TA LÀ CON ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 84 | Cật nhập lần cuối: 5/20/2023 9:40:06 AM | RSS

TA LÀ CON ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

(Ga 14,1-12)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Thầy là con đường

1.1.Thầy là con đường

Chúa nói Người sẽ về với Cha, Đấng đã sai Người, Đấng với Người là một và họ vẫn không hiểu. Họ càng không hiểu về đường Người đi, vì đó là đường Thập Giá. Vào lúc đó các môn đệ hoang mang. Tôma là người không bao giờ nói hiểu điều ông chưa hiểu, vì thế ông lên tiếng. Ông chân thật quá, và cũng náo nức quá để biết những gì còn mơ hồ. Tôma muốn biết chắc. Vì thế ông nói lên sự hồ nghi và không hiểu của ông. Và lạ lùng thay chính vì câu hỏi của hồ nghi mà Chúa đã nói một trong những chân lý lớn nhất “Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Đừng ai mắc cỡ vì hồ nghi của mình, vì tuyệt diệu và hạnh phúc là ai tìm thì sẽ thấy. “Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” là lời nói lớn lao đối với chúng ta, nhưng còn lớn lao hơn đối với người Do thái khi họ nghe lần đầu. Trong đó Chúa liên kết ba ý niệm căn bản của đạo Do thái thành một và tuyên bố ba ý niệm trên hoàn toàn đầy đủ nơi mình. Người Do Thái nghe nói nhiều đến đường con người phải đi và đường của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với Môsê “... không đi trệch bên phải bên trái... hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa... đã truyền cho anh em” (Đnl 5:32-33); Môsê nói với dân chúng “tôi biết rằng sau khi tôi chết, chắc chắn anh em sẽ ra hư hỏng, vả sẽ đi ra ngoài con đường tôi đã truyền cho anh em...” (Đnl 31:29); Isaia nói về đường “khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái...” (Is 30:21); [1]

1.2.Thầy là con đường thánh thiện

Trong thế giới can đảm mới, có xa lộ gọi là Đường Thánh Thiện. Và trên đường đó, khách đi đường, dầu chất phác đến mấy cũng không sợ lạc. “Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ” (Is 35:8); Lời cầu của Thánh vịnh 27:11 là “xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa, dẫn con đi trên đường lối phẳng phiu...”. Người Do Thái biết nhiều về đường của Thiên Chúa trong đó con người phải đi. Và Chúa Giêsu nói ‘Thầy là Đường’. Chúa có ý nói gì? Nếu hỏi địa chỉ mà được đáp ‘hãy đi thẳng, quẹo trái rồi phải...’ thì khó, rất dễ bị lạc. Nhưng nếu được trả lời ‘hãy theo tôi’ thì hay biết mấy. Trường hợp này, người dẫn ta sẽ là đường, theo họ ta không thể lạc. Đó là điều Chúa Giêsu đối với chúng ta. Người không chỉ cho ta lời khuyên và chỉ dẫn. Người còn cầm tay dẫn ta đi. Mỗi ngày, Người củng cố, hướng dẫn từng người. Chúa Giêsu không nói về đường. Người là Đường. [2]

2. Thầy là Sự thật’

Về sự thật cũng thế. Chúa Giêsu nói ‘Thầy là Sự Thật’. Lời Thánh Vịnh “xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài. Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh” (Tv 86:11); “vâng, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa và sống theo chân lý của Ngài” (Tv 26:3); “đường chân lý, này con đã chọn, quyết định của Ngài con khao khát đợi trông” (Tv 119:30)... nhiều người nói về sự thật, song không ai dám hiện thân làm sự thật. Sự thật luân lý còn quan trọng khác hẳn. Tính nết một người không ảnh hưởng đến việc dạy dỗ của ông về hình học, thiên văn hay Latinh... nhưng người dạy sự thật luân lý, đức tính của ông làm ông khác hẳn. Giảng giải sự thật khoa học, kỹ thuật thì khác, mà nói về sự thật luân lý lại khác. Người tà dâm sao giảng về trong sạch, kẻ tham lam sao giảng về quảng đại, người ham làm bá chủ sao giảng về khiêm tốn, người nóng giận sao giảng về hiền lành, người cau có sao giảng về yêu thương... sự thật luân lý không thể dạy bằng lời nói suông mà phải bằng gương. Chính vì thế ông thầy lớn nhất loài người cũng phải thất bại. Không nghiêm sư nào dám tự hào mình là sự thật, ngoại trừ Chúa Giêsu. Nhiều người có thể nói ‘tôi dạy anh sự thật’. Nhưng chỉ có Chúa Giêsu dám quả quyết ‘Thầy là Sự Thật’. Điều tuyệt diệu về Chúa Giêsu không phải chỉ là lời phát biểu rằng sự hoàn thiện luân lý đạt tới tột điểm nơi Người mà thực tế là đang hiện thân ở nơi Người.[3] 3.‘Thầy là Sự Sống’

