RM 43). |
5.10 Các Kitô hữu và các cộng đoàn Kitô hữu hội nhập sâu xa vào đời sống của dân tộc mình, và họ là những dấu chỉ Tin Mừng qua lòng trung thành với tổ quốc, với dân tộc, với văn hóa dân tộc, trong khi vẫn giữ được sự tự do Đức Kitô đã đem đến cho họ. Kitô giáo đưa đến tình huynh đệ phổ quát, vì mọi người đều là con cùng một Cha và là anh em với nhau trong Đức Kitô (RM 43). |
6. Mỗi thành phần Dân Chúa nói lên lời chứng cụ thể trong bậc sống của mình |
6.1 Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế |
Chúng tôi khích lệ các anh em của chúng tôi trong hàng giám mục, đã được Chúa Thánh Thần cắt đặt để cai quản Giáo Hội (Cv 20,28), chúng tôi khích lệ các linh mục và các phó tế là những người cộng tác với các giám mục trong việc qui tụ Dân Thiên Chúa và giúp cho các cộng đồng địa phương đó đời sống thiêng liêng (EN 76). |
Để phục vụ Giáo Hội như Đức Kitô muốn, các giám mục và linh mục cần phải được đào tạo một cách vững chắc và liên tục, nhờ đó họ có nhiều cơ hội để canh tân đời sống nhân bản, tâm linh và mục vụ, cũng như được theo học các khóa liên quan đến thần học, linh đạo và các khoa nhân văn. Dân chúng Á Châu cần được thấy các giáo sĩ không phải chỉ là các nhân viên từ thiện và các nhà quản lý hành chánh, mà còn là những con người đặt hết tâm trí vào những gì sâu xa của Chúa Thánh Thần (Rm 8,5) (EA 43). |
Thái độ kính trọng mà các dân tộc Á Châu dành cho các vị lãnh đạo là những người có trách nhiệm trong các thừa tác vụ của Giáo Hội cần phải được đáp lại bằng đời sống luân lý ngay thẳng của họ. Bằng đời sống cầu nguyện, phục vụ nhiệt tình và hạnh kiểm gương mẫu, các giáo sĩ sẽ làm chứng mạnh mẽ cho Tin Mừng ngay trong các cộng đoàn mà họ đang chăn dắt nhân danh Đức Kitô. Tôi sốt sắng cầu xin cho các thừa tác viên đã chịu chức trong các Giáo Hội Á Châu sẽ sống và làm việc trong tinh thần hiệp thông và cộng tác với các giám mục và mọi tín hữu, làm chứng cho một tình yêu mà Đức Giêsu đã tuyên bố là dấu hiệu đích thực của người môn đệ Chúa (Ga 13,35) (EA 43). |
6.2 Tu Sĩ |
Chúng tôi khích lệ các tu sĩ là những chứng nhân của một Giáo Hội được kêu gọi nên thánh và vì vậy chính họ được mời gọi vào một đời sống làm chứng cho các mối phúc thật theo Tin Mừng (EN 76). |
Tìm kiếm Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ người khác, đó chính là ba đặc điểm chính yếu của đời tu, có thể gởi đến cho các dân tộc Á Châu hiện nay một lời chứng mang tinh thần Kitô giáo hết sức lôi cuốn. Hội Nghị Đặc Biệt dành cho Á Châu này thúc giục những ai sống trong đời tu hãy cố gắng làm chứng cho mọi người thấy rằng ai cũng được mời gọi nên thánh, đồng thời hãy trở thành gương sáng cho người Kitô hữu lẫn người ngoài Kitô giáo, về lòng yêu thương xả thân vì mọi người,nhất là những anh chị em yếu kém nhất (EA44). |
Trong một thế giới thường không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, những người tu trì cần phải đưa ra được lời chứng ngôn sứ đủ sức thuyết phục về thế ưu việt của Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Khi sống thành cộng đoàn, họ phải làm chứng về các giá trị của tình huynh đệ Kitô hữu và sức biến đổi của Tin Mừng. Tất cả những ai theo đuổi đời tu đều được mời gọi trở thành người đi đầu trong việc tìm kiếm Chúa, một sự tìm kiếm luôn làm dao động lòng người và được bày tỏ hết sức rõ ràng dưới nhiều hình thức tu đức và sống đời sống tâm linh tại Châu Á này (EA 44). |