Sách Châm ngôn nói “vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống” (6:23); rồi các lời sách Châm ngôn 10:17; Thánh Vịnh 16:11. Phân tách sau cùng thì những gì con người tìm kiếm luôn luôn là sự sống. Con người không tìm tri thức vì tri thức, mà để cuộc đời tân tiến, dễ chịu, dài lâu hơn... một tiểu thuyết gia, qua nhân vật say tình của ông, đã nói ‘tôi chưa biết cuộc sống là gì cho đến khi tôi nhìn thấy trong ánh mắt bạn’. Tình yêu đem lại sự sống; đó là điều Chúa Giêsu đem lại. Sống với Chúa quả thật là sự sống... có một cách diễn tả tất cả những điều trên. Chúa Giêsu nói ‘Không ai đến được với Cha ngoại trừ qua Tôi’. Chỉ mình Ngài là đường đưa đến Thiên Chúa. Chỉ trong Người, ta thấy Thiên Chúa thế nào và chỉ mình Người dẫn ta đến trước nhan Thiên Chúa. Mẹ Têrêsa nói: sự sống là cơ hội, hãy bắt lấy; là vẻ đẹp, hãy chiêm ngưỡng; là giấc mơ, hãy thể hiện; là thách đố, hãy đương đầu; là bổn phận, hãy chu toàn; là cuộc chơi, hãy tham gia; là lời hứa, hãy thể hiện; là sầu muộn, hãy lướt thắng; là bài ca, hãy ca lên; là cuộc tranh, hãy chấp nhận; là thảm kịch, hãy đương đầu; là thám hiểm, hãy ra đi; là may mắn, hãy nhận lãnh; là ngọc quí, đừng chà đạp; là sự sống, hãy chiến đấu. ‘Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy’. Chúa là đường độc đạo, duy nhất, dẫn đến Cha. [4]

(Ga 14:7-11) 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”. 8 Ông Philípphê nói: “thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. 9 Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: `xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? 10Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì hãy tin vì chính các việc kia vậy.

1.Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha

Đối với người xưa thì đây là những điều lạ lùng nhất Chúa Giêsu nói. Người Hy Lạp cho Thiên Chúa là Đấng vô hình, người Do Thái thì nói không ai thấy Thiên Chúa. Với những người nói như thế, Chúa Giêsu nói ‘ai thấy Thầy là thấy Thiên Chúa...’. Philip hỏi điều mà ông cho đó là điều không thể được. Có thể ông nhớ đến ngày tuyệt diệu khi Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người cho Môsê (Xh 33:12-32). Cả trong ngày ấy, Thiên Chúa chỉ nói với Môsê ‘ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy’ (Xh 33:23). Vào thời đại của Chúa, con người vẫn còn bị dằn vặt về tính siêu việt của Thiên Chúa, một Thiên Chúa xa lạ, thản nhiên đối với con người. Con người không hề nghĩ tới có ngày sẽ nhìn thấy Thiên Chúa. Lúc đó, Chúa Giêsu nói rất đơn giản ‘ai thấy Thầy là thấy Cha’. Đúng thế, ai thấy Chúa Giêsu là thấy Thiên Chúa. Một tác giả mới đây viết rằng Thiên Chúa trong tin mừng Luca là ‘Thiên Chúa hiện thân trong gia đình’. Ông có ý nói Luca tỏ cho ta Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, đã chia sẻ những sự thân thiết nhất trong gia đình. Khi thấy Chúa Giêsu, ta có thể nói ‘đây là Thiên Chúa sống cuộc sống chúng ta’.[5]

2.Nếu thế, ta có thể nói những gì quí hóa nhất về Thiên Chúa

2.1.Thiên Chúa đã sống trong một ngôi nhà, trong một gia đình bình thường

Thiên Chúa đã sống trong một ngôi nhà, trong một gia đình bình thường, như Francis Thompson viết tuyệt hay trong Ex Ore Infantum: ‘ôi bé Giêsu, bé cũng có lúc e thẹn? Thiên đàng khác gì hay cũng như tôi?’ Xưa kia nếu có ai dám nghĩ Thiên Chúa xuống trần gian, hẳn Người phải đến như một vị vua tiến vào cung điện với mọi huy hoàng rực rỡ... như George Maccdonald viết: ‘mọi người trông mong một vua tới diệt kẻ thù và nâng con người lên. Nhưng Người lại đến như đứa bé thơ làm bà mẹ phải kêu òa khóc vui’. Như câu nói của một con trẻ ‘có người kỵ mã Belem giầu có của Người là nước mắt và sầu muộn; Quân binh của Người là những con chiên nhỏ. Ban chiến thắng của Người là những con chim sẻ tí hon’. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa, lần nữa, lại vĩnh viễn thánh hóa việc sinh nở, các ngôi nhà bình thường, và tuổi thơ con người.[6]

2.2.Thiên Chúa không ngại làm những công việc của con người

Người xuống thế như một người lao động. Người là một ông thợ mộc tại Nadarét. Ta không bao giờ hiểu biết đầy đủ sự kiện lạ lùng là Thiên Chúa hiểu thế nào là tiền công một ngày của chúng ta. Người biết những khách hàng khó tính, những người ăn quịt không trả tiền công. Người biết tất cả những khó khăn trong việc kiếm sống của một gia đình bình thường, những khó khăn từ những vấn đề hằng ngày. Theo Cựu Ước thì lao động là một nguyền rủa, vì Sách Sáng Thế nói con người phải ‘đổ mồ hôi mới có miếng ăn manh áo’ (St 3:19). Nhưng theo Tân Ước thì công việc bình thường đượm mầu vinh quang vì chúng được bàn tay Thiên Chúa đụng tới chúc phúc.[7]

2.3.Thiên Chúa biết thế nào là cám dỗ

Cuộc đời Chúa Giêsu cho thấy, không phải là cuộc đời của một Thiên Chúa thanh thản mà là cuộc đời của một Thiên Chúa của tranh đấu. Ai cũng có thể quan niệm một Thiên Chúa sống trong thanh thản, bằng an, ngoài những căng thẳng của trần gian. Nhưng Chúa Giêsu tỏ cho ta một Thiên Chúa trải qua những vật lộn ta phải chịu. Thiên Chúa không phải là một vị chỉ huy từ hậu trường, nhưng là vị chỉ huy biết những lằn đạn khét lửa của cuộc sống...

2.4.Nơi Chúa Giêsu ta thấy Thiên Chúa yêu thương

Lúc tình yêu xâm nhập cuộc đời, thì đau khổ cũng xâm nhập cuộc đời... nếu có thể tuyệt đối tách khỏi cuộc đời, có thể thu xếp để không gì, không ai có thể quấy rầy, chắc sẽ không còn sầu muộn, đau đớn và lo lắng. Nhưng nơi Chúa Giêsu, ta thấy Thiên Chúa hết mực săn sóc, thương yêu con người, xót xa cho con người, với con người, thương yêu đến độ mang vết thương của con người trong trái tim Người. [8]

2.5.Nơi Chúa Giêsu ta thấy Thiên Chúa chịu treo trên Thập Giá

Thật không thể tưởng. Rất dễ tưởng tượng một Thiên Chúa đánh phạt con người, triệt hạ con người. Không ai có thể mơ đến một Thiên Chúa, Đấng chọn Thập Giá để giải thoát con người... ‘ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy’. Chúa Giêsu là mạc khải của một Thiên Chúa, một biểu lộ làm con người phải lảo đảo ngỡ ngàng. Chúa Giêsu nói tiếp. Người nói một điều không người Do Thái nào có thể hiểu, đó là sự cô đơn của Thiên Chúa. Họ là dân độc thần không lay chuyển. Nguy hiểm của đức tin Kitô giáo là đặt Chúa Giêsu như một Thiên Chúa hàng thứ hai. Nhưng chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rằng những gì Ngài nói, những gì Ngài làm, không đến từ sáng kiến của Người, quyền lực của Người, mà tất cả đến từ Thiên Chúa. Lời Người nói là lời Thiên Chúa nói... Công việc của Người là quyền lực của Thiên Chúa. Người là máng chuyên chở Thiên Chúa đến với con người. Hãy lấy một thí dụ đơn giản giữa thầy và trò.