Trong các truyền thống tôn giáo đông đảo của Châu Á này, những ai dâng mình theo đuổi đời sống chiêm niệm và tu đức đều được kính trọng đặc biệt, lời chứng của họ cũng có sức thuyết phục rất cao. Sống thành cộng đoàn, làm chứng trong thinh lặng và bình an, đó có thể là hình ảnh thôi thúc mọi người xây dựng một sự hòa hợp lớn hơn nữa trong xã hội. Những người tu trì trong truyền thống Kitô giáo cũng được trông mong như vậy. Sống nghèo khó và từ bỏ trong thinh lặng, sống thanh khiết và chân thành, sống quên mình trong vâng phục, tất cả những điều ấy có thể trở nên lời chứng hùng hồn, đánh động mọi người thiện chí, đưa ta tới chỗ đối thoại rất tốt với các nền văn hóa và tôn giáo chung quanh, cũng như với những người nghèo và những người không được ai bênh vực. Nếu vậy, đời tu đúng là một phương thế đặc biệt có thể làm cho công cuộc phúc âm hóa được kết quả (EA 44). 6.3 Giáo Dân |
Chúng tôi khích lệ các giáo dân: những gia đình Kitô giáo, những người trẻ và những người trưởng thành, tất cả những ai đang làm một nghề, những người lãnh đạo, những người nghèo mà thường giầu đức tin và đức cậy, tất cả những giáo dân ý thức về vai trò Tin Mừng Hóa của mình trong việc phục vụ Giáo Hội hay ở giữa lòng xã hội và thế giới. Chúng tôi nói với họ tất cả : nhiệt tình Tin Mừng Hóa của chúng ta phải vọt lên từ một đời sống thực sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng lòng yêu mến Thánh Thể, rồi, như công đồng gợi ý, đến lượt việc giảng truyền lại phải làm cho người giảng lớn lên trong sự thánh thiện (EA 76). |
Như công đồng Vaticanô II đã chỉ rõ, do ơn gọi của mình, các giáo dân được đặt một cách vững chắc vào trong thế giới để thi hành những công việc hết sức đa dạng. Chính tại nơi này họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Do ân sủng và do tiếng gọi từ bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo (EA 45). Phạm vi dành riêng cho hoạt động Tin Mừng Hóa của họ là một thế giới rộng lớn và phức tạp chẳng những của các sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế mà còn của văn hóa, các khoa học và các nghệ thuật, đời sống quốc tế, các phương tiện truyền thông đại chúng, và còn một số thực tại khác đang chờ được Tin Mừng Hóa như tình yêu, gia đình, giáo dục trẻ em và thiếu niên, nghề nghiệp, đau khổ (EN 70). |
Càng có những giáo dân thấm nhuần Tin Mừng mà có trách nhiệm về các thực tại trên và dấn thân rõ rệt vào đó, có đủ điều kiện để đẩy chúng đi lên và ý thức rằng cần phải vận dụng đầy đủ khả năng Kitô hữu của chúng thường bị chôn vùi và bị bóp nghẹt, thì các thực tại ấy không làm mất hay phải hy sinh giá trị nhân văn của chúng mà càng biểu lộ kích thước siêu việt ít được biết tới và càng có ích cho việc xây dựng triều đại Thiên Chúa và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô (EN 70). |
Tại nhiều nước Châu Á, người giáo dân đang phục vụ như các nhà truyền giáo chính hiệu, tiếp xúc với những đồng bào Á Châu có thể chưa bao giờ có dịp gặp gỡ các giáo sĩ và tu sĩ. Tôi xin gởi lời cám ơn của toàn thể Giáo Hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong sinh hoạt và sứ mạng của Dân Chúa, làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt (EA 45). |
[1] Felipe Gómez, Truyền Giáo Học, p. 4-5