2.5.1.Chuyển vinh quang và tình yêu của Thiên Chúa cho con người

Dr Lewis Muirhead nói về bình luận gia Kitô hữu lớn lao là A.B.Bruce rằng người ta ‘đến để thấy nơi ông, vinh quang của Thiên Chúa’. Mỗi thầy giáo có trách nhiệm chuyển tải cái hay của môn dạy cho học trò; và người dạy về Chúa Giêsu có thể, nếu ông thánh thiện đủ, chuyển tải những gì thuộc Thiên Chúa cho học sinh. Đó là điều A.B.Bruce đã làm. Ông đã chuyển vinh quang và tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Một thí dụ khác. Giáo sư lớn lao còn ghi dấu của mình trên học trò. W.M.Macgregor là học trò của A.B.Bruce. A.J.Gossip kể trong ghi nhớ về W.M.Macgregor ‘khi tiếng xì xầm là Macgregor nghĩ đến việc bỏ dạy, người ta ngạc nhiên hỏi tại sao? Ông trung thực đáp ông đã học được từ Bruce là ông có thể sẽ thất bại’.

2.5.2. Tôi sẽ mang dấu vết của thầy nơi tôi

Hiệu trưởng John Cairns viết cho thầy dạy mình là Sir William Hamilton ‘trước mắt, tôi không biết cuộc đời hay những cuộc đời của tôi ra sao. Nhưng tôi biết điều này là sau cùng, tôi sẽ mang dấu vết của thầy nơi tôi’. Đôi khi nơi một sinh viên thần học được một giáo sư huấn luyện mà ông yêu mến, ta thấy như nghe, thấy, có điều gì từ thầy dạy.

2.6. Chúa Giêsu xuống thế gian vì Thiên Chúa đã sai Người vì Thiên Chúa thương yêu con người

Chúa Giêsu đã làm như thê một cách trổi vượt hơn nhiều. Người đem đến những đặc điểm, thông điệp, trí khôn cũng như trái tim của Thiên Chúa cho con người. Ta phải thỉnh thoảng nhớ rằng tất cả là từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu không tự chọn sinh xuống trên thế gian. Người không làm vậy để làm dịu lòng Thiên Chúa. Người xuống thế gian vì Thiên Chúa đã sai Người vì Thiên Chúa thương yêu thế gian. Chúa Giêsu nói tiếp, đưa ra một tuyên bố và thử bằng những lời nói và công việc của Người. Chúa tuyên bố hãy xét những lời Người nói. Tựa Người nói ‘khi nghe tôi nói, các ông không thể hiểu ngay rằng đó là sự thật của Thiên Chúa?’ Lời nói của những vị thiên tài luôn luôn tự nó đã rõ ràng. Khi đọc áng thơ hay, tự nhiên ta thốt lên, đó thật là áng thơ hay, cảm động. Có thể phân tách từ ngữ, âm thanh, âm điệu... nhưng sau cùng cũng phải chấp nhận. Đó là những lời Chúa Giêsu nói. Khi nghe những lời Người, ta không thể không thốt lên ‘nếu thế giới chỉ sống theo những nguyên tắc đó, thế giới sẽ ra khác biết bao! Nếu tôi sống những nguyên tắc đó, tôi sẽ ra khác thế nào. [9]

2.7.Bởi công việc Chúa Giêsu làm

Người nói với Philípphê ‘nếu không tin lời, thì hãy tin vào việc...’ Đó cũng là câu đáp Chúa nói với những môn đệ của Gioan hỏi có phải Người là Đấng Mêsia. Người bảo các môn đệ hãy về nói cho Gioan những việc đã thấy... (Mt 11,1-6). ‘Hãy nghe Thầy, hãy nhìn Thầy và hãy tin’. Niềm tin Kitô giáo không phải do bàn cãi về Chúa Giêsu mà bằng việc lắng nghe và ngắm nhìn vào Người.[10]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Một nhà tu đức nổi tiếng Ấn Độ, cha Antôn Mêlô kể một câu chuyện như sau: “một hôm lang thang trên phố, tôi thấy một cửa hiệu với hàng chữ: “tại đây có bán chân lý”. Tò mò tôi bước vào. Cô bán hàng niềm nở đón tiếp tôi và hỏi: “ông muốn mua loại chân lý nào? Chân lý từng phần hay chân lý toàn diện?” Tôi cho cô biết dĩ nhiên tôi đang đi tìm thứ chân lý toàn diện, thứ chân lý không pha trộn giả dối, thứ chân lý mà lý trí tôi phải đầu hàng vô điều kiện. Tôi muốn có chân lý đơn thuần và toàn diện.

Cô bán hàng nhìn tôi lắc đầu rồi chỉ sang một cửa hiệu khác, nơi có bán thứ chân lý mà tôi đang đi tìm. Người đàn ông đứng bán hàng nhìn tôi với lòng thông cảm. Ông chỉ cho tôi xem giá biểu của món hàng mà tôi muốn mua, rồi nói với tôi: “thưa ông, giá của món hàng rất cao”. Đã cương quyết mua cho được chân lý toàn diện, tôi liền hỏi: “giá bao nhiêu, xin cho tôi biết”. Người bán hàng trả lời: “nếu ông muốn mua thứ chân lý này, ông phải trả bằng cả cuộc sống của ông”.

Tôi ra khỏi cửa hiệu, lòng buồn rười rượi, nhưng thật là may mắn, bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta món hàng quí giá đó khi Chúa nói với Tôma: ”Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Quả thật Đức Giêsu là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống. Ngài chính là Con Đường dẫn đến Chân Lý và Chân Lý đó dẫn đến Sự Sống đời đời. Đó là việc Đức Giêsu đang làm cho chúng ta. Ngài không chỉ đưa ra những lời khuyên dạy, chỉ hướng đi mà thôi, nhưng Ngài nắm lấy bàn tay và dẫn chúng ta đi. Ngài cùng đi với chúng ta, đích thân Ngài thêm sức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Chính Ngài là con đường dẫn đến Chúa Cha, vì chính Ngài đã mạc khải Chúa Cha (Ga 12,45), tuy Ngài bởi Chúa Cha mà đến và về với Chúa Cha (Ga 7,29-33), nhưng Ngài lại là một với Chúa Cha (Ga 13,30) vì chính Ngài là chân lý và là sự sống (Ga 3,15).
Chúng ta có thể tóm tắt điều Đức Giêsu muốn nói: nếu không nhờ Thầy, không ai đến được với Chúa Cha. Chỉ một mình Thầy là con đường đến với Thiên Chúa. Chỉ trong Thầy chúng con mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Thầy đưa chúng con đến với Thiên Chúa Cha mà thôi.

Ts. Lin Yutang là một triết gia và học giả Trung Hoa nổi tiếng. Ông viết một cuốn sách thật khích lệ mang tựa đề From Pagan to Christian (từ lương dân đến Kitô Hữu). Ông viết: trong 30 năm, tôn giáo duy nhất của tôi là chủ nghĩa nhân văn: tin tưởng rằng… chỉ cần có sự tiến bộ về kiến thức sẽ tự động đưa đến một thế giới tốt đẹp hơn…tôi thấy rằng một người càng gia tăng sự tin tưởng về chính mình thì không làm cho họ trở nên giống Thượng Đế được. Khi chủ nghĩa nhân văn của tôi vì đó sút giảm, tôi lại càng tự vấn chính mình: liệu có tôn giáo nào có thể thoả mãn được con người của thời đại này không? Và ông bắt đầu nghiên cứu về các tôn giáo trên thế giới.
Rồi vào một ngày Chúa Nhật, vợ ông, một tín hữu Kitô, thuyết phục ông đến một nhà thờ ở Nữu Ước. Ở đây chính khi nghe bài Phúc Âm, bỗng dưng ông bị đánh động bởi sự đơn sơ và vẻ đẹp của lời Chúa Giêsu đến độ kinh hoàng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy. Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Con không tin rằng… Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? (Ga 14,6, 9, 11)
Quả thật, Thiên Chúa không còn là một hữu thể xa cách, nhưng là một người Cha rất gần gũi, rất thân thương mà ông có thể quay trở về bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ lý do gì. Và rồi sau một cuộc hành trình dài tìm kiếm Thiên Chúa cuối cùng ông đã nhận ra Đức Giêsu như nói với ông: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” và ông đã tin theo Đức Giêsu.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.363

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.364

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.363

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.365

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.366

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.366

[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.367

[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.367

[9] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.368

[10] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.